Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Những khu đền độc đáo của xứ sở Angkor

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn hướng dẫn viên chúng tôi vừa tham dự lớp tập huấn đặc biệt tại xứ sở Angkor với cuộc hành trình 9 ngày đầy lý thú và bất ngờ. Hai điểm đến gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là quần thể Sambor Preikuk và đền Preah Vihear.

Sambor Preikuk
Qua khỏi thị xã Kampong Thom chừng 15 km có ngã ba đường đất đỏ, đi tiếp 22 km nữa là đến Sambor Preikuk, kinh đô của người Khmer (Lục Chân Lạp) từ thế kỷ thứ 6 – 8. Đón đoàn là anh Bun Teang, 31 tuổi, nhà có ba đời làm nghề hướng dẫn viên. Bun Teang thuộc nằm lòng từng chi tiết cả khu đền như chính nhà mình vậy.
Quần thể Sambor Preikuk (tạm dịch là: Rừng rậm giàu có phì nhiêu) rộng gần 30 km2 với 280 ngôi đền lớn nhỏ. Do thời gian và đặc biệt là chiến tranh phá hoại của Mỹ vào những năm 1970, hiện chỉ còn 64 ngôi đền có thể tham quan. Nhiều ngôi đền bị sụp đổ, nằm ngổn ngang cạnh những hố bom B52. Quần thể được chia làm ba khu: Nam – Trung tâm – Bắc. Mỗi khu đều có 2 tường thành bằng đá ong ngăn cách, được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 6 (đời vua Isaravarman).
Đền gồm ba loại: đền hình chữ nhật thờ thần Brasma, đền hình bát giác thờ thần Visnu và đền hình vuông thờ thần Shiva. Vào thế kỷ thứ 7 có khoảng 20 nghìn dân sinh sống ở vùng ngoài, cách đền chừng 2 km, chỉ khi tế lễ mới vào tham dự. Vật liệu xây dựng đền là gạch nung được kết dính bởi nhựa cây trộn đường thốt nốt (một giả thiết của người thời nay). Cửa đền làm bằng sa thạch xanh. Cả sa thạch và gạch nung đều được điêu khắc tinh xảo. Khu Nam hiện còn 8 đền lục giác giống nhau. Prasat Yeai Poen (đền bà Poeun) cao 18m. Phía trên có thần Brasma cưỡi voi, ở dưới hai bên là chim thần Garuda và hai con rồng Naga nối đuôi vào nhau.
Các đền đều quay về hướng đông, biểu tượng cho sự sống. Hướng tây biểu tượng cho cái chết nên thường không có cửa hoặc đóng cửa. Hoa văn cổng chính thường là thần Visnu ngồi trên Garuda, một bên là các cung nữ, phía dưới là các quân sư, các nhà chiêm tinh. Các hoa văn ở cửa đền đều có hình lá cỏ hôi, một loại cây họ bụi mọc rất nhiều ở đây. Tam cấp vào đền hình cánh sen, chỉ dành cho vua đứng tế lễ, ba bậc tiếp theo tượng trưng cho Đất – Nước – Trời.
Vách đền thẳng đứng với vách núi hun hút, chỉ cách mấy tấc. Đứng dựa vách đền đã thấy hoa mắt, run chân. Chẳng hiểu cả ngàn năm trước người ta làm thế nào để có thể kiến tạo cả công trình đồ sộ như vậy.
Các đền ở khu Bắc thờ thần Shiva mà biểu tượng là Linga (thần Shiva) và Yoni (thần Uma, vợ thần Shiva). Tương truyền Linga được làm bằng vàng, Yoni bằng đá, có rãnh. Khi làm lễ, sữa hoặc nước được tưới lên đầu Linga và theo rãnh của Yoni chảy xuống. Mọi người hứng uống, rửa mặt để cầu xin sức mạnh và bình an. Hiện các Linga đã bị đánh cắp, Yoni bị đặt mìn để tìm vàng bên dưới. Các bệ Yoni mới được đắp lại sau này từ các mảnh vỡ.

Những di tích ở Sambor Preikuk có nhiều nét tương đồng với Mỹ Sơn về vật liệu xây dựng và một số họa tiết. Ở đây có những cây Knia cổ thụ thân lớn mấy người ôm. Những cây đa “bóp cổ” rễ chụp kín cả ngôi đền hoặc tạo ra những mái lều nhỏ. Đi giữa rừng già lặng lẽ, cạnh những đền đài cô quạnh, đổ nát, trời chiều se sắt, gió mong manh, xào xạc lá, cứ như lạc vào thuở sơ khai, hư – thực với bao dâu bể.

Preah Vihear
Từ Sambor Preikuk đi Preah Vihear đường xấu, đầy ổ gà, ổ voi. Các cầu, đường đang được làm lại. Ông Sokha – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh đón và đưa đoàn về nghỉ tại thị xã Tabengmienchay – thủ phủ của tỉnh Preah Vihear. Cả thị xã chỉ có vài khách sạn, còn lại là guest house. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đi – về Phnom Pênh, khởi hành lúc 7 giờ 15. Từ đây lên biên giới, nơi có đền Preah Vihear, còn hơn 90 km.

Sambor Preikuk – Ảnh: Shutterstock
Preah Vihear nằm trong đất Campuchia trên dãy núi Dang Rech ở độ cao 753m, ngay sát biên giới Campuchia – Thái Lan. Xung đột giữa 2 nước xảy ra lần thứ nhất vào 1959. Đến năm 1962, tòa án quốc tế xử Preah Vihear thuộc lãnh thổ Campuchia. Trước đây du khách chỉ đi qua ngả Thái Lan vì có đường thoai thoải dễ đi, phía Campuchia đường dốc đứng. Do đó họ cũng sử dụng các dịch vụ của người Thái, người Khmer chỉ thu vé vào cổng.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 9, trải qua 7 đời vua – khởi đầu là Yasovarman I, Preak Vihear chia làm 5 khu vực, trên một trục thẳng hình chữ nhật, từ thấp tới cao, dài 800m, rộng 400m. Hình ảnh tiêu biểu cho Preah Vihear được đưa lên các pa-nô dựng khắp nơi ở Campuchia chính là cổng đền của khu vực 5. Các kiến trúc ở đây là tổng hòa sự sắc sảo, tinh tế và độc đáo của quần thể Angkor gộp lại. Chỉ có sự khác biệt là đá lót nền hình vuông, mỏ đá lộ thiên nên chất lượng đá có chỗ không đều và được xây trên đỉnh núi. Có đoạn vách đền thẳng đứng với vách núi hun hút, chỉ cách mấy tấc. Đứng dựa vách đền đã thấy hoa mắt, run chân. Chẳng hiểu cả nghìn năm trước người ta làm thế nào để có thể kiến tạo cả công trình đồ sộ như vậy. Vẫn là lối kiến trúc đá chồng đá và điêu khắc tinh xảo đến kinh ngạc.
Năm 2007, sau khi UNESCO công nhận Preah Vihear là Di sản văn hóa thế giới thì xảy ra xung đột Thái – Campuchia lần thứ 2. Người Khmer đóng cửa đường vào từ đất Thái và mở đường từ chân núi lên đền. Đoạn đường 15 km dốc đứng, quanh co, phải đi xe bán tải 2 cầu và chỉ tài xế người bản địa mới dám lái. Đường cheo leo, thác róc rách, len lỏi giữa rừng và vực, thi thoảng gặp mấy chú sóc, chồn ngạc nhiên ngó khách hoặc phóng vội qua đường. Dưới chân núi có nhiều quán xá và nhà trọ, có thể mang sẵn lương thực dã ngoại để ăn trưa trên đền.
Ngoài các hướng dẫn viên du lịch tại chỗ, những người lính Campuchia cũng luôn sẵn lòng hỗ trợ khách du lịch tham quan. Biết chúng tôi là đoàn khách VN đầu tiên lên thăm đền, lại mang theo quà ủng hộ chiến sĩ, trung tướng Svanna – Tư lệnh mặt trận – đã thân mật tiếp đoàn và nói lời cảm ơn. Ngay trên đỉnh Preah Vihear chúng tôi cũng gặp mấy người bán dạo và dù ngay cạnh đất Thái cũng thấy nhiều sản phẩm hàng VN chất lượng cao.
Bịn rịn chia tay, chúng tôi hẹn gặp lại vào một ngày không xa. Xuống núi trong cảnh hoàng hôn thật ấn tượng. Mong sao chiến tranh đừng bao giờ xảy ra để Peak Vihear luôn là điểm đến kỳ thú của du khách.
Nguyễn Văn Mỹ / TNO

Bình luận (0)