Nhiều cách làm hay như: trao học bổng giúp học sinh khó khăn không bỏ học, nấu những bữa ăn tình thương cho người neo đơn, xây sửa những căn nhà xuống cấp, rồi hỗ trợ vốn, gợi ý học nghề để gia đình khó khăn có điều kiện kinh doanh, buôn bán… đã được triển khai. Từ sự nghĩa tình ấy, nhiều người dân ý thức vươn lên thoát nghèo, giúp khu phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cầu nối giúp dân thoát nghèo
“Cô Ngân khát nước không, tôi mời cô ly nước mát”, thấy bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 2, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM) mang cơm đến nhà cụ Hai gần nhà mình, bà Huỳnh Thị Nên cất lời chào. Cụ Hai là hộ neo đơn ở khu phố 2, được bà Ngân và các thành viên bếp ăn nhân ái của phường chăm lo nhiều năm nay. Ban đầu, bếp phục vụ 40 suất/ngày, sau tăng lên 120 suất/ngày. Khi dịch Covid-19 xảy ra, bếp tăng lên mỗi ngày 200 suất để đủ phục vụ người neo đơn, người khó khăn trên địa bàn phường 7.
Theo bà Ngân, bếp duy trì hoạt động từ sự chung tay đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Mỗi ngày, các thành viên thay nhau nấu, mang cơm đến tận nhà cho những người khó khăn, neo đơn, già yếu. Dịp tết, bếp nhân ái lại nấu thịt kho trứng, gói bánh tét, bánh chưng để nhà ai dù khó khăn cũng có hương vị tết.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (ngồi giữa) thăm hỏi người dân trên địa bàn khu phố 2, phường 7, quận Phú Nhuận để nắm bắt những khó khăn, từ đó hỗ trợ.
Không chỉ là thành viên tích cực tại bếp ăn, ở khu phố 2, bà Ngân còn là người khởi xướng nhiều chương trình chăm lo đời sống người dân. Cứ mỗi độ tết đến, bà lại cùng các chị, các cô trong hội phụ nữ, mặt trận gói ghém các phần quà mang tặng người khó khăn. Nếu mỗi gia đình được nhận một phần quà, thì với những hộ quá khó khăn bà lại gửi tặng 2 phần.
Trong khu phố có gia đình bà Nên có 5 người nhưng đến 3 người mắc bệnh tâm thần. Vậy là bà Ngân dành sự ưu ái đó cho bà Nên. Ngoài được chăm lo quà tết, tặng gạo mỗi tháng, hỗ trợ vốn, con cái bà Nên cũng được tặng học bổng từ quỹ khu phố nghĩa tình để không phải bỏ học. Nhờ đó, người con của bà Nên nay đã ra trường và hiện là lao động chính của gia đình.
Trước đây, khu phố 2 có nhiều hộ nghèo và cận nghèo, bà Ngân và các thành viên trong mặt trận khu phố bàn bạc và ra mắt tổ tự quản. Thành viên tổ thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ các gia đình vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, buôn bán nhỏ. Từ sự gợi ý của bà Ngân, nhiều hộ vay vốn mở tiệm uốn tóc, giặt quần áo, làm nghề sắt…từ đó thoát nghèo. Sự chăm lo tận tình của khu phố đã giúp các hộ nghèo vươn lên, phát triển; từ đó khu phố không còn hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo.
“Từ sự chung sức của nhiều người thì mới tạo được thành quả như ngày nay. Bản thân tôi chỉ làm cầu nối để những phần hỗ trợ ấy đến đúng nhu cầu từng người dân đang cần”, bà Ngân bày tỏ.
Người dân đoàn kết, đồng lòng
Còn tại khu phố 3, phường 3, quận Phú Nhuận, nhiều người tấm tắc khen khi thấy các con hẻm sạch tinh tươm, dù đó là những con hẻm thông ra đường lớn, nhiều phương tiện qua lại. Bà Mai Thị Hoàng Nga, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 3, cho biết, đó là nhờ người dân trong khu phố có thói quen khi quét rác trước nhà mình thì quét giúp nhà bên cạnh.
Người dân khu phố 3 ra quân dọn vệ sinh trên địa bàn
“Nhiều năm nay, mọi người làm việc ấy như một thói quen và làm với niềm vui. Phụ nữ trong khu phố còn thực hiện phong trào thấy rác là nhặt. Nhờ đó, khu phố giữ được sự sạch sẽ, gọn gàng”, bà Nga chia sẻ. Rồi nhiều năm nay, cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, người dân khu phố lại “ra quân” 15 phút dọn dẹp vệ sinh trong các con hẻm, xóa các biển quảng cáo. Thấy một góc ở hẻm 178 đường Phan Đăng Lưu thường bị người qua đường vứt rác bừa bãi, hội phụ nữ phường cùng khu phố cải tạo nơi đây thành chỗ trồng cây xanh và vẽ các khẩu hiệu tuyên truyền giữ vệ sinh chung.
“Ở khu phố 3, các đảng viên luôn giữ vai trò hạt nhân, năng nổ đi đầu trong hành động cũng như vận động toàn dân đoàn kết tạo thành sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ. Các đảng viên và cán bộ khu phố gần gũi, thường xuyên khảo sát để nắm bắt kịp thời những khó khăn, nhu cầu của từng hộ dân, từ đó đưa ra các chương trình chăm lo phù hợp”, bà Nga cho biết.
Ngồi trong ngôi nhà mới, có ti vi, tủ lạnh, bộ bàn ghế tươm tất, ông Phạm Thái ở hẻm 43 Phan Xích Long, khu phố 3 không giấu được niềm vui: “Nếu không có khu phố giúp sức, gia đình tôi vẫn còn sống trong căn nhà rách nát. Tuổi già của tôi được như thế này thì không còn gì lo lắng”.
Ông Phạm Thái được khu phố hỗ trợ xây lại căn nhà mới do nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng. Ông Thái tâm sự, được chính quyền địa phương chăm lo hỗ trợ nhiều như vậy, nếu bản thân mình không cố gắng để thoát nghèo thì thật có lỗi. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ, các phần chăm lo lúc khó khăn, gia đình ông chí thú làm ăn nên đã vươn lên thoát nghèo.
Đâu chỉ vậy, những con hẻm nhỏ xíu, cong quẹo trên địa bàn khu phố cũng được mở rộng khang trang từ sự chung sức, tự nguyện hiến đất của người dân. Sự đồng lòng của người dân đã giúp khu phố 3 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời giữ vững danh hiệu “Khu phố văn hóa” nhiều năm liền. Những việc làm thiết thực tại các khu phố nghĩa tình đã góp phần đưa quận Phú Nhuận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố giai đoạn 2019-2020.
THÁI PHƯƠNG (theo SGGP)
Bình luận (0)