Làm thơ khó lắm/ Đâu phải chuyện đùa/ Nếu không năng khiếu/ Thôi đành chào thua! Đọc xong bài Có cần tiếp tục “Tập làm thơ” cho HS? (Giáo dục TP.HCM ngày 4-6), tôi liền cảm hứng nhại theo thơ Phan Thị Thanh Nhàn như vậy khi nói về công việc làm thơ.
Đúng vậy, làm thơ là một công việc cực khó, không phải ai cũng sáng tác được. Nói cực khó bởi nó còn liên quan tới năng khiếu bẩm sinh, năng khiếu trời cho. Dù có cần cù, miệt mài tới đâu nhưng không có năng khiếu thì không thể làm thơ đúng nghĩa được. Vậy mà chương trình học của bậc THCS lại có dạy những kiến thức này, chắc nhằm tạo ra… nhiều nhà thơ cho đất nước chăng? Không chỉ mất thời gian cho việc “nạp” những kiến thức này mà còn làm cho học sinh cảm nhận không đúng, thậm chí lệch lạc về thơ. Từ đó, khi gặp những bài thơ đích thực, các em lại có xu hướng đơn giản hóa, thô thiển hóa câu chữ, hình tượng trong đó nên không thể đi sâu vào nội dung cũng như hình thức bài thơ. Đọc những cái gọi là “thơ” của các em, đó là những bài vè đơn giản, ghép vần vèo cho vui mà thôi. Nhưng cũng vì giáo viên ra bài tập thì phải làm cho có để đối phó cho “an toàn”.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm về bài “Luật thơ” trong chương trình lớp 12 hiện hành. Đây là một bài có nhiều kiến thức quá cao, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đó là những khái niệm như số tiếng, vần, nhịp, hài thanh của các thể thơ lục bát; thể song thất lục bát; các thể ngũ ngôn Đường luật; các thể thất ngôn Đường luật. Bản thân tôi có 35 năm dạy ngữ văn; có biết sáng tác thơ lục bát, Đường luật, thơ tự do. Nhưng khi dạy bài này cũng khá vất vả, nhất là khái niệm về số tiếng, vần, nhịp, hài thanh… của thơ thất ngôn Đường luật vì nó quá rối rắm, phức tạp! Tôi nghĩ rằng mọi người cũng dạy vậy cho hết bài thôi, chứ học sinh không thể nắm được những kiến thức xa vời và cũng không thích thú học kiến thức này!
Thay vì cung cấp cho học sinh một số khái niệm cơ bản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhận biết để khi học tác phẩm thơ, các em có thể vận dụng phần nào vào việc phân tích, cảm nhận. Ở đây, kiến thức hàn lâm xa lạ được nhồi nhét đến tận cổ (kiểu mấy bà bán vịt, ngỗng nhét thức ăn cho đầy diều vịt, ngỗng để tăng cân) nên cả thầy và trò đều rất ngán những bài kiểu này, vừa không thiết thực lại vừa mất thời gian.
Mong rằng sách giáo khoa chương trình mới hãy mạnh dạn bỏ những kiến thức không cần thiết; đừng làm khổ thầy và trò bằng những kiến thức xa rời thực tế, không thiết thực như đã nêu trên.
Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)