Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những kỳ nghỉ hè không thể quên!

Tạp Chí Giáo Dục

Từ giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 70 (thế kỷ XX) là thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ trên miền Bắc. Bom đạn của máy bay Mỹ trút hàng ngày xuống cầu cống, đường sá, kho tàng, bến bãi hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Nhưng thật diệu kỳ, tuổi nhỏ chúng tôi vẫn có những kỳ nghỉ hè đầy háo hức, lung linh như trong truyện cổ tích. Thật đúng như nhà thơ Xuân Tâm reo lên thuở nào khi về quê nghỉ hè sau những tháng ngày học tập vất vả: “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”.

Kỳ nghỉ hè thời chiến tranh cũng có những điều mà người ta thường nói “khôn trước tuổi”! Bởi sống trong hoàn cảnh chiến tranh, kỳ nghỉ hè cũng là dịp chúng tôi giúp gia đình công việc đồng áng, việc nhà tùy theo sức mình. Tuy mới lên tuổi 15, 16 nhưng công việc gặt lúa, thu hoạch bắp, đậu… với chúng tôi rất thành thạo. Hoặc tham gia làm phân xanh, phân chuồng để bón ruộng dưới sự hướng dẫn của các anh chị thanh niên. Một công việc hấp dẫn không kém là chúng tôi hàng tuần rủ nhau vô rừng lấy củi. Cụ thể, chúng tôi đi theo từng nhóm 4, 5 bạn; cứ nhắm vào những khu rừng mà vài tuần trước người ta đốn gỗ. Nhánh cây bây giờ đã khô, chọn những nhánh thẳng, làm thành hai bó và gánh về. Có khi qua con suối cạn, thấy cả bầy gà rừng đủ màu sắc thật đẹp đang ríu rít tìm mồi. Có bóng người, cả bầy gà bay vút như chim, sà vào lùm cây gần đó, gọi bầy xao xác làm vang động cả khu rừng. Mùa hè cũng là mùa trái rừng chín, nổi bật lên màu vàng của trái gắm, trái dâu rừng… Những cây dâu rừng trái mọc đầy từ gốc đến ngọn; chúng tôi nhẹ nhàng hái từng chùm chín mang về.

Đi mót đậu, mót khoai trong những ngày hè cũng là một thú vui của tuổi nhỏ. Dụng cụ là một cây cuốc bằng bàn tay, có cán cầm vừa đủ tầm để cuốc xới. Thêm vào đó là một cái bao may bằng một ống quần cũ và một bầu nước chè xanh, thế là lên đường! Theo kinh nghiệm, chúng tôi chọn những vạt đất thịt để tìm những hạt đậu còn nằm trong đất. Những nơi này, khi nhổ cây đậu lên, do đất cứng nên phần nhiều hạt đậu bị đứt cuống, nằm lại đó. Chỉ cần vài ba lượt cuốc nhẹ là những hạt đậu vàng nhạt, như đang chờ người moi lên. Mót khoai thì ngược lại, phải đi tìm những mảnh đất pha cát. Nhìn những mầm khoai trồi lên sau các cơn mưa là biết được củ nằm dưới đất to hay nhỏ! Mầm ngắn, mập mạp thì chắc chắn củ to và ngược lại. Đậu mang về phơi khô, để dành năm tới đi học sẽ làm món muối đậu khi ở trọ (đậu rang cùng muối giã nhỏ, để vào lon nhôm làm thức ăn cả tuần)…  Những buổi chiều nơi vệ cỏ cạnh cây đa làng, chúng tôi chia phe đá bóng, reo hò inh ỏi cả một góc làng quê (bóng được làm từ trái bưởi non, phơi héo hoặc cuộn bằng lá chuối rất công phu). Còn những đêm trăng sáng, cả bọn chơi ù, chơi “bịt mắt bắt dê”, đánh trận giả… vô cùng náo nhiệt và đầy ắp tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo.

Lê Đức Đồng

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)