Trưa 4-4-2019, Đại tá Hoàng Thúc Cẩn, người bạn học với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Trường Tiểu học Thọ Linh gọi điện báo cho tôi biết bác Nguyên đã từ trần. Tôi bàng hoàng một hồi lâu dù biết rằng quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” không ai tránh khỏi. Thế là vị tướng huyền thoại trên con đường Trường Sơn đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: IT
1.Cơ duyên tôi quen được bác Đồng Sỹ Nguyên là nhờ cha tôi (ông Hoàng Hữu Thanh). Trước khi in cuốn hồi ký “Thời lửa đạn” do NXB Thuận Hóa ấn hành cha tôi nhờ tôi đánh máy. Năm 2005 trong lúc đánh máy cuốn sách tôi được biết hồi học ở Trường Tiểu học Thọ Linh, cha tôi và các bạn của ông được bác Đồng Sỹ Nguyên giác ngộ cách mạng. Sau đó không lâu tôi viết một mạch 4 bài về gia đình bác Nguyên. Bài nào tôi cũng gửi ra trước cho bác đọc để bổ sung thêm. Vì đã có một nhà báo viết sai sự thật về bác đăng trên số Tết mà bác bắt phải cải chính lại ở số sau. Tôi nói với bác có thể nói cho cháu biết lý do nhà báo đó viết sai không, bác trả lời nhà báo đó muốn gây ấn tượng để “câu khách”.
Có một bài tôi viết là bác “nghỉ hưu”, bác nhắc “Chú đừng dùng từ nghỉ hưu, bác vẫn làm việc”. Và sự thực bác Đồng Sỹ Nguyên vẫn lo lắng cho tương lai của đất nước, bác viết nhiều bài báo nói việc phát triển kinh tế phải gắn với an ninh quốc phòng. Khi tôi viết bài “Nghệ thuật quân sự của Tư lệnh chiến trường Trường Sơn”, đọc xong bác bảo: “Chú phải viết thêm về bà con dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, sự hy sinh của bà con dân tộc mình to lớn lắm”. Bác cũng nhắc nhở thế hệ con cháu phải giữ lấy Trường Sơn, đó là địa huyệt chiến lược quân sự quan trọng, là sống lưng của cuộc chiến tranh giữ nước.
2.Chuẩn bị cho số Tết tôi gửi đăng 2 bài về bác. Bài “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn” gửi cho Báo Quảng Bình, bài “Người mẹ người bà của ba vị tướng” gửi cho Tạp chí Văn hóa Quảng Bình. Sau khi nhận được báo biếu của tòa soạn, tôi liền gửi ra Hà Nội biếu bác. Bác đọc xong liền gọi điện về: “Sao chú lại đặt tên cho bác là Nguyễn Sỹ Đồng”. Tôi nói: “Cháu viết là Nguyễn Văn Đồng nhưng tòa soạn họ chữa lại”. Ngày mùng hai Tết đang đi chơi nhà một người bạn thì nhà báo Phan Hòa, Báo Quảng Bình gọi điện cho tôi về nhà có việc gấp. Phan Hòa hỏi “Theo anh thì trước đây Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có tên là Nguyễn Sỹ Đồng hay Nguyễn Văn Đồng”. Tôi nói ngay: “Bác có tên là Nguyễn Văn Đồng”. Phan Hòa nói “Thế thì ổn rồi. Hôm qua bác Nguyên gọi điện về bảo ai đã đặt tên Nguyễn Sỹ Đồng cho bác”. Thì ra lâu nay trên “Bách khoa toàn thư” viết là Nguyễn Sỹ Đồng nên Tạp chí Văn hóa Quảng Bình đã chữa theo.
Một lần thấy trên ti vi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho bác, tôi liền gọi điện thắc mắc vì sai năm. Mặc dù lúc đó bác Nguyên bị bệnh tim, bác đang ho sù sụ nhưng vẫn nói chuyện với tôi. Bác được kết nạp Đảng năm 1938 lúc mới 15 tuổi nhưng Cục Cán bộ chữa lại vì thấy còn quá nhỏ. Một con người vĩ đại đã từng làm điên đầu bao tướng giặc ở Lầu Năm góc. Một vị tướng huyền thoại mà các tướng lĩnh nhà nghề phương Tây đã tốn không ít giấy mực để phân tích mổ xẻ. Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn từng chỉ huy 120 ngàn con người, chuyển hàng binh đoàn ra mặt trận để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn nói chuyện với một người lính xe tăng bình thường chưa qua trận mạc như tôi. Được nói chuyện với bác tôi thấy hạnh phúc biết chừng nào.
Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người con Quảng Bình đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử giải phóng dân tộc. Ông là một người học trò ưu tú của Bác Hồ mà ngàn năm sau thế giới còn ngưỡng mộ.
Hoàng Minh Đức (Quảng Bình)
Bình luận (0)