Thuê mướn, nhờ hay sử dụng lao động trẻ em làm việc nặng nhọc dưới bất kỳ hình thức nào đều bị pháp luật nghiêm cấm. Vậy mà tại xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hàng ngày hàng giờ vẫn tồn tại nhiều lò gạch đang vắt kiệt sức lao động trẻ em từ 12-16 tuổi.
Vào “lò hành xác”
Trong vai người đi mua gạch về làm nhà, sáng 3-8-2012 tôi và anh bạn đồng nghiệp thâm nhập vào một lò gạch ở ấp 1, xã Khánh Bình do vợ chồng ông Nguyễn Văn S. làm chủ. Lò rộng chừng 1ha, bên ngoài trông khá vắng vẻ nhưng bên trong có khoảng 15-16 lao động đang nai lưng ráng sức làm gạch, trong đó có nhiều em chỉ từ 10 – 16 tuổi.
Nhiều lò gạch ở tỉnh Bình Dương rất thận trọng, không cho người lạ vào cổng
Thấy tôi bước đến bên cạnh, một em nhỏ trạc chừng 12 tuổi, thân hình đen đúa, nhỏ thó vội vàng thả chiếc xe rùa đẩy gạch nặng trịch xuống đất, lẩn sang nơi khác. Phải vất vả lắm tôi mới gặp được em để hỏi chuyện. Sau khi đảo mắt nhìn quanh xem có ai chú ý không, em cho biết tên và tâm sự: “Nhà nghèo, em bỏ học nửa chừng ra đây bốc gạch được gần 1 năm rồi”. Nói xong, cậu bé oằn lưng bê từng chồng gạch nặng trịch bỏ lên xe rùa, thoăn thoắt đẩy đi nơi khác nhằm tiếp tục tránh sự dò hỏi của tôi.
Để hiểu hoàn cảnh làm việc và những “luật lệ” còn ẩn khuất bên trong nơi sử dụng lao động trẻ em này, chúng tôi đánh liều tiếp tục “phỏng vấn” nhiều lao động nhí đang làm việc tại đây. Một bé gái giấu tên cho biết, hàng ngày em quần quật từ 7 giờ sáng tới 12 giờ, chiều từ 1 giờ 30 tới gần tối. Cả tháng không có ngày nào được nghỉ.
Tại thời điểm chúng tôi có mặt, lò gạch của vợ chồng ông S. đang rất bận rộn. Nhiều trung niên, trai tráng và phụ nữ thay nhau chui vào hầm lò lấy gạch nung ra. Bên cạnh mỗi cỗ máy làm gạch là một đứa trẻ trực ca, giúp vận hành máy hoạt động bình thường, cho ra từng viên gạch vuông vức.
Qua quan sát, tìm hiểu chúng tôi được biết tất cả 15 lao động (có 5 em nhỏ) tại đây đều không có hợp đồng lao động. Mỗi ngày họ phải làm việc từ 8 tiếng đến 12 tiếng, không có ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Tiền công được trả theo ngày hoặc tháng (tùy vào ý chủ hoặc sự thỏa thỏa thuận giữa 2 bên).
Dù muốn tiếp chuyện chúng tôi nhưng hầu hết trẻ em và người lớn tại đây đều tỏ ra e dè, không dám vì sợ bị người quản lý hoặc chủ lò phát hiện. Phải làm việc trong môi trường nóng bức, ngột ngạt, thiếu dưỡng khí cộng với tiếng máy chạy ầm ầm đinh tai nhức óc nhưng không ai dám nghỉ giữa chừng hoặc phàn nàn. Bên cạnh những cỗ máy gạch quay tít, tai nạn lao động rình rập, các em nhỏ vẫn khòm lưng, chúi đầu làm theo ý chủ…
Thủ đoạn tinh vi
Rời lò gạch của vợ chồng ông S., chúng tôi tiếp tục tìm đến nhiều lò khác tại xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên để tìm hiểu.
Lúc chúng tôi mới bước vào lò gạch P.L, hai đứa trẻ chừng 13-14 tuổi đang trực ca tại đây vội vàng tắt máy, lẩn đi nơi khác tránh mặt. Tương tự, nhiều em nhỏ mà trước đó ít phút chúng tôi mới thấy đang còng lưng làm gạch cũng vội lánh đi nơi khác hoặc vào thay quần áo, rửa tay ngồi nghỉ tại chỗ, cố tỏ ra thảnh thơi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không riêng gì lò gạch của vợ chồng Nguyễn Văn S., lò P.L mà nhiều nơi trên địa bàn xã Khánh Bình và các xã lân cận hiện đang sử dụng lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc vẫn không bị phát hiện. Để đối phó với người lạ xuất hiện hoặc cơ quan chức năng đi kiểm tra đột xuất, giữa chủ lò (người thuê lao động) và người lao động (kể cả trẻ em) đã có một sự “thỏa thuận ngầm”. Dù bị bóc lột thậm tệ, làm việc trong môi trường đầy rủi ro nhưng hầu hết đều chấp nhận vì kế sinh nhai. “Trước lúc nhận trẻ em vào làm việc, chủ lò đã căn dặn chúng tôi và các cháu rất rõ ràng rằng: hễ thấy bóng dáng công an hoặc cán bộ phường đi kiểm tra là phải tắt máy, thả dụng cụ làm việc xuống rồi chuồn đi nơi khác ngay. Như thế, tránh cho chủ lò bị phạt về tội “thuê lao động trẻ em”. Phải nghe lời chủ dặn, mẹ con tôi mới có việc làm” – một phụ nữ làm công tại lò gạch xã Khánh Bình tâm sự.
Ngoài thủ đoạn “căn dặn trước”, thỏa thuận ngầm với người lao động, nhiều chủ lò gạch tại địa bàn huyện Tân Uyên còn qua mặt cơ quan chức năng bằng cách khai gian tuổi cho nhân công (nếu bị kiểm tra) hoặc cố tình quanh co, không chịu thừa nhận đang sử dụng lao động trẻ em. Thậm chí, để thực hiện hành vi gian dối, nhiều chủ lò còn đóng kín cửa, không cho người lạ vào để tránh bị phát hiện. “Tôi đã từng làm công tại nhiều lò gạch ở tỉnh Bình Dương, chuyện chủ lò mướn trẻ em làm việc nặng nhọc hay việc một đứa trẻ bị máy gạch dập nát tay, chảy máu… đã chứng kiến nhiều. Nhưng trên thực tế, ít trường hợp chủ lò bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt vì họ rất tinh vi”, anh Nguyễn Văn Q. (29 tuổi, làm gạch ở huyện Tân Uyên) cho biết.
Việc sử dụng lao động trẻ em tại một số lò gạch thuộc địa bàn huyện Tân Uyên là thực tế đau lòng, đáng báo động. Thiết nghĩ cơ quan chức năng ở đây cần phối hợp chặt chẽ, tiến hành kiểm tra và đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất nhằm tránh cho người lao động, đặc biệt là trẻ em, khỏi bị “hành xác”, bóc lột công sức vì lợi nhuận của những chủ lò bất lương.
Nguyên Dũng – Thùy Loan (CATP.HCM)
Bình luận (0)