Trúc đào là một trong 5 loại cây bị cấm và hạn chế trồng lấy bóng mát. Ảnh: M.N
|
Trên các vỉa hè và dải phân cách dọc đường đi có nhiều loại cây trồng không chỉ cho nhiều bóng mát mà còn là “lá phổi xanh” tạo nên môi trường, không khí trong lành cho con người. Tuy nhiên, trong số đó, có một vài loại cây chính là “kẻ sát thủ” thầm lặng đối với sức khỏe và cả tính mạng con người.
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có quyết định gửi đến Công ty Công viên cây xanh cấm và hạn chế trồng 5 loại cây lấy bóng mát trong đó có trúc đào, mã tiền, côca cảnh, bã đậu và thông thiên. Đồng thời, chính quyền TP cũng khuyến cáo không được phép và hạn chế trồng 23 loại cây có trái khác, trong đó có những loài cây rất quen thuộc như dừa, trứng cá, bồ kết, đủng đỉnh, lồng mứt (sabôchê)…
Đẹp nhưng độc
Tại TP.HCM, cây trúc đào có mặt trong một số công viên mini và các vỉa hè của người đi bộ vì đây là loài cây dễ trồng và có sức chịu đựng tốt. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học thì trúc đào lại có độc tính rất cao. TS. Phan Quốc Kinh – nguyên Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng cho biết: “Các chất độc của cây trúc đào phân bố đều ở các bộ phận như thân, lá, hoa, nhưng tập trung nhiều nhất là trong nhựa cây. Chỉ cần một lượng nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người đặc biệt đối với trẻ em sức đề kháng chưa cao. Nếu tiếp xúc với mủ hoa trúc đào mà không chữa trị kịp thời thì sẽ bị mù mắt như một số bệnh nhân đã mắc phải”. Dưới chân cầu Sài Gòn có một phân cách rộng như một công viên nhỏ. Sau khi công trình hoàn thành ở đây được trồng đủ các loại cây cảnh nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là cây trúc đào. Tam giác Đài liệt sĩ ngay giao lộ Nguyễn Xí và Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng được trồng mấy khóm trúc đào vì vẻ tơ liễu thướt tha. Do trúc đào có dáng mảnh khảnh và hoa nở chùm rất đẹp nên không ít người vào đây ngắm cảnh, đi bộ và chụp hình mà không biết sự nguy hiểm của nó. Cũng có người dù đã được cảnh báo nhưng họ vẫn không quan tâm vì cho rằng nếu nguy hiểm thì người ta không bao giờ trồng làm kiểng cả(?).
Trong dân gian mã tiền cũng được xem là một loài thực vật độc hại. Không giống như các loại cây khác, các độc tố tích tụ chủ yếu trong hạt mã tiền. Vì thế người bệnh thường lấy quả và hạt ngâm rượu để chữa các triệu chứng khó chịu về khớp, gân. Tuy nhiên, do thiếu cẩn trọng mà một số “đệ tử Lưu Linh” đã uống nhầm rượu ngâm hạt mã tiền nên nhanh chóng đi đến cái chết không kịp báo trước. Hạt mã tiền vô tình ăn phải cũng “gây rắc rối” lớn về mạng sống con người. Khác với hai loại cây trên, cây côca cảnh vừa được du nhập từ nước ngoài về tuy không độc hại nhưng trong lá cây có chất gây nghiện. Chất diệp lục cây côca cảnh kích thích thần kinh hưng phấn mạnh, làm cho con người thiếu kiểm soát hành vi. Nhai lá cây này với liều cao được cảnh báo là gây ngất xỉu tại chỗ, dễ bị liệt các bộ phận liên quan đến hệ hô hấp và hệ thần kinh.
Nên biết mà tránh
Có một loài cây cùng họ và rất dễ nhầm lẫn với “sát thủ” trúc đào đó là cây thông thiên (còn được gọi là huỳnh liên vì hoa có màu vàng rực). Những độc tố không chỉ có ở quả, hạt mà ngay trong lá và hoa cây. Thông thiên độc toàn thân. Không chỉ làm cho cơ thể mệt mỏi khó thở, các chất độc trong bộ phận cây thông thiên có thể “đánh gục” con người nếu sơ ý ăn phải quả và hạt của nó.
Cây sọ khỉ (còn gọi là xà cừ) trước đây phủ xanh ở các trường học, công viên hay đứng từng hàng thẳng tắp trên đường phố, vỉa hè nhưng hiện nay cũng được khuyến cáo hạn chế trồng vì những tác hại của nó. Cây trứng cá tuy không độc hại nhưng do sức sống mãnh liệt của nó mà có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển và tồn tại của những loài thực vật khác nên cũng không cho phép “sinh con đẻ cháu” nữa.
Nguyễn Hoàng Anh
Cấm và hạn chế trồng là đúng
Xung quanh về vấn đề cấm và hạn chế trồng các loại cây trên đường phố của UBND TP, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Văn Lệ – Trưởng bộ môn công nghệ sinh học thực vật và chuyển hóa sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Thưa tiến sĩ, sự độc hại của một số loại cây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Trước hết phải khẳng định rằng, một số loài cây được gọi là độc hại khi nó gây nên các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe con người hoặc cả gia súc, gia cầm hay thú nuôi trong nhà. Điều nguy hiểm nhất là ảnh hưởng từ các loài cây này có thể gây tử vong nếu chúng đã từng tiếp xúc trực tiếp như chạm, ăn hay thở và hít phải các hợp chất do thực vật này tiết ra.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng đó, thưa ông?
Các chất do thực vật sản xuất ra được các nhà nghiên cứu khoa học gọi là các nhóm hợp chất thứ cấp. Khoa học cũng cho biết hiện nay, người ta khám phá lên đến hàng chục ngàn hợp chất thứ cấp khác nhau được thực vật sử dụng để tồn tại và sống còn trong điều kiện tự nhiên, trong đó có các chất thực vật dùng để tiêu diệt động vật, côn trùng gây hại thực vật hay những chất tiêu diệt các loài thực vật khác.
Các chất độc đó thường được thực vật dự trữ ở những bộ phận nào của cây?
Các chất này được thực vật dự trữ đa dạng trong cây có thể trong bất kỳ các bộ phận nào. Tùy loài thực vật mà chất độc đó nằm ở gai, lá, thân, rễ, hoa, quả… Và cũng tùy thuộc vào loại độc chất của thực vật, liều lượng con người tiếp xúc (va chạm, tiêu hóa hay hít thở) người ta phân loại mức độ độc của cây khác nhau.
UBND TP.HCM vừa ra thông báo cấm không trồng 5 loại cây độc hại trên đường, trong đó có những cây đã từng quen thuộc với đời sống hàng ngày của người như: Bã đậu, trúc đào, mã tiền, côca cảnh, thông thiên. Chắc chắn trong đó sẽ có những độc tố ảnh hưởng tới môi trường sống của con người?
Các cây cảnh trồng trên đường hay các loại cây trồng hiện nay thường có tư liệu hướng dẫn cụ thể cho biết cây có độc hại hay không trước khi đem ra trồng. Có nhiều cây sau khi trồng một thời gian thì mới phát hiện ra đó là cây độc hại thì bắt buộc phải hủy bỏ ngay và không nên trồng tiếp ở những nơi khác.
Không chỉ có cây lấy bóng mát một số cây ăn quả cũng được cảnh báo là “kẻ giết người”. Điều đó có đúng không thưa tiến sĩ?
Cây cảnh hay cây ăn quả đều là thực vật. Điều đó có nghĩa là những cây ăn quả cũng có nguy cơ gây độc như các loài cây khác.
Một số cây từ trước đến nay đã quá gần gũi, thân thuộc với con người như sọ khỉ, trứng cá, gòn, cao su, lồng mứt và cả dừa nay lại mới khuyến cáo không được trồng do có phải là có chất độc hại ở trong đó?
Có những cây chưa có tài liệu minh chứng có chứa chất độc hại nhưng do cảnh quan hay cây có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng (dễ gãy đổ hay dễ rụng như dừa) thì không nên trồng ở những nơi công cộng.
Có phải không chỉ có thân, mủ mà một số loại hoa, quả ở một số cây cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người?
Điều này như đã nói ở trên, tùy loài mà thực vật có thể tích lũy hợp chất thứ cấp ở bất cứ bộ phận nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Chắc chắn những loài thực vật đã được khuyến cáo thì không nên và hạn chế trồng. Để đảm bảo an toàn chúng ta nhất là trẻ em cần phải tránh xa và không tiếp xúc với các loại cây độc hại như đã cảnh báo.
Xin cảm ơn tiến sĩ.
P.N.Q
|
Bình luận (0)