Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Những lỗi các sếp mới dễ mắc phải

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, tại các doanh nghiệp, tổ chức có nhiều người được đề bạt, thăng chức lên cấp quản lý vì họ đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Đó là những người rất giỏi về kỹ năng chuyên môn, có vốn hiểu biết sâu sắc về kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, không ít trong số họ lại thiếu kỹ năng hoặc không có kinh nghiệm về quản lý. Dưới đây là một số những “lỗi” mà các nhà quản lý mới vào nghề thường mắc phải.
Chú trọng vào yếu tố công việc hơn yếu tố con người
Trước khi trở thành nhà quản lý, ưu tiên số một của bạn là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những gì bạn làm hàng ngày là đầu tư thời gian, công sức để công việc được tiến hành một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, giờ đây trên cương vị một nhà quản lý, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bạn là giúp những người khác, mà cụ thể là nhân viên của bạn hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

Tất nhiên là giờ đây bạn vẫn có những nhiệm vụ riêng của mình. Là một nhà quản lý, bạn cũng có trách nhiệm đối với những bản báo cáo hàng tuần, lập kế hoạch cho các hoạt động của công ty. Nhưng trên hết, yếu tố để đánh giá kết quả công việc của bạn dựa trên kết quả làm việc của từng cá nhân mà bạn quản lý.

Một nhà quản lý có năng lực là người có thể giúp nhân viên của mình cảm thấy tự tin về bản thân, thậm chí có thể giúp họ làm việc tốt hơn mức họ có thể nghĩ tới. Đối với người này, bạn cần hướng dẫn cho họ những kỹ năng về chuyên môn, tổ chức, với người khác bạn lại cần giúp cho họ khám phá ra chính những sở thích và điểm mạnh của bản thân, từ đó họ có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về tính sáng tạo.
Quản lý về mặt con người thường ở một cấp độ cao hơn, khó khăn hơn so với việc quản lý công việc, nhiệm vụ đơn thuần. Giúp nhân viên phát huy tối khả năng của mình có ý nghĩa rất lớn đối với chất lượng công việc của toàn nhóm mà bạn quản lý, đó cũng là tiêu chí để đánh giá khả năng quản lý của mỗi cá nhân.
Mất nhiều thời gian cho quá trình chuyển giao
Trên thực tế, có không ít nhà quản lý khi mới được bổ nhiệm vẫn giữ thói quen ôm đồm công việc mà đáng lẽ ra anh ta nên giao các việc đó cho nhân viên của mình để dành thời gian và sức lực giải quyết các công việc có ý nghĩa quan trọng hơn đối với công ty.
Việc chuyển lên làm ở một vị trí mới đòi hỏi bạn phải bỏ qua những công việc mà bạn đã làm ở vị trí cũ. Hãy xóa bỏ suy nghĩ bạn là người không thể thiếu được trong tập thể làm việc cũ của bạn. Bạn sẽ không thể làm tốt công việc của một nhà quản lý nếu như bạn vẫn dành thời gian làm những công việc trước đây mà bạn đã làm khi còn là một nhân viên bình thường. Đó là lý do giải thích tại sao việc ủy thác công việc cho nhân viên của mình lại cần thiết đến vậy.
Giao lại công việc cho những người cấp dưới không cần phải tốn nhiều thời gian. Bạn tìm những nhân viên phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để họ có hứng thú với công việc. Hãy giúp họ tiếp nhận từng phần công việc cũ mà bạn đã làm, hướng dẫn họ cách làm và chỉ cho họ biết cần phải đi đâu, tới gặp ai khi có những thắc mắc cần giải đáp.
Có một số người thường không yên tâm khi bàn giao công việc cho những người cấp dưới vì họ nghĩ chỉ có bản thân họ mới là người có khả năng giải quyết tốt nhất công việc đó. Nhưng nếu như bạn không giao cho nhân viên của mình các công việc mang tính thử thách thì họ sẽ khó cơ hội để phát huy khả năng của mình và rất có thể nhân viên của bạn sẽ sớm nhàm chán với một môi trường làm việc như vậy.
Nói nhiều hơn lắng nghe
Nhiều người cho rằng Nói là gieo, Nghe là gặt, vì thế khi mới được bổ nhiệm vào vị trí mới, nhiều nhà quản lý thường nóng lòng thể hiện năng lực bản thân ngay từ đầu bằng việc cố gắng đưa ra những thông điệp của mình, thậm chí vào những thời điểm không thích hợp.
Hãy để mọi người biết rằng bạn không có mọi câu trả lời và bạn luôn đón chào tất cả các ý kiến, đề xuất. Hành động này sẽ bộc lộ sự tin tưởng lẫn nhau trong tập thể và xây dựng một nền tảng vững chắc cho văn hóa làm việc cởi mở, trao đổi, chia xẻ lẫn nhau. Chính những người đồng nghiệp hay thậm chí những nhân viên cấp dưới luôn có một lượng thông tin không giới hạn để chia sẻ, và bạn phải học cách tiếp thu nó thông qua việc lắng nghe. Một khi đã nắm rõ cách thức liên kết các quan điểm cá nhân khác nhau, bạn sẽ khám phá ra vô vàn công thức hữu ích để gặt hái thành công.
Chính sự lắng nghe tốt sẽ thể hiện sự quan tâm của bạn tới mọi người và giúp họ cảm thấy thoải mái và có hứng thú hơn trong công việc khi họ thấy rằng họ đang làm việc với người cấp trên biết lắng nghe các suy nghĩ, quan điểm của mình.
Và trên tất cả bạn cũng cần nhớ rằng: Thành công của một người lãnh đạo được đo bằng thành công của những người mà anh ta lãnh đạo.
Doanh Nhân Sài Gòn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)