Trong tình yêu, thường những lúc gặp nhau ban đầu, xảy ra chuyện nói dối. Nói dối dễ thương. Một chàng trai đứng chờ suốt buổi mong được gặp người mơ ước. Nhưng khi cô ta đi qua trước mặt, chàng trai vờ ngó lơ đi chỗ khác. Nếu cô gái hỏi, chàng trai sẽ nói dối đang chờ người này, người nọ, hay đang làm việc này, việc khác. Cái chuyện muôn đời của tình yêu. Chàng Kim rõ ràng cánh cửa thì khép hờ, suốt ngày dõi mắt nhìn sang nhà Thúy Kiều. Chàng thấy nàng, vội vàng chạy ra và nhặt được cành kim thoa, lòng vui mừng khôn xiết. Ấy vậy mà sáng hôm sau, Kim thấy Kiều đi tìm cành thoa liền nói: Tôi vô tình nhặt được một cành kim thoa. Không biết chủ nhân cành kim thoa này là ai để gửi lại (Tan sương đã thấy bóng người/ Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ/ Sinh đà có ý đợi chờ/ Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng/ Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về). Hư không là bỗng dưng, tự nhiên (mà nhặt được cành kim thoa?!) Hợp Phố là nơi có nhiều ngọc trai quý báu. Dùng hai chữ Hợp Phố Kim Trọng tỏ ra quý trọng Thúy Kiều và trân trọng chiếc kim thoa chàng có trong tay. Thúy Kiều vội nói: Trước hết chàng là bậc quân tử, một tấm lòng của người cao sang hẳn không quan tâm gì đến chút của rơi. Với lại chiếc thoa là của mấy mươi/ Mà lòng trọng nghĩa kinh tài (coi nhẹ của cải, tiền bạc) xiết bao.
Thúy Kiều tha thiết xin lại cành kim thoa như vậy, lí ra Kim Trọng trao ngay lại của rơi ấy cho Kiều. Nhưng người đọc không thấy chàng làm việc ấy. Chàng liền thổ lộ một tâm sự, một nỗi niềm: Nào là chúng ta ở gần nhau, lại cũng có quen biết, nào là mãi đến giờ mới có mùi thơm rơi từ chiếc thoa ấy. Xin nàng hãy dừng chân gạn chút niềm tây gọi là…
Bỗng nhiên, chàng Kim lại vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông. Rồi Kim cũng không cần Thúy Kiều cho phép, chàng lấy cái thang bắc lên tường vườn nhà Thúy Kiều, chàng sang tận nơi: Sượng sùng giữ ý rụt rè/ Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu…
Muốn rõ cách chọn chi tiết, sắp xếp ý của Nguyễn Du ta hãy đọc đoạn ấy trong Kim – Vân – Kiều truyện:
“Chàng Kim đã biết ngay là Thúy Kiều, bèn cầm chiếc thoa, đứng trước giả sơn nói lớn:
Cành thoa vàng đẹp này, không biết của cô gái nhà ai bỏ rơi? Tôi nhặt được muốn trả lại, nhưng không thấy ai tìm, thì biết làm thế nào?
Kim Trọng nói lớn luôn hai lần, bỗng nghe phía tường bên kia có người con gái thỏ thẻ:
– Chiếc thoa của thiếp đánh rơi đấy, quân tử đã có lòng tốt, xin trả lại cho.
Kim Trọng vội trả lời:
– Té ra của tiểu thư bên ấy, đương nhiên là phải trả lại.
Vừa nói, vừa nghển cổ nhòm sang. Người con gái kia bụng đã đoán trước, thoáng một cái tránh vào một bên, không để cho trông thấy người, chỉ nghe tiếng nói:
– Nếu chàng trả cho, thiếp xiết bao cảm kích!
Kim Trọng thấy nàng lẩn tránh, bèn gạn rằng:
– Đã là vật của cô nương, tôi đâu dám không trả. Song cô nương cần xem lại cho rõ ràng mới khỏi sai lầm.
Người con gái vẫn ở bên kia tường, nói vọng sang:
– Đó là một cành thoa vàng, chạm phượng, chân bạc điểm màu cánh chả, có nạm ba viên bảo thạch và chín hạt trân châu. Không cần phải xem lại nữa đâu!
Kim Trọng nói:
– Cô nương nói quả không sai, tôi xin hoàn lại, nhưng xin trao tận tay cho phải lẽ.
Người con gái lấn lá hồi lâu, bất đắc dĩ phải lộ ra nửa mình, đôi bên giáp mặt nhau.
Kim Trọng thấy chính là Thúy Kiều, bất giác vui mừng, mặt mày hớn hở nói:
– Té ra là cành thoa của Vương tiểu thư đánh rơi. Kim Trọng này nhặt được thật là phúc lớn, rồi lại nhờ vậy mà được trông thấy phương dung, thật là may mắn.
Thúy Kiều cũng nhận ra Kim Trọng, khấp khởi mừng thầm nói:
– Chàng Kim! Sao lại nói thế, chính là phúc lớn của thiếp…
Rõ ràng Thanh Tâm Tài Nhân trong đoạn kể trên, thật quá, lại dông dài, lê thê. Nguyễn Du không muốn nhắc đến cành thoa bằng vàng, chạm phượng, có ba viên bảo thạch, chín hạt trân châu… Vì trong tình yêu đã là vật gắn bó hay dính dáng đến người mình yêu thì dù bình thường đến mấy cũng hóa thành trân châu ngọc bích rồi. Cũng không nói mới gặp nhau hai người chào hỏi như đã nhiều lần gặp gỡ. Nguyễn Du viết Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu, đẹp mà kín!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)