Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những lỗi dễ “xơi” điểm 0 khi thi tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tô số báo danh sai, ghi mã đề sai, làm những phần không đúng ban mình học, mang máy tính có bộ nhớ, Atlat địa lý đã ghi… đều bị điểm 0 và kỷ luật.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) vừa tổ chức thi thử tốt nghiệp, nhiều học sinh đã mắc những lỗi như tô số báo danh, ghi mã đề, làm những phần không đúng ban mình học, mang máy tính có bộ nhớ, soạn văn bản, Atlat đã viết…
Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) lưu ý: Thí sinh mắc lỗi như tô số báo danh sai, không ghi mã đề thi sẽ bị điểm 0 vì máy chấm không đọc được vì vậy thí sinh phải thực hiện đúng như trong hướng dẫn. Còn trường hợp mang máy tính có bộ nhớ, Atlat có ghi chữ đều bị đình chỉ thi vì quy chế đã quy định. Thí sinh chỉ được mang máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Atlat Địa lí không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Thí sinh học chương trình trung học phổ thông phân ban thí điểm học theo ban nào phải làm phần đề thi riêng của ban đó; thí sinh làm cả 2 phần đề thi riêng thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần đề thi riêng.
Khi nhận bài thi trắc nghiệm thí sinh cần phải lưu ý những gì thưa ông?
TS. Trần Văn Nghĩa: Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.
Bài thi phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một loại bút, một thứ mực (trừ mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì.
Ý nghĩa của phiếu thu bài trắc nghiệm thứ 2?
Có 2 phiếu thu bài trắc nghiệm nhằm mục đích: Phiếu thứ nhất được gửi kèm túi bài thi để sử dụng trong quá trình chấm thi. Khi chấm thi, nếu máy phát hiện có sự nhầm lẫn khi thí sinh tô số báo danh hoặc mã đề vào phiếu trả lời, phiếu thu bài có chữ ký của thí sinh và giám thị này là cơ sở pháp lí để điều chỉnh. Phiếu thứ 2 được lưu lại Sở GDĐT sở tại để theo dõi, kiểm tra khi cần thiết (đặc biệt là khi có khiếu kiện).
Trong quá trình phúc khảo, trên bài đã có kết quả chấm, làm thế nào để việc chấm phúc khảo được công bằng?
Bài thi chấm phúc khảo được đánh số phách mới và che các thông tin về kết quả chấm trước; giám khảo của Hội đồng phúc khảo chấm bình thường theo hướng dẫn chấm, độc lập với kết quả chấm trước đã ghi trên bài thi.
Những trường hợp phúc khảo mà kết quả bài thi sai lệch không phải do chấm thi mà do khâu lên điểm thì xử lý thế nào?
Những trường hợp này Hội đồng phúc khảo xem xét và căn cứ thực tế quyết định biện pháp xử lý theo nguyên tắc có chênh lệch điểm thì phải sửa điểm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Hàng năm đều có hiện tượng giám thị thiếu chữ ký trên giấy thi của thí sinh, xử lí việc này như thế nào, quyền lợi của thí sinh được đảm bảo thế nào thưa ông?
Khi chấm thi, những bài thi này vẫn được chấm bình thường để đảm bảo tiến độ, tuy nhiên Hội đồng chấm thi phải lập biên bản các bài không đủ chữ ký để báo cáo Bộ, đồng thời chuyển cho Sở GD-ĐT tổ chức coi thi xử lí và kiểm điểm giám thị theo quy chế thi.
Xin cảm ơn ông!
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2009
Trong đó có 921.422 thí sinh THPT, 138.587 thí sinh GDTX.
Đối tượng thí sinh tự do có 23.690 thí sinh khối THPT và 30.240 thí sinh khối GDTX.
Cả nước có 1.069 cụm thi, 2.399 hội đồng coi thi với 45.096 phòng thi.
Có 715.777 thí sinh đăngký dự thi theo Ban Cơ bản.
Hà Nội là địa phương có số hội đồng thi nhiều nhất trong cả nước với 197 hội đồng, huy động 709 cán bộ làm nhiệm vụ. Tiếp đến là Thanh Hoá có 124 hội đồng thi, 444 cán bộ được điều động, TPHCM có 104 hội đồng thi với 459 cán bộ tham gia…
Bộ GD-ĐT cũng đã thành lập 64 đoàn thanh tra thi, giám sát in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo kì thi tốt nghiệp.
Hồng Hạnh (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)