Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những lời khuyên trước khi thi môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Do áp lực của việc thi cử nên nhiều thí sinh bước vào phòng thi trong một trạng thái tâm lí không thật sự thoải mái. Dưới đây là lời khuyên của các giáo viên dạy văn sẽ giúp các em hóa giải được vấn đề trên.

Lập dàn ý ra giấy nháp rất cần thiết

Làm văn là hoạt động sáng tạo văn bản để giao tiếp với người đọc – giám khảo, muốn thế phải nghĩ đến hiệu quả giao tiếp. Ngoài nội dung, chất lượng bài làm, nhiều khi hiệu quả ấy còn thể hiện ở cách trình bày (lề, dòng), chữ viết (đẹp, xấu; dễ đọc, khó đọc…), bôi xóa (sạch, dơ), ngay cả màu mực cũng tạo nên hiệu ứng giao tiếp nhất định. Thói quen của thí sinh hiện nay khi làm bài là ít chịu lập dàn ý. Thật ra lập dàn ý ra giấy nháp là rất cần thiết, vì có cái lợi là có một định hướng rõ ràng về bố cục ý để viết. Trong quá trình làm bài có thể thay đổi, thêm bớt ý từ dàn ý đã lập. Có những ý mới lóe lên trong đầu trong quá trình viết, nếu có dàn ý sẽ dễ dàng bổ sung trực tiếp vào dàn ý, thay vì cứ chủ quan nhớ trong đầu rồi sau đó có thể sẽ quên mất… Câu văn mở đầu, hay nói rộng hơn là viết phần mở đầu của bài văn rất quan trọng. Vì nó sẽ quyết định giọng văn, cảm xúc, sự thuận lợi để triển khai bài văn như kinh nghiệm người xưa “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Mặt khác, nó tạo ra cảm nhận ban đầu cho người đọc. Theo lẽ thường, người chấm cho rằng bài văn hay chỉ cần đọc phần mở bài đã thấy. Trong trường hợp này, nếu có ý mở đầu tốt, thí sinh hãy viết ngay. Còn không, hãy viết ra giấy nháp, hoặc bỏ trống ở đấy. Trong quá trình làm, khi đã nghĩ được cách mở bài tốt, quay lại viết phần này cũng chưa muộn. Giữa các câu của bài làm phải có khoảng cách hợp lí, an toàn, vừa để giám khảo không chấm sót, vừa thuận lợi cho thí sinh dễ dàng bổ sung ý trả lời (mà không cần phải đến cuối bài mới bổ sung ý). Nhất là khi làm bài câu đọc hiểu, câu trả lời theo các ý gạch đầu dòng.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)

Phân bố thời gian hợp lý khi làm bài

Việc phân bố thời gian hợp lý giúp thí sinh làm bài một cách thoải mái hơn, không bị ức chế bởi chạy theo thời gian khi vào giai đoạn “nước rút”. Trước hết, đọc kỹ đề từ ba lần trở lên để có sự định hướng ban đầu. Ghi ngay vào giấy nháp những điều vừa nghĩ ra để có cơ sở lập dàn ý. Cần lưu ý là không sa đà vào những câu khó, mất thời gian mà chọn những câu “chắc ăn” làm trước. Phần trả lời các câu hỏi về một đoạn văn, đoạn thơ phải thực hiện nhanh, tự tin vào sự cảm nhận, hiểu bài của mình. Phần bài luận nên dành thời gian thỏa đáng vì phần này thông thường cho 5 điểm. Những yêu cầu viết trong khoảng số từ, số dòng cũng cần chú ý (có khi đề yêu cầu viết 10 câu nhưng do không chú ý nên viết dàn ra cả một trang giấy thì không đạt yêu cầu; hoặc viết trong khoảng 400 từ mà viết vượt quá thì cũng không được). Muốn đáp ứng được yêu cầu đề ra thì phải tập viết ngắn, viết câu có “trọng lượng”; có sự tích lũy vốn từ ngữ để diễn đạt… Không nên viết dễ dãi, viết thiếu chiều sâu, thiếu suy nghĩ, viết nhạt mà viết phải chuyển tải được ý, đúng trọng tâm…

Sự phân bố thời gian khoa học, hợp lý sẽ giúp thí sinh giải quyết tốt các điều nêu trên. Làm xong bài vẫn ngồi tại chỗ, dò bài từ đầu đến cuối; xem câu văn, xem cách dùng từ ngữ đã ổn chưa để kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Các em nên dành khoảng từ 5 đến 7 phút cuối dò lại bài làm; không làm hấp tấp, quên đầu quên đuôi. Có thí sinh làm bài, do không phân bố thời gian nên vừa xong cũng vừa hết giờ nên chưa kịp xem lại bài trước khi nộp. Điều này sẽ làm bản thân thiếu tự tin khi bước vào những buổi thi tiếp theo.

Việc phân bố thời gian trong quá trình làm bài giúp thí sinh chủ động thời gian, tự tin hơn để hoàn tất bài làm. Kinh nghiệm thi cho thấy thí sinh nào có sự sắp xếp, phân bố thời gian hợp lý thì luôn đạt kết quả cao.

ThS. Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên
Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)

 

Một khi cảm thấy quá hoang mang trước một đề thi mà nội dung bài học ôn tập chưa thật tốt thì các em cũng đừng nên bi quan. Phải thấy rằng bản chất của môn văn là cuộc sống. Trong cái khó sẽ ló cái khôn. Chính sự kiên trì sẽ giúp các em có cách triển khai hợp lý, một hướng làm bài nhất định, hiệu quả…

Bình luận (0)