Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những lỗi sai khi học phát âm

Tạp Chí Giáo Dục

Phát âm được xem là chìa khóa của việc học ngoại ngữ, là cầu nối để người học có thể giao tiếp tốt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau khiến người học phát âm sai, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, khả năng sử dụng tiếng Anh.

Phát âm sai vì nhiều lý do

Lê Lan Anh (sinh viên năm nhất ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã chật vật với kỹ năng phát âm suốt cả năm trời. Dù đã học hết 1 năm ngành ngôn ngữ Anh nhưng Lan Anh vẫn chưa thể nghe giảng viên, bạn bè xung quanh nói gì và luôn rất sợ thầy cô hỏi bất chợt vì không hiểu để trả lời. Nan giải hơn, khi Lan Anh phát âm, người nghe cũng không hiểu. Và kết quả cả hai kỳ thi cuối kỳ của năm nhất, Lan Anh không vượt qua được môn nghe.

“Tôi rất nản và đã có ý định bỏ ngang ngành học này bởi việc sửa lỗi trong quá trình phát âm hết sức khó khăn. Tôi tập trung nghe thầy cô, bạn bè phát âm để sửa theo và nghe nhiều các đoạn hội thoại do người bản ngữ nói nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được nhiều. Hiện tại tôi vẫn phải tập nghe thường xuyên cách phát âm các từ, câu tiếng Anh đơn giản mỗi ngày để cố gắng sửa lỗi từng ngày”, Lan Anh chia sẻ.

Những nguyên nhân khiến Lan Anh không nghe được người khác nói gì và bản thân phát âm không chuẩn là do em là người miền Trung. Ngay từ những năm học phổ thông, Lan Anh đã sử dụng phương ngữ vào học cách phát âm khiến cho âm tiết tiếng Anh được đọc bằng giọng phương ngữ nặng nề, nhiều từ khi phát âm bị thiếu âm cuối. Ngoài ra, Lan Anh còn phát âm theo kiểu Việt hóa các từ. Ví dụ /ei/ phát âm thành ê hoặc ây. Những lỗi sai dần đi vào thói quen khiến việc sửa chữa không dễ chút nào.

Học sinh phổ thông trao đổi bằng tiếng Anh với đại diện trường ĐH nước ngoài trong Hội thảo du học Malaysia tổ chức tại TP.HCM

So với Lan Anh, Phạm Thị Dung (sinh viên năm 2 Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) không sử dụng phương ngữ vào học cách phát âm tiếng Anh, tuy nhiên Dung lại thường vướng lỗi không nhấn trọng âm ở một số từ khiến từ đọc ra không rõ nghĩa. Hoặc một số từ có âm /s/ nhưng Dung phát âm không đúng hoặc bỏ qua /s/. Dung cho rằng, đây chính là những lỗi cơ bản của người học xuất phát từ những ngày đầu học tiếng Anh, kỹ năng đánh vần, phát âm ít được chú trọng bằng kỹ năng ngữ pháp. Người học nhìn vào mặt chữ rồi đọc một cách chủ quan, không xác định vai trò, vị trí các âm tiết trong từ. Ngoài những lỗi này, người học còn vướng các lỗi như không có ngữ điệu, không nối âm… trong quá trình đọc. Vấn đề đáng nói là bản thân người phát âm sai thường rất khó nhận ra lỗi sai và không biết sai ở đâu để sửa.

Cần có sự cố gắng khi sửa lỗi

Có thể thấy, phát âm sai là những lỗi cơ bản mà người học dễ gặp phải và luôn là thách thức đối với người học. Ông Graeme Dunlop, Giám đốc học vụ Trung tâm Apollo Phố Huế, cho rằng một trong những lý do phổ biến khiến người học tiếng Anh phát âm sai là không có một mối quan hệ đơn thuần giữa đánh vần và phát âm. Nguyên âm thay đổi ngay cả khi đánh vần giống nhau và những vần khác nhau có thể phát âm giống nhau. Ví dụ từ “through” phát âm như từ “threw” và phát âm từ “throw” nghe cũng gần giống với “although”. Và có nhiều âm trong tiếng Anh không tồn tại trong tiếng Việt. Đơn cử như âm “th”  (/è/) tạo thành những từ như “the” hoặc “this”, là trở ngại đầu tiên với những người học để nhận biết những âm này và sau đó tạo ra chúng.

Bản thân người phát âm sai thường rất khó nhận ra lỗi sai và không biết sai ở đâu để sửa.

Mặt khác, trong tiếng Việt, người Việt sử dụng 6 thanh sắc để thay đổi ý nghĩa của những từ riêng lẻ. Ngược lại trong tiếng Anh, ngoài những âm riêng lẻ, điểm mấu chốt của việc phát âm tiếng Anh gồm ngữ điệu, trọng âm, sự kết nối trong cách nói. Cụ thể, ngữ điệu thể hiện việc lên hoặc xuống giọng để diễn đạt câu hỏi, sự thích thú, ngạc nhiên và có nhiều chức năng khác. Trọng âm, được áp dụng cho cả những từ ngữ riêng lẻ và các câu, cũng làm thay đổi ý nghĩa của điều chúng ta muốn nói. Ví dụ: Nhấn trọng âm ở âm tiết đầu tiên của từ record để biểu đạt chúng ta đang nói đến danh từ, trong khi nhấn âm thứ hai record có nghĩa là nói đến động từ. Những từ thay đổi trọng âm mà không được nhấn âm trong tiếng Anh sẽ trở nên ngắn hơn và khó nghe hơn. Đây được xem là thử thách khi nghe đối với người học.

Quá trình sửa lỗi phát âm khá khó khăn nếu lỗi sai đã thành thói quen. Kết quả phụ thuộc vào từng cá nhân và cả sự nỗ lực. Theo đó, yêu cầu bản thân người học phải hiểu, nắm bắt được những lỗi phát âm sai, từ đó tập trung vào sửa lỗi để tiến bộ. Giáo viên là người dễ dàng nhận ra lỗi sai và sẽ là người hỗ trợ hiệu quả. Trong quá trình sửa lỗi, cần phải ghi âm lại cách phát âm, sau đó nghe đánh giá kết quả, nếu còn sai thì tiếp tục sửa. Tuy nhiên, có nhiều cách để người học có thể phát âm chuẩn từ bước đầu. Đó có thể là mua sách tự học phát âm cùng những bản thu âm. Hoặc tìm đến những bạn bè phát âm chuẩn, đặc biệt là người bản ngữ là cách luyện tập phát âm chuẩn và hiệu quả. Môi trường học này còn tạo ra nhiều động lực để nói, giao tiếp rõ ràng, chính xác hơn.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Phát âm là “chìa khóa” của quá trình học ngoại ngữ

Với hầu hết mọi người, mục tiêu sở hữu giọng nói của người bản xứ thông qua cách phát âm là hoàn toàn phi thực tế. Có rất nhiều cách phát âm có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa của lời nói. Trong quá trình nói, một số người thường nghĩ quá nhiều về điều bản thân muốn nói dẫn đến tình trạng nói nhanh, phát âm thiếu chuẩn mà không nghĩ đến người nghe. Do đó, người học nên tập trung diễn đạt ý tưởng, ý kiến của mình để người nghe có thể hiểu được mình nói gì. Và đây cũng là cách trau dồi cách phát âm cho người học.

 

Bình luận (0)