Học tập Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều người bằng khả năng của mình đã cố gắng làm những việc tốt nhất có thể. Qua đó đã mang đến nhiều điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh…
Bà giáo Nguyễn Thị Anh bên học trò của mình
Lớp học miễn phí của bà giáo U80
Dù đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc nhưng nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Anh (đường Lò Gốm, phường 5, quận 6) vẫn cần mẫn đến lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em.
“Lớp học được tổ chức tại Trường Tiểu học Bình Tiên vào thứ ba, tư, năm hàng tuần. Mặc dù diễn ra vào buổi tối nhưng các em luôn chăm chỉ đến lớp. Có em từ phường 2, phường 6, phường 9 cách lớp học khá xa nhưng vẫn đến học, không bỏ buổi nào”, bà Anh cho biết.
Học sinh của bà giáo già là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn chưa biết đọc, chưa biết viết; các em đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các em được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường 5 vận động tham gia lớp học. Bám theo chương trình tiểu học, bà Anh dạy các em học đọc, học viết, làm toán. Em nào hoàn thành chương trình lớp 1, bà dạy tiếp chương trình lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5.
Không như những lớp học khác, lớp của bà Anh khá đặc biệt. Mỗi năm có 10-13 em ở các độ tuổi theo học. Em nhỏ nhất 9 tuổi, em lớn nhất 20 tuổi, cá biệt có năm cả mẹ con, bà cháu cùng theo học. Trong số các học sinh, ngoài những em lành lặn còn có cả trẻ khuyết tật, rối loạn ngôn ngữ. Với lớp học đặc biệt này, bà giáo già luôn giảng dạy theo tinh thần không gò bó, ép buộc để các em được thoải mái học tập.
“Nhiều lúc đang dạy, có em la hét khiến tôi phải dừng lại, đến động viên, nói chuyện để các em bình tĩnh. Có em học 2 năm mới hoàn thành chương trình lớp 1 nhưng tôi vẫn phải kiên trì để các em biết đọc, biết viết. Mỗi em một hoàn cảnh, mỗi sức khỏe, mỗi độ tuổi khác nhau nên tôi có các phương pháp giảng dạy phù hợp”, bà Anh chia sẻ.
Bà Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Bao nhiêu năm qua, chứng kiến cảnh trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo cha mẹ đến TP mưu sinh dù đã đủ tuổi đi học nhưng lại không được đến lớp, vì vậy, năm 2015, khi chính quyền phường 5 mời đứng lớp, bà đã đồng ý dạy học miễn phí cho các em.
“Trước kia, tôi thường xuyên tham gia trợ giảng tại lớp dạy thêm bậc tiểu học do một giáo viên trong khu phố tổ chức. Lâu dần tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Khi được phường 5 mời đứng lớp, tôi nghĩ với khả năng của mình có thể dạy chữ được nên đồng ý. Đặc biệt, học theo lời Bác Hồ, làm được việc gì giúp ích cho xã hội thì chúng ta nên làm. Bằng những việc làm cụ thể, tôi mong muốn các em biết đọc, viết và làm toán, sau này tìm được một công việc ổn định để có thể tự lo cho bản thân và gia đình”, bà Anh nói.
Từ năm 2015 đến nay đã có hàng trăm trẻ em khó khăn được bà Anh dạy chữ. Nhiều em học hết lớp 4, lớp 5. Một số em được bà giới thiệu sang trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn quận để học tiếp. Lớp học của bà được lãnh đạo UBND phường 5 đánh giá đã góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng xã hội học tập và công tác khuyến học, khuyến tài.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc và học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng
Người thầy của học sinh “nói bằng tay”
Lấy tay lau nước mắt khi nhắc đến học trò, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 8) – chia sẻ: “Hàng ngày chứng kiến những thiệt thòi của các em về tinh thần và vật chất đã thôi thúc tôi với trách nhiệm của người làm công tác giáo dục phải làm gì đó để các em được học tập trong môi trường tốt nhất và sớm hòa nhập cộng đồng. Theo đó, tôi cố gắng tìm nguồn kinh phí chăm lo học bổng cho các em. Có thể giá trị mỗi phần quà không lớn nhưng phần nào giúp các em bớt khó khăn, động viên tinh thần các em học tập tốt hơn”.
Đa số học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng là trẻ câm điếc, rối loạn ngôn ngữ đến từ TP.HCM và một số tỉnh, thành khác. Phụ huynh phần lớn là lao động phổ thông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Với sự tích cực trong công tác chăm lo cho giáo dục của bà Trúc, năm 2023, có 30 suất quà (đồng phục, đồ dùng học tập, vở trắng) và nhiều suất học bổng đóng tiền bán trú hàng tháng được trao đến các em học sinh. Trước đó, năm 2022, học bổng “Giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường”, trang bị thiết bị cho học sinh khiếm thính với số tiền 55 triệu đồng cũng được trao đến các em; cùng với đó là hỗ trợ 3 cặp máy trợ thính, 4 suất học bổng đóng tiền bán trú hàng tháng; 10 suất học bổng giúp học sinh khó khăn. Tất cả đều được bà vận động từ các mạnh thường quân. Cũng nhờ nguồn vận động này, các em học sinh còn có điều kiện được đi tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng.
Trước đây, bà Trúc công tác tại một trường tiểu học. Năm 2013 được phân công về làm Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng. Ngày mới về trường, bà gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là cách giao tiếp với trẻ câm điếc phải sử dụng ký hiệu tay và khẩu hình miệng, một loại hình giao tiếp mà bà chưa từng thực hiện.
Để giúp cho việc trao đổi với học sinh tốt hơn, song song với việc đăng ký một khóa học ngôn ngữ chuyên dành cho trẻ câm điếc, bà còn mày mò, học hỏi đồng nghiệp cách dùng ký hiệu ngôn ngữ.
“Chính việc giao tiếp được với học sinh giúp tôi hiểu được các em muốn gì, cần gì. Từ đó tôi đã có những hành động phù hợp với các em”, bà Trúc cho biết.
Theo bà Trúc, không chỉ xuất phát từ tình thương, trách nhiệm của một nhà giáo mà còn xuất phát từ việc học tập theo Bác.
“Bác luôn làm những việc cụ thể. Học theo Bác chính là làm những việc cụ thể có ý nghĩa. Trong giáo dục chuyên biệt cần thể hiện bằng những việc làm thiết thực cho trẻ kém may mắn. Tôi hy vọng bản thân sẽ có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các em sau này hòa nhập cộng đồng tốt hơn”, bà Trúc bày tỏ.
Minh Phương
Bình luận (0)