Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những lớp học lạ ở Sài thành

Tạp Chí Giáo Dục

Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường phổ thông đang áp dụng cách học “lạ” để học sinh tiếp cận với thực tế nhiều hơn.

Học sinh THCS Trần Văn Ơn đang học môn lịch sử qua các tấm áp phích dưới ngay giữa sân trường.
Học sinh THCS Trần Văn Ơn đang học môn lịch sử qua các tấm áp phích dưới ngay giữa sân trường.

Thay vì học từng môn học, có trường đã liên kết các môn học để rèn luyện khả năng lô-gích của học sinh, có trường cho học sinh đi thực tế, đến các quán cà phê để giao tiếp với người nước ngoài, nâng cao khả năng học tiếng Anh hay cho học sinh học lịch sử ngay giữa sân trường qua các tấm áp phích…

Đi giải khát để học tiếng Anh

Cô Phạm Thị Phương Nhung, giáo viên Anh văn của trường THPT An Dương Vương, TPHCM cho biết, chiều thứ Ba vừa rồi (19/4), lớp 10A1 vừa có lần trải nghiệm học tiếng Anh ở quán cà phê lần thứ hai. “Lần này các em không còn bỡ ngỡ như lần trước nữa, nhiều em mạnh dạn giao tiếp, trò chuyện thậm chí các em còn ca hát, tự tin bắt chuyện với người nước ngoài”, cô Nhung kể.

Học theo hình thức này, các em học sinh được bố trí vào ngồi một phòng. Mỗi em một ly nước giải khát ngồi theo kiểu talk show vây quanh một số người nước ngoài rồi “tám chuyện”. “Lúc nào các em thấy bí từ hay chưa nghĩ ra câu chuyện gì thì mình sẽ lên tiếng, gợi ý để các em hiểu câu từ hoặc gợi ý để bắt đầu một câu chuyện mới. Qua vài buổi học thực tế nhìn chung học sinh thích thú hơn với môn tiếng Anh, nhiều em tâm sự các em đã tự tin giao tiếp với người nước ngoài hơn”, cô Nhung chia sẻ.

“Dự kiến năm học tới, trường sẽ đưa mô hình học tập mới vào để giảng dạy cho các em học sinh bằng cách tự thiết kế những tấm áp phích với nhiều nội dung lịch sử theo như chương trình học vì nhận thấy mô hình này đem lại hiệu quả học tập cho các em học sinh rất cao”.
    Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn

Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 10 sau 2 lần được dẫn đi quán học tiếng Anh hào hứng kể: “Lần thứ nhất em rất sợ, cảm thấy rụt rè vì nhiều câu em biết nhưng không dám trả lời trong khi một số bạn rất mạnh dạn nói chuyện. Sau đó em được cô giáo động viên, nói vài câu dễ rồi từ từ làm quen, đến lần thứ hai thì nói nhiều hơn, giờ thì em mong cho đến lần thứ ba để vừa được đi chơi, lại được học tiếng Anh với người nước ngoài miễn phí nữa”. 

Thầy Trần Đức Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi tuần trường sẽ tổ chức 2 buổi, mỗi buổi 1 lớp cho học sinh đến một quán cà phê ở quận 7 (quán này toàn người nước ngoài), để học sinh vừa uống nước vừa giao tiếp với người nước ngoài. Xoay vòng trong 1 năm học các em sẽ có 4 lần ngoại khóa như thế, chi phí nhà trường hoàn toàn đài thọ. “Xưa nay học sinh phải học trong 4 bức tường, đặc biệt là môn tiếng Anh, bước ra khỏi lớp là các em lại nói tiếng Việt nên rất nhanh quên, thiếu môi trường để các em trau dồi kỹ năng. Vì thế, trường nghĩ ra ý tưởng này giúp học sinh có môi trường nâng cao năng lực tiếng Anh”- thầy Thành nói.

Học từ thực tế, trải nghiệm cuộc sống

Dự án Học văn để sống với mục tiêu học từ thực tế, trải nghiệm cuộc sống do trường THCS- THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM thực hiện trong những năm gần đây. Hoạt động mới nhất của dự án này là đề tài “Khi môi trường lên tiếng” vừa được các em học sinh lớp 9 của trường hoàn thành do 2 giáo viên hướng dẫn là cô Nguyễn Thị Thanh Hoa (môn Sinh) và cô Nguyễn Thị Minh Ngọc (môn Văn). Cô Hoa cho biết đây là sự kết hợp liên môn, học sinh tham gia dự án sẽ được trải nghiệm thực tế cuộc sống, củng cố kiến thức các môn Sinh học, Văn học, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học…

“Tham gia đề tài, học sinh sẽ được chia thành nhiều nhóm khác nhau đi đến các địa điểm  ở vùng nội ô thành phố như kênh rạch, vòng xoay lớn, nơi đông đúc dân cư để tìm hiểu cuộc sống của người dân và xin số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường. Trong mỗi nhóm, học sinh được phân thành vai trò khác nhau như bạn thì phỏng vấn người dân, bạn thì là chuyên gia phân tích số liệu, bạn là tuyên truyền viên bảo vệ môi trường… Sau đó, các nhóm hoàn thiện thành một đề tài nói về môi trường ở khu vực khảo sát, từ đó tuyên truyền cho người dân để bảo vệ môi trường…”, cô Hoa nói.

Để hoàn thiện bài tập, theo cô Hoa, các em học sinh sẽ phải vận dụng kiến thức của các bộ môn khác nhau như Văn học, Sinh học, Tin học, tiếng Anh… từ đó tác động đến suy nghĩ, nhận thức của các em làm thế nào để bảo vệ môi trường, thương yêu con người nhiều hơn… đó chính là ý nghĩa của môn giáo dục công dân.

Tại trường THCS Trần Văn Ơn, đến giờ học môn Lịch sử cô trò mang theo bút vở xuống sân trường hoặc tán cây, nơi có gắn hàng chục tấm áp phích có in thông tin lịch sử để tìm hiểu, trao đổi và học bài. Dưới những tán cây phượng vĩ, sảnh trường, 20 tấm áp phích lớn có in nội dung và hình ảnh về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ như biển đảo Việt Nam, nhân sĩ và tri thức của Sài Gòn – Gia Định xưa, phong trào Học sinh sinh viên Sài Gòn – TPHCM đến nay…. được sắp xếp theo các chủ đề, phù hợp với mỗi khối lớp theo nội dung môn học.

Các em được giáo viên hướng dẫn đưa ra các câu hỏi về chủ đề cụ thể. Tiết học lịch sử, các em được xuống tham quan, trao đổi, ghi chép và tìm hiểu thông tin trên các tấm áp phích. Sau đó, giáo viên sẽ cùng trao đổi, hướng dẫn và giải đáp bài học cho các em trong 45 phút của tiết học và học sinh sẽ viết bài thu hoạch.

Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn cho biết, mô hình học tập mới này nằm trong việc thực hiện chuỗi hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo ra không gian lớp học mở để học sinh học tập hứng thú hơn. Cách làm này cũng nhằm thay đổi việc học lịch sử gò bó và nặng đọc chép trong lớp như lâu nay, thay đổi cả cách tiếp cận tài liệu khô khan trong sách vở. Từ đó, các em sẽ được tạo hứng thú học hơn, được thoải mái di chuyển, trao đổi và tự tìm hiểu kiến thức cho mình. Thậm chí, ai quan tâm cũng có thể đến xem, đọc để hiểu thêm.

Theo TPO

 

Bình luận (0)