Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những lớp học tăm tối, ô nhiễm…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một trường MN tư thục tại phường Bình Chiểu “tận dụng” từ ngôi nhà cấp 4

Một căn nhà cấp 4 được cải tạo lại để mở trường MN, một nhóm trẻ gia đình nằm bên cạnh chuồng heo cũ và một lớp học mẫu giáo khác lại “sống chung” với lò rèn… Đó là những gì mà phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM tận mắt chứng kiến khi làm một cuộc “vi hành” xuống một số phường trong quận Thủ Đức – nơi được gọi là điểm nóng của những nhóm trẻ gia đình.
Lớp học hay trong… “hang”
Sáng 20-5 trong vai một người bố đi xin học cho đứa con 21 tháng tuổi, tôi vào một số nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quận Thủ Đức. Đến đường Bình Chiểu thuộc KP1 thấy có một tấm biển “Mầm non H. nhận trẻ từ 1 đến 5 tuổi”, tôi liền dừng xe bước vào “tiếp cận”. Một cô giáo thấy trước cổng có ông “phụ huynh” đứng thập thò liền ra tiếp chuyện. Khi theo chân cô giáo bước vào bên trong, tôi quan sát kỹ mới thấy lớp học nguyên là ngôi nhà cấp 4 được cải tạo lại để làm trường MN tư thục. Khác với trời đất sáng sủa ở bên ngoài, không gian bên trong rất tối do mái lợp thấp tè và kín như bưng suốt cả hai sân chơi phía trước. Lớp học chính là phòng khách nay được cải tạo lại nên có cao hơn sân chơi một chút. Tuy nhiên do nằm sâu bên trong nên rất bí. Với phòng học này, ánh sáng là thứ “hiếm” dành cho các bé đang bị “nhốt” trong này. Không rộn ràng và náo nức như các trẻ ở trường MN khác, hơn 10 đứa trẻ đứng ngồi ủ rũ, mặt buồn xo. Không có ghế, không giường chiếu vài đứa trẻ nằm trên nền gạch lạnh để nhìn khách hoặc để mắt vào chiếc màn hình ti vi cũ treo trên tường mở liên tục các bộ phim hoạt hình. Đúng lúc đó một đứa trẻ đòi ị nên cô giáo vội vàng vào trong lấy chiếc bô đỏ ra cho cháu ngồi ngay trong lớp học. Quan sát xung quanh tôi thấy gần chiếc ti vi là một chiếc kệ nhỏ đựng vài thứ đồ chơi bằng mủ như búp bê, con vật, xe 4 bánh… Nhìn mấy đứa trẻ ốm yếu chắc ai cũng động lòng thương vì thấy chúng thua thiệt đủ thứ: không người bồng bế, không biết vui chơi và suốt ngày bị “giam” trong căn phòng hẹp, tối như một cái “hang”.
Nhưng so với nhóm trẻ gia đình ở một con hẻm thuộc tổ 3, KP3 gần Khu công nghiệp Bình Chiểu thì lớp MN H. này vẫn còn “sáng giá” hơn. Đi qua một ngôi nhà đang xây dở, tôi thâm nhập vào một nhóm trẻ gia đình do người phụ nữ người miền Trung khoảng 30 tuổi làm chủ. Nói là lớp nhưng có thể gọi đó là “chuồng” nhốt trẻ thì đúng hơn. Căn phòng khoảng 15 m2 không bàn ghế, không sân chơi mà chỉ có một chiếc chiếu trúc cũ trải ra cho 12 cháu nằm xem ti vi. Lo nói chuyện với khách nên có một đứa trẻ mũi dãi chảy xuống tận miệng lâu lâu đưa lưỡi ra liếm mà cô “bảo mẫu” cũng chẳng quan tâm. Cho đến khi khách nhắc lần hai cô mới đi kiếm khăn giấy quệt ngang cho học trò. Một chiếc bô đựng nước tiểu chưa kịp đổ để trong phòng bốc mùi khai rình. Khi tôi bước vào bên trong thì “khám phá” ra bên trái lớp học là một giàn bếp nấu củi nồi niêu vứt tứ tung, “siêu” bẩn. Chung với chái bếp là chiếc chuồng heo cũ xây bằng gạch thẻ ẩm thấp, ngổn ngang đồ ve chai.
“Cô giáo” bớt phần ăn của cháu
Sau khi đi thám thính, tôi biết trong khu vực này một số gia đình sẵn sàng nhận giữ trẻ vô điều kiện nếu các bố mẹ là công nhân, người lao động, dân bán hàng rong… có nhu cầu. Do không có việc gì làm nên chị V. nhà ở đường số 8 tổ 3, KP3 có “sáng kiến” nhận hai đứa trẻ để “kiếm thêm tiền chợ” như lời chị ta giãi bày. Thấy có khách đến, hai ba người trong nhà chạy ra tiếp thị: nào là bà chủ nhà nguyên là cô giáo, nào là ở đây có sân vườn rộng rãi tha hồ trẻ chơi, nào là hai đứa trẻ bây giờ thích “ở lớp” hơn ở nhà…
Bà Hồ Ngọc Tuyết – Phó phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết: “Thủ Đức là quận có nhiều nhóm trẻ gia đình tự phát, phức tạp nhất là phường Bình Chiểu. Đa số các nhóm trẻ này cơ sở vật chất không đạt chuẩn, thường cải tạo từ nhà ở, giáo viên chưa đủ trình độ thu nhận quá nhiều cháu “xếp như cá mòi trong một lớp””. Đợt kiểm tra đột xuất vừa qua của Phòng GD mầm non (Sở GD-ĐT) đã phát hiện và lập biên bản một số nhóm trẻ gia đình ở Thủ Đức do vi phạm an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và chất lượng bữa ăn. Cũng trong “chiến dịch bàn tay sạch” này, đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản một số nhóm trẻ gia đình đã tìm cách ăn chặn khẩu phần hàng ngày của các cháu. Một phụ huynh phản ánh: “Chúng tôi đóng tiền ăn cho cháu mỗi ngày 15 ngàn đồng nhưng các cô chỉ thực chi 6-7 ngàn đồng. Khi nghe tin nhà trường phải làm kiểm điểm nộp cho đoàn kiểm tra vì thâm lậm tiền ăn, phụ huynh chúng tôi thực sự bức xúc và không ngờ lại có chuyện đó xảy ra trong một trường MN”. Cũng trong đợt này đoàn đã đến kiểm tra với lớp MN tư thục X. gần sát với lò rèn chuyên sản xuất dao, lưỡi hái, leng, chéc… Hàng ngày, lò rèn không chỉ “ban tặng” tiếng ồn cho các cháu mà còn “ký gửi” rất nhiều khói bụi sang các phòng học…
   Mặc dù là một trường có tiếng của phường nhưng Trường MN phường Hiệp Bình Phước không thể nào đạt chuẩn vì diện tích chỉ hơn 800 m2 chỉ mở được 6 lớp trong lúc đó nhu cầu phụ huynh đến gửi trẻ rất cao. Không thể tưởng tượng được khi một lớp chồi ở đây có 53 bé vì thiếu phòng học. Cô Võ Thị Phụng – Hiệu trưởng nhà trường than vãn: “Tuy nhà trường chưa có thông báo nhưng từ đầu tháng 5 đến nay ngày nào cũng có phụ huynh đến xin đăng ký cho con vào học. Mẫu đơn đã có sẵn nhưng chúng tôi chưa phát cho phụ huynh vì phải chờ kế hoạch của Phòng GD-ĐT quận”. Phụ huynh nhất là những người thuộc dạng tạm trú, KT3 đến trường xin rồi đành tiu nghỉu ra về vì cô hiệu trưởng trả lời là trường không thể giải quyết được toàn bộ đơn xin học của phụ huynh vì trường thiếu phòng, thiếu lớp. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra nguy cơ bùng phát các nhóm trẻ gia đình tại quận Thủ Đức hiện nay.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)