Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những lưu ý đặc biệt trước ngày thi ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Kì thi tuyển sinh ĐH đã cận kề nhưng nhiều sĩ tử vẫn bị dao động bởi nhiều luồng thông tin khác nhau. Để thí sinh yên tâm bước vào phòng thi, Dân trí xin đưa ra những lưu ý đặc biệt dưới đây.

> Thủ thuật để làm tốt bài thi Vật lý, Hoá học

> Giải tỏa lo lắng trước kỳ thi

Không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép

Trong phòng thi, mỗi thí sinh được phát một tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và một tờ giấy nháp đã có chữ ký của hai giám thị. Thí sinh cần giữ cho tờ phiếu trả lời trắc nghiệm phẳng, không bị rách, gập, nhàu, mép giấy bị quăn; đây là bài làm của thí sinh, được chấm bằng máy.

Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm; không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép.

Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo đề có đủ số lượng câu trắc nghiệm nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có hai đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý… Trường hợp phát hiện đề thi bị thiếu trang, thí sinh được giám thị cho đổi bằng đề thi dự phòng có mã đề thi tương ứng (hoặc mã đề thi khác với mã đề thi của hai thí sinh ngồi hai bên).

Về việc ghi số báo danh đối với môn thi trắc nghiệm tuân thủ theo nguyên tắc ghi đủ 6 số. Nếu số báo danh ít hơn 6 số thì thí sinh phải thêm số 0 đằng trước tính từ trái qua phải.

Ví dụ: Thí sinh A có số báo danh 23412 (chỉ có 5 chữ số) thì ghi số báo danh trong phiếu trả lời trắc nghiệm là 023412.

Bị mất giấy tờ vẫn được phép dự thi

Theo quy định thì giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời phải có dán ảnh và đóng giáp lai thì mới được coi là hợp lệ. Tuy nhiên, đối với những giấy chứng nhận chưa kịp dán ảnh thì thí sinh vẫn được phép dự thi bình thường sau khi làm giấy cam đoan.

Về những trường hợp sai lệch giữa giấy báo dự thi và hồ sơ thí sinh thì trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh phải báo cáo với cán bộ làm công tác tuyển sinh để điều chỉnh. Nếu không được chỉnh sửa trước khi dự thi, khi xét tuyển, thí sinh có thể bị ảnh hưởng do bị coi là khai man hồ sơ.

Đối với những trường hợp bị thất lạc giấy giấy báo dự thi (hoặc bị mất giấy báo dự thi) thì bằng mọi cách thí sinh phải biết được số báo danh, địa điểm thi, phòng thi của mình và đến làm thủ tục dự thi bình thường. Để biết được các thông tin này thí sinh phải liên hệ trực tiếp với Phòng đào tạo trường mình ĐKDT hoặc tra cứu trực tiếp trên website của trường (nếu có).

Những trường hợp bị mất hoặc có sai sót một trong các giấy tờ cần thiết theo quy định để làm thủ tục dự thi, chẳng hạn như giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, giấy CMND hay thẻ dự thi… thì thí sinh phải có mặt trong ngày làm thủ tục dự thi để nhà trường xem xét, đối chiếu hồ sơ gốc, yêu cầu làm giấy cam đoan, chụp ảnh bổ sung tại chỗ.

Thí sinh sẽ vẫn được dự thi nhưng khi có kết quả phải nộp đủ các giấy tờ cần thiết viết trong giấy cam đoan mới được công nhận kết quả thi và trúng tuyển.

Không tính điểm nếu làm cả hai phần đề riêng

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh, phần riêng cho thí sinh học chương trình cơ bản hoặc thí sinh học chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp.

Thí sinh nào làm cả hai phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm phần riêng (phần chung vẫn được chấm điểm).

Ở mỗi môn thi khác nhau thí sinh được phép lựa chọn phần riêng khác nhau mà không cần phải tuân thủ theo nguyên tắc môn thi trước thí sinh chọn phần riêng nào. Chẳng hạn đối với khối A, ở môn Toán thí sinh chọn phần riêng dành cho chương trình chuẩn thì ở môn thi kế tiếp là môn Vật Lý thí sinh được phép chọn phần riêng là chương trình nâng cao hoặc cơ bản.

Nguyễn Hùng (dan tri)

 

Bình luận (0)