Cấu trúc đề thi môn ngữ văn năm nay cũng giống như vài năm trước. Phần đọc hiểu văn bản ngắn 3 điểm và phần làm văn 7 điểm. Tuy nhiên, về nội dung có đôi chút khác biệt, đó là thí sinh phải ôn tập thêm một số bài trong chương trình ngữ văn lớp 11, tập trung chú ý phần văn học hiện đại.
Thí sinh xem lại kiến thức sau buổi thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Ảnh: D.B |
1. Phần đọc hiểu tương đối dễ lấy điểm hơn phần làm văn nhưng các năm qua chỉ có khoảng 25% thí sinh đạt được điểm tuyệt đối. Phần này có 50% lượng điểm đánh giá năng lực nhận biết và 50% lượng điểm đánh giá năng lực thông hiểu. Muốn làm tốt phần này, thí sinh phải chú ý các điểm sau: Thứ nhất, thí sinh phải nắm vững lí thuyết để trả lời câu hỏi kiểm tra năng lực nhận biết. Ví dụ, muốn xem văn bản sử dụng phương thức biểu đạt chính là gì thì thí sinh nên viết ra 6 phương thức rồi dựa vào đó để truy hiểu. Thứ hai, để trả lời câu hỏi kiểm tra năng lực thông hiểu thì chúng ta phải đọc đi đọc lại văn bản nhiều lần để nắm vững nội dung, chú ý các từ, cụm từ quan trọng – thường hay lặp lại; lưu ý các câu đầu và câu cuối – vì nó thường khái quát nội dung văn bản. Đối với văn bản nghệ thuật thì cần nắm vững và phân biệt rạch ròi giữa nội dung đề tài và tư tưởng tác giả. Thứ ba, khi trả lời các câu hỏi, các em phải trình bày ngắn gọn, đầy đủ ý, tránh viết câu cụt hay chỉ trả lời trong một từ; cũng không nên gạch đầu dòng và cũng không cần viết quá dài, vì mất thời gian không cần thiết.
2. Ở phần nghị luận xã hội, đề bài yêu cầu vận dụng những nhận thức từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu để làm bài. Chủ yếu có hai hướng kiểm tra, một là yêu cầu bàn về vấn đề cốt lõi của nội dung; hai là, bàn về tư tưởng hoặc ý nghĩa – thông điệp – bài học rút ra từ nội dung (để phát huy năng lực, sở trường của người học, Bộ GD-ĐT khuyến khích hướng ra đề mở này). Phần lớn thí sinh hiện nay còn mơ hồ giữa nội dung văn bản và ý nghĩa văn bản nên bài làm phần này rất chung chung, khó đạt điểm cao. Thế nên, thí sinh cần luyện tập để phân biệt hai nội dung này.
Muốn viết đoạn văn nghị luận được tốt, thí sinh cần nắm bí quyết triển khai ý: một đoạn văn giống bài nghị luận xã hội rút gọn, thường đầy đủ các thao tác lập luận: giải thích, phân tích – chứng minh, bình luận. Độ dài ngắn của đoạn văn lệ thuộc vào phần phân tích. Đã là đoạn văn thì không có xuống dòng giữa đoạn. Cần lưu ý là không nên viết quá ngắn (dưới 150 chữ) cũng không nên viết quá dài vì sẽ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến phần nghị luận văn học. Dài quá hay ngắn quá đều không được điểm tối đa, cho dù nội dung tốt.
3. Phần nghị luận văn học tương đối khó hơn các phần kia. Do đó, thí sinh cần dành nhiều thời gian hơn cho việc làm bài, khoảng 70 phút là được. Cấu trúc nội dung nghị luận văn học bao gồm kiến thức tác phẩm văn học lớp 11 và lớp 12, trong đó chủ yếu vẫn là lớp 12; thí sinh tập trung nghị luận thật tốt phần kiến thức lớp 12 và nắm kiến thức trên tỉ lệ hợp lí với kiến thức lớp 11. Qua nhiều năm quan sát, chúng tôi nhận thấy đa số thí sinh đọc đề rồi cầm bút làm bài ngay vào giấy, mà chưa có thói quen lập dàn ý, đây là một thiếu sót lớn. Các em cần đọc kỹ đề, gạch chân những từ, cụm từ quan trọng, chú ý câu lệnh rồi tiến hành lập dàn ý để có điều kiện bổ sung, chỉnh sửa nội dung cho hoàn thiện trước khi viết bài, đồng thời cũng dựa vào đó mà phân bố thời gian làm bài hợp lí.
Đến bước viết bài, chúng ta luôn nhớ đây là bài văn nghị luận nên không được sa vào kể chuyện hay diễn giải câu thơ mà phải sử dụng kết hợp các thao tác lập luận, trong đó thao tác phân tích được sử dụng nhiều hơn. Bài làm cần phải được trình bày mạch lạc, xong một đơn vị nội dung – một luận điểm, phải xuống dòng và chuyển ý. Đây là một trong những kỹ năng chính trong tạo lập văn bản. Đề thi nghị luận văn học năm nay sẽ có một yêu cầu khó để phân loại thí sinh. Sau khi nghị luận hai đối tượng, thí sinh sẽ đối sánh hoặc bình luận một vấn đề được rút ra từ hai đối tượng đó. Để viết tốt phần này, thí sinh cần nhớ lại kiến thức lí luận văn học, kiến thức về tác giả – phong cách nghệ thuật nhà văn và phối hợp với kết luận từ hai đối tượng, có liên hệ với thực tế. Chú ý đây là một luận điểm nên cần phải trình bày rõ ràng, nổi bật. Đạt điểm tối đa hay không là ở luận điểm này.
4. Đặc thù của môn ngữ văn là phải có hứng thú khi học và thi. Với tác phẩm này thì chúng ta sẽ làm bài tốt nhưng với tác phẩm khác thì chưa hẳn được như vậy. Có thí sinh đọc đề xong thì cảm giác trống rỗng, phải mất một thời gian khá lâu mới nhập cuộc được. Vậy thì làm thế nào để có cảm hứng làm bài? Bí quyết là đây: chúng ta phải biết tự “đánh lừa” cảm xúc, hãy đóng vai hoặc nhập thân vào nhân vật hay tác giả, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật; vui buồn, trăn trở… cùng họ. Có khi chúng ta chỉ cần tìm một chi tiết dễ rung động, đồng cảm rồi tiến tới đồng cảm toàn bộ hình tượng nghệ thuật. Lúc đó tiếng nói từ bên trong chúng ta sẽ trào dâng, dễ dàng khơi nguồn và được dẫn dắt bởi dàn ý đã chuẩn bị trước.
Điều lưu ý cuối cùng là chúng ta phải phân bố thời gian làm bài cho các phần và trong mỗi phần một cách hợp lí.
Đặng Văn Du
(Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Pleiku, Gia Lai)
Bình luận (0)