Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những lưu ý “không thừa” trước kỳ thi tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa là hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Để làm bài thi tốt và tránh những sai sót không đáng có, thí sinh cần phải nắm rõ quy chế cũng như phương thức làm bài.

> Điều kiện để được đặc cách tốt nghiệp THPT?

> Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009: Để không vi phạm quy chế

Dưới đây là lưu ý không thừa: 

1. Được đem gì vào phòng thi?

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009, thí sinh (TS) được đem vào phòng thi các vật dụng: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, com-pa, ê-ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

 

Danh mục các máy tính được phép mang vào phòng thi bao gồm: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 570 MS, FX 500 VN Plus, FX 570 ES; VinaCal 500MS, VinaCal 570 MS; Vietnam Calculator VN-500RS; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720 và các máy tính có tính năng tương đương.

Đối với môn Địa lý, thí sinh được phép mang theo bảng Atlat Địa lý Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.

Lưu ý, các vật dụng trên không được gắn linh kiện điện, điện tử, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

Ngoài ra TS đừng quên đem theo các giấy tờ cá nhân như: giấy CMND, giấy báo thi… và đồng hồ để theo dõi giờ làm bài thi. Trường hợp chưa có hoặc làm mất giấy CMND, phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền.

Khi làm và nộp bài cần lưu ý những gì?

Khi nhận đề thi, TS phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in; đặc biệt chú ý các môn thi trắc nghiệm (Vật lý, Sinh học và Ngoại ngữ ở hệ THPT; Vật lý, Hóa học, Sinh học ở hệ bổ túc THPT), cần kiểm tra kỹ đề thi phải đủ số trang, các trang cùng một mã đề, đề in không bị mờ… Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, TS cần phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.

Khi làm bài, TS tuyệt đối không được trao đổi bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Bài thi phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng com-pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một loại bút, một thứ mực (không được dùng mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì.

TS học theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó. Không được làm cả 2 phần riêng của đề thi; nếu vi phạm thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.

Trong suốt thời gian ở phòng thi, TS phải tuyệt đối giữ trật tự; muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo giám thị. Khi được phép nói, TS đứng báo cáo rõ với giám thị ý kiến của mình.

Đối với môn thi trắc nghiệm, khi phát đề thi mà chưa có hiệu lệnh bắt đầu làm bài thi, giám thị sẽ yêu cầu TS để đề thi dưới phiếu trả lời trắc nghiệm. Chỉ khi có hiệu lệnh thí sinh mới được phép xem đề thi nếu TS vẫn cố tình xem đề thi trước khi có hiệu lênh thì sẽ bị lập biên bản để Hội đồng coi thi xử lý.

Khi nộp bài thi, TS phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi.

Đặc biệt lưu ý: Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi, không nộp giấy nháp thay giấy thi. TS không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, TS chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.

 

25 lưu ý về khi làm bài thi trắc nghiệm

1. Thí sinh thi các môn trắc nghiệm tại phòng thi mà thí sinh thi các môn tự luận. Số báo danh của mỗi thí sinh theo đúng Giấy báo dự thi.

2. Để làm bài trắc nghiệm, thí sinh cần mang bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen, gọt bút chì, tẩy vào phòng thi; nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.

3. Trong phòng thi, mỗi thí sinh được phát 1 tờ phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) và 1 tờ giấy nháp đã có chữ ký của 2 giám thị. Thí sinh cần giữ cho tờ phiếu TLTN phẳng, không bị rách, gập, nhàu, mép giấy bị quăn; đây là bài làm của thí sinh, được chấm bằng máy.

4. Thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi điền đầy đủ vào các mục để trống (từ số 1 đến số 9: Tên trường; Điểm thi…); chưa ghi mã đề thi (mục 10). Lưu ý ghi số báo danh với đầy đủ 6 chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu số báo danh, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh (mục số 9 trên phiếu TLTN). Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.

5. Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu TLTN; không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép.

6. Khi tất cả thí sinh trong phòng thi đều đã nhận được đề thi, được sự cho phép của giám thị, thí sinh bắt đầu xem đề thi:

a) Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo: đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.

b) Ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi. Đề thi có mã số riêng, thí sinh xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu TLTN); sau đó dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.

7. Trường hợp phát hiện đề thi bị thiếu trang, thí sinh được giám thị cho đổi bằng đề thi dự phòng có mã đề thi tương ứng (hoặc mã đề thi khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi hai bên).

8. Theo yêu cầu của giám thị, thí sinh tự ghi mã đề thi của mình vào 2 phiếu thu bài thi. Lưu ý, lúc này (chưa nộp bài) thí sinh tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài thi.

9. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là 90 phút.

10. Trường hợp khi làm bài, 2 thí sinh ngồi cạnh nhau có cùng mã đề thi, theo yêu cầu của giám thị, thí sinh phải di chuyển chỗ ngồi để đảm bảo 2 thí sinh ngồi cạnh nhau (theo hàng ngang) không có cùng mã đề thi.

11. Chỉ có phiếu TLTN mới được coi là bài làm của thí sinh; bài làm phải có 2 chữ ký của 2 giám thị.

12. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu TLTN bằng bút mực, bút bi.

13. Khi tô các ô bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn; ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn.

14. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu TLTN. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.

15. Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc hết trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu TLTN. Chẳng hạn thí sinh đang làm câu 5, chọn C là phương án đúng thì thí sinh tô đen ô có chữ C trên dòng có số 5 của phiếu TLTN.

16. Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu TLTN, ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu TLTN, vì dễ bị thiếu thời gian.

17. Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu TLTN. Tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.

18. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu TLTN phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu TLTN.

19. Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó; nếu không làm được câu này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm đã bỏ qua, nếu còn thời gian.

20. Thí sinh không ra ngoài trong suốt thời gian làm bài. Trong trường hợp quá cần thiết, phải báo cho giám thị trong phòng thi (giám thị trong phòng thi có trách nhiệm báo cho giám thị ngoài phòng thi hoặc thành viên của Ban coi thi biết); không được mang đề thi và phiếu TLTN ra ngoài phòng thi.

21. Trước khi hết giờ làm bài 10 phút, được giám thị thông báo, một lần nữa, thí sinh kiểm tra việc ghi Số báo danh và Mã đề thi trên phiếu TLTN.

22. Thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.

23. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt phiếu TLTN lên trên đề thi; chờ nộp phiếu TLTN theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, thí sinh phải ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.

24. Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về.

25. Thí sinh được đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm của mình sau khi đã làm các thủ tục theo quy chế.

Nguyễn Hùng (dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)