Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những lưu ý trong kì tuyển sinh đại học năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

 Nhiều thông tin mới về tuyển sinh đại học năm 2024 được các trường đưa ra để thí sinh chuẩn bị tìm kiếm cơ hội xét tuyển.

Nhiều bất ngờ

Thông tin gây bất ngờ cho thí sinh năm nay là một số trường đại học (ĐH) có truyền thống đào tạo nhóm ngành kinh tế mở ngành mới tuyển sinh liên quan đến công nghệ.

Những lưu ý trong kì tuyển sinh đại học năm 2024 ảnh 1

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 tại ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa được tổ chức tại khu vực phía Bắc. Ảnh: Diệp An

Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu; Kĩ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động. 5/6 ngành mới của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, vốn là thế mạnh của các trường kĩ thuật, công nghệ. Không những thế, trừ ngành Quan hệ lao động, 5 ngành còn lại được đào tạo song song hai hệ cử nhân và kĩ sư. Trước đó, trường ĐH này bắt đầu đào tạo một số ngành liên quan đến nhóm ngành công nghệ như Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lí. Năm nay là năm đầu tiên nhà trường đào tạo hệ kĩ sư.

Từ trước đến nay, hệ kĩ sư ở Việt Nam chỉ có một số ít trường cấp bằng như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Việt Pháp). Theo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc mở các ngành liên quan đến nhóm ngành công nghệ là dọn đường để chuẩn bị thành lập Trường Công nghệ trực thuộc, tiến tới đưa Trường ĐH này thành ĐH Kinh tế Quốc dân. Vì điều kiện từ trường ĐH trở thành ĐH phải là trường đào tạo đa ngành.

Một trường ĐH khác khối kinh tế năm nay mở ngành mới thuộc nhóm ngành Công nghệ là Trường ĐH Ngoại thương với ngành Khoa học máy tính, Chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM năm nay mở ngành mới Kĩ thuật phần mềm.

Thực tế, từ những năm trước, một số trường chuyên đào tạo nhóm ngành kinh tế mở rộng sang đào tạo lĩnh vực khoa học công nghệ, thậm chí đào tạo hệ kĩ sư như ĐH Kinh tế TPHCM năm 2023 mở các ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Logistics và cấp bằng kĩ sư.

Trong khi đó, nhiều trường kỹ thuật công nghệ từ lâu đã tuyển sinh ngành xã hội, kinh tế. ĐH Bách khoa Hà Nội từ lâu đã tuyển sinh ngành Kinh tế, sau này mở rộng thêm các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, ngôn ngữ Anh. Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM vừa thông báo năm 2024 tuyển sinh thêm ngành Tâm lí học giáo dục với tổ hợp C00 và ngành kĩ thuật thiết kế vi mạch. Trước đó, trường ĐH này cũng tuyển sinh rất nhiều ngành ở các lĩnh vực kinh doanh, nhân văn như ngôn ngữ Anh, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Kế toán, Kinh doanh quốc tế…

Không ban hành quy chế tuyển sinh mới

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định năm nay, Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà giữ ổn định như năm 2023. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng kí theo ngành đào tạo nhưng cần cung cấp đầy đủ các điều kiện để đảm bảo tận dụng hết cơ hội xét tuyển, tương ứng với các phương thức mà các cơ sở đào tạo áp dụng.

Mặt khác, cơ sở giáo dục ĐH xét bình đẳng tất cả các nguyện vọng vào các ngành, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất 1 nguyện vọng ở 1 phương thức xét tuyển. Hệ thống lọc ảo sẽ dừng lại khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Như vậy, thí sinh phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng làm sao để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất.

Đối với thí sinh tham gia đăng ký các phương thức xét tuyển sớm, được nhà trường thông báo đã đủ điều kiện trúng tuyển vẫn cần một bước bắt buộc nữa để trúng tuyển chính thức là phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo quy định nếu không sẽ mất cơ hội trúng tuyển đợt 1 và phải xét tuyển bổ sung đợt sau.

Ngoài ra, thí sinh còn phải chú ý đến điều kiện cần khi xét tuyển của một số trường. Ví dụ, năm nay, ở 2 phương thức xét tuyển kết hợp với học bạ, Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu thí sinh phải đạt 24 điểm/tổ hợp xét tuyển trong kì thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lí đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho hay điều kiện 24 điểm thi tốt nghiệp THPT đối với phương thức có sử dụng học bạ được áp dụng linh hoạt cho bất kì tổ hợp nào trong danh mục tổ hợp xét tuyển của trường. Ví dụ, thí sinh sử dụng tổ hợp A01 (Toán, Lí, Anh) ở học bạ để xét tuyển nhưng điều kiện cần là thí sinh đạt 24 điểm ở một trong các tổ hợp mà trường ĐH này xét tuyển như A00 (Toán, Lí, Hóa), D01 (Toán, Văn, Anh)…

Đối với những thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, thí sinh có thể sử dụng một trong số các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ để quy đổi điểm môn ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sau khi quy đổi điểm, thí sinh có thể xác định việc đáp ứng ngưỡng 24 điểm ở trên, tức là nếu chứng chỉ tiếng Anh đã quy đổi được 10 điểm thì thí sinh chỉ cần đạt từ 14 điểm trở lên tổng 2 môn còn lại trong tổ hợp mà thí sinh lựa chọn. Ví dụ, thí sinh lựa chọn tổ hợp D01 thì chỉ cần tổng điểm thi tốt nghiệp THPT môn Toán, môn Ngữ văn đạt 14 điểm là đạt yêu cầu.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT chia sẻ mạng xã hội đang đưa lại nhiều thông tin về đề án cũ, không chính xác so với quy định năm nay do một số trường có điều chỉnh riêng. Thí sinh cần nắm rõ các điều kiện, quy định sơ tuyển đầu vào (nếu có) để tránh việc không đủ điều kiện, dẫn tới đỗ – trượt như nhiều trường hợp phải xử lí các năm trước.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)