Hơn 35 năm trong nghề dạy học, tôi nhận thấy học sinh Việt Nam rất ít khi phản biện, chỉ biết nghe xuôi một chiều mà không có ý kiến ngược lại để vấn đề được rõ hơn. Nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng trên? Theo tôi, có một số nguyên nhân như sau:
Một: Thời lượng bài dạy quy định chỉ gói gọn trong 45 phút (hoặc 90 phút, nếu tiết đôi) nên hầu như không còn thời gian cho sự phản biện. Năm bước lên lớp bắt buộc phải thực hiện (ổn định – kiểm tra sĩ số – trả bài cũ – vào bài mới – củng cố) nên giáo viên cứ thực hiện như cái máy. Hết bước này phải qua bước khác, cứ thế cho hết giờ. Mặt khác, thầy cô cũng ngại khuyến khích học sinh phản biện vì nếu cứ trả lời thì sẽ cháy giáo án, dạy không hết bài, không hết kiến thức mà để qua tiết khác dạy tiếp thì không được.
Hai: Tư duy áp đặt của hướng dẫn dạy trong sách giáo viên, của thầy cô đã… áp đảo, chiếm ưu thế và học sinh chỉ việc nghe và chép bài, về nhà học bài và trả bài vào hôm sau. Nếu có em nào hỏi ngược lại với bài dạy thì thầy cô luôn lấy cái “uy” của mình để áp đảo, bắt buộc học sinh phải hiểu như vậy, không hiểu cách khác, góc độ khác.
Ba: Lối dạy nhồi nhét cùng lối học thụ động nên “không còn chỗ trống” cho học sinh phản biện. Mà có phản biện đi nữa cũng là những câu hỏi và câu trả lời như đã được lập trình sẵn, thiếu sự đào sâu suy nghĩ, thiếu độ chín của vấn đề nêu ra.
Bốn: Học sinh thiếu sự tự tin và sự tự chủ; chưa đủ can đảm làm chủ kiến thức để mạnh dạn đứng lên trình bày chính kiến của mình. Đây là một trong những điểm yếu nhất của học sinh hiện nay. Nhiều khi các em biết, nắm được kiến thức nhưng không dám nói do sự tự ti, nhút nhát, không quen phát biểu trước tập thể.
Năm: Sợ thầy cô “trù dập” vì dám nói, dám tranh luận (mặc dù điều mình nói ra đúng). Có giáo viên vô lớp, không tận dụng 45 phút quý giá mà có những “khúc dạo đầu” về tình hình thời sự trong và ngoài nước nhưng học sinh, dù biết đó là những điều vô bổ, mất thời gian vẫn ngồi chịu trận, không dám có ý kiến. Hoặc phát hiện thầy cô dạy sai kiến thức, trích dẫn thơ văn thiếu chính xác vẫn không lên tiếng.
Sáu: Sợ bè bạn chê cười, chọc quê vì bạn bè cho rằng: những phản biện của mình là muốn “làm nổi”, muốn “tỏ vẻ ta đây học cao hiểu rộng”… Do đó, học sinh chọn cách an toàn là ngồi im “cho nó lành”; có sai sót gì thì về nhà xem lại sau.
Thực trạng học sinh ngại phản biện, lật ngược vấn đề đã làm cho các em trở nên thiếu nhanh nhạy, quyết đoán trong việc giải quyết các tình huống trong lớp cũng như ngoài cuộc sống. Do đó, giáo viên cần tính toán thời gian hợp lý, dự kiến các tình huống phản biện để có cách trả lời, trao đổi với học sinh. Có như vậy giờ dạy mới sinh động và kiến thức sẽ được khắc sâu hơn.
Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)