Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những lý do trẻ không nói với người lớn khi bị bắt nạt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngại trở thành "kẻ mách lẻo", sợ bị trả thù hay lo lắng không ai tin lời mình nói là tâm lý phổ biến của trẻ khi bị bắt nạt. 

Khi trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, trẻ phải chịu nhiều vết thương tâm lý, bao gồm bị sỉ nhục và cô lập. Cảm giác đơn độc ngày càng rõ rệt bởi trẻ thường không nói cho bất kỳ ai những chuyện đang xảy ra.

Đa số trẻ sợ hãi khi bị bắt nạt lần đầu và không biết cách xử lý tình huống. Lý do giữ im lặng rất đa dạng, tùy thuộc vào tính cách và hoàn cảnh của từng nạn nhân. Dưới đây là một số lý do phổ biến. 

Xấu hổ 

Bản chất của bắt nạt là phô trương sức mạnh và khả năng kiểm soát, khiến nạn nhân thấy bất lực hoặc yếu đuối. Đối với nhiều đứa trẻ, chúng không muốn thừa nhận cảm giác này. 

Ngoài ra, nếu bị bắt nạt vì một thứ gì đó mà trẻ vốn nhạy cảm như đặc điểm ngoại hình, trẻ sẽ rất xấu hổ khi nói về nó. Ý tưởng nhấn mạnh về "khiếm khuyết" của mình khi kể lại chuyện với người lớn khiến một số trẻ cảm thấy tồi tệ hơn cả bị bắt nạt.  

Sợ bị trả thù

Thông thường, trẻ nghĩ rằng báo cáo về việc bị bắt nạt sẽ không làm mọi chuyện tốt lên. Thay vào đó, kẻ bắt nạt có thể khiến cuộc sống của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, trẻ thà cố gắng chống chọi một mình. Thậm chí, một số em còn tin rằng nếu tiếp tục giữ im lặng, việc bị bắt nạt sẽ có ngày chấm dứt. 

Ảnh: Medium

Muốn hòa nhập với nhóm bắt nạt

Nhiều trẻ chấp nhận việc bị bắt nạt thường xuyên vì muốn "lấy lòng" những kẻ bắt nạt. Các em xem bắt nạt là một cách để duy trì vị thế trong nhóm, mong được các bạn chấp nhận. Tâm lý này vô tình dung túng cho hành vi xấu tiếp diễn.  

Lo không ai tin tưởng

Nạn nhân của bắt nạt học đường thường là những đứa trẻ cô đơn, nhút nhát, có nhu cầu đặc biệt hoặc có thể thường gặp rắc rối với vấn đề kỷ luật. Những trẻ này sợ người khác cho rằng mình đang bịa chuyện nếu báo cáo về việc bị bắt nạt. Kết quả là các em không thể mở lòng và tiếp tục giữ im lặng.

Không muốn trở thành "kẻ mách lẻo"

Có một số quy tắc bất thành văn liên quan đến nạn bắt nạt. Trong đó, nạn nhân thường sợ bị gọi là "đồ mách lẻo" nên không dám nói với bất kỳ ai.

Cảm thấy mình đáng bị đối xử tệ

Trẻ thường ý thức cao về lỗi lầm của mình. Nếu bị ai đó chú ý và chế nhạo lỗi lầm, trẻ có thể tự động cho rằng mình đáng bị đối xử như vậy. Dù rất tổn thương khi bị trêu chọc, chúng vẫn ngầm đồng ý với kẻ bắt nạt. Điều này thường xảy ra ở những đứa trẻ thiếu lòng tự trọng, không tự tin vào bản thân. 

Không nhận ra hình thức bắt nạt tinh vi

Đôi khi, trẻ chỉ báo cáo về bắt nạt thể chất, vì loại này dễ nhận diện. Đối với những hình thức bắt nạt tinh vi hơn như lan truyền tin đồn, tẩy chay và phá hoại các mối quan hệ, trẻ không nhận thức rõ nên không nói với người lớn.

Nghĩ rằng người lớn muốn trẻ tự giải quyết

Nhiều người lớn kỳ vọng trẻ phải cứng rắn trong các tình huống khó khăn, do đó vô tình gây áp lực, khiến trẻ muốn giấu những chuyện không thể tự giải quyết, sợ người lớn không hài lòng hoặc tức giận. 

Ngoài ra, nhiều trường quá tập trung vào mục tiêu nâng cao thành tích học tập, không quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ hoặc khuyến khích trẻ tự xử lý mọi vấn đề. Điều này có thể gây ra nhiều rắc rối nếu trẻ phải đối mặt với các tình huống tiềm ẩn bạo lực.

Sợ người lớn cấm dùng điện thoại, máy tính

Khi bị bắt nạt trực tuyến, hầu hết trẻ không thừa nhận là nạn nhân vì sợ bị người lớn cấm sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu bố mẹ làm như vậy, trẻ sẽ cảm thấy nhẽ ra không nên nói ra. Bên cạnh đó, bạn vô tình truyền thông điệp sai lệch cho trẻ rằng nạn nhân phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt.

Để giải quyết nạn bắt nạt trực tuyến, bạn cần lưu giữ bản sao các tin nhắn đe dọa, chặn người vi phạm, thay đổi mật khẩu hoặc số điện thoại và báo cáo về sự việc.

Biết được lý do trẻ hiếm khi kể chuyện bị bắt nạt, phụ huynh cần nhạy cảm với các dấu hiệu cảnh báo. Chẳng hạn, trẻ em có thể ám chỉ đến nạn bắt nạt bằng cách nói rằng nhiều bạn thích gây chuyện với con, hoặc chẳng ai chơi với con cả.

Nếu trẻ thú nhận là nạn nhân của bắt nạt học đường, bạn hãy nói rằng bố mẹ tự hào vì con đã can đảm nói ra điều đó. Điều này khuyến khích trẻ đối thoại cởi mở vì luôn được bố mẹ lắng nghe và tin tưởng.

Ngoài ra, bạn hãy kiểm soát cảm xúc của chính mình. Nếu bạn tỏ ra quá xúc động hay giận dữ, trẻ sẽ trở nên căng thẳng. Thay vào đó, bạn nên bình tĩnh thảo luận và lên kế hoạch giải quyết cùng trẻ, giúp trẻ vượt qua cảm xúc tiêu cực.

Thùy Linh (theo Verywell Family)/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)