Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những mối tình xuyên “biên giới”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Hồ Văn Hin, bà Hồ Thị Vền đã sống với nhau hơn 30 năm nay
Từ đỉnh đèo Sa Mù (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nhìn xuống, những bản làng của tộc người Vân Kiều, Pa Kôh (xã Hướng Việt) nhỏ bé giữa đại ngàn. Chúng tôi đến bản Chai – nơi chỉ cách đất bạn Lào một ngọn núi và nửa ngày đi bộ. Căn nhà ông Hồ Văn Hin dựng từ năm 1977 nay đã úa màu thời gian – là chứng nhân cho cuộc băng sông tìm bạn đời của chàng trai người Vân Kiều thuở ấy…
Vượt Sê-băng-hiêng tìm “vợ ngoại”
Những “đêm sim” (tục đi tìm người yêu của người Pa Kôh, Vân Kiều) kiếm vợ được ông Hin kể cho chúng tôi nghe vào một buổi chiều sương buốt quấn mù cả một góc trời đại ngàn. Quê ông Hin ở bản Tà Păng, xã Hướng Lập. Vào những năm 1975-1976, ông tham gia lớp học xóa mù chữ ở thung lũng Cù Bai. Tại đây, ông làm quen rồi kết duyên cùng bà Hồ Thị Vền (tên gọi theo tiếng Lào là Pỉ Voòng). Bà Vền là người gốc Lào theo cha mẹ sang Việt Nam sinh sống.
Trong các lớp học bổ túc như thế ở chốn thâm u, hàng chục mối tình đã được se duyên giữa các cư dân vùng biên giới Việt – Lào. Những đêm ê a cùng con chữ, nơi miền Cù Bai hoang vắng, bà Vền đã cùng ông làm quen từng nét chữ Quốc ngữ. Thuở đó, từ Tà Păng đi đến Cù Bai phải mất cả ngày đi đường. Lội bao nhiêu đèo suối chàng trai Hin cũng không biết mệt để đến được với những đêm sim. Rồi tình yêu giữa hai người đã được xếp đặt khi chàng Hin biết thổ lộ cùng nàng Voòng câu “ai à-bưn xem” (phiên âm theo tiếng Vân Kiều – có nghĩa là anh yêu em).
Ông Hin nhớ mãi: “Lúc Voòng theo cha mẹ về bản Vằng Moòng (xã Pa-băng, huyện Sê-pôn, tỉnh Sa-van-na-khẹt, Lào), mình ngỡ sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Thế rồi, khi lên Hướng Việt xây dựng kinh tế, cái tình nó lại thôi thúc mình sang nước bạn tìm Voòng”. Từ bản Chai qua Vằng Moòng mất 3 giờ đi bộ. Đám cưới của ông Hồ Văn Hin ngày ấy phải mang lễ vật “xuất ngoại”. “Hồi đó, chuẩn bị đủ lễ vật để lấy được vợ người Lào phải có đủ 1 con lợn, 7 con gà, 1 nồi đồng 2 quai, mấy nén bạc trắng, 1 cây kiếm… Đủ lễ vật mới đưa được vợ về”.
Hơn 30 năm chung sống, ông Hin và bà Vền đã có với nhau 7 mặt con. Hỏi về những người ở xã Hướng Việt có vợ nước Lào, ông Hin bảo: “Nhiều lắm, ở bản bên có mấy chục cặp”.
Chúng tôi tìm đến thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, gặp vợ chồng anh Hồ Văn Mi và chị Hồ Thị Lơ. Anh Mi sinh năm 1984, quê gốc ở làng Ho, xã Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Năm 1995, theo bố mẹ vào Hướng Hóa lập nghiệp, Mi cũng đã vượt dòng Sê-băng-hiêng sang đất Lào tìm vợ ở bản A Viêng, xã Ka Lô (Sê-pôn, Sa-van-na-khẹt). Buổi đầu đi “sim”, cái bụng lo lắm, người Lào có tập tục khó cho trai gái tìm hiểu nhau chứ không đơn giản như bên mình. Mỗi lần đi mình chuẩn bị mấy bộ áo quần để thay khi lội suối, một bình rượu ngon để tiếp đãi trai bản Lào” – Mi kể.
Tiếng hát cứ réo rắt, thiết tha bên vách nhà đã làm biết bao trái tim cô gái Lào thổn thức. Rồi Mi về giục bố mẹ mang lễ vật sang làm lễ Chõ-van (lễ “bỏ của” chuẩn bị cưới của người Vân Kiều) cưới cô gái đẹp nhất bản A Viêng lúc ấy. Năm 2004, hai người lấy nhau, cuộc sống của họ đã ổn định, sinh được hai cháu trai bụ bẫm.
Còn nhiều trăn trở

Đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Mi và Hồ Thị Lơ
Ông Hồ Lành – Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho chúng tôi xem một tập danh sách những gia đình có vợ hoặc chồng “ngoại”. Hỏi các gia đình ấy chuyện đăng ký kết hôn, chúng tôi nhận được những câu trả lời rất ngây ngô: “Chẳng biết đăng ký sao, mình đi sim, ưng cái bụng thì cưới thôi”. Ông Lành giải thích: “Thực tế thì họ cưới nhau rất “lặng lẽ”. Chính quyền cũng không biết. Mà muốn biết phải đi về tận cơ sở tìm hiểu, chứ không ai lên xã đăng ký cả”.
Hồ Văn Hùng, cán bộ tư pháp xã Hướng Việt – người dẫn đường chúng tôi, cho biết: “Nhiều cặp lấy nhau một thời gian thấy không hợp nhau lại bỏ. Khi cưới và bỏ nhau cũng lặng lẽ nên chính quyền không can thiệp được vì không có đăng ký kết hôn ở xã”. Nguyên nhân là văn hóa của người Lào và Việt có khu biệt nhau. Khi sống chung, những va chạm về thói quen, cách ứng xử là không tránh khỏi. Mặt khác, tập tục người Pa Kôh, Vân Kiều, đàn ông rất ít khi đụng đến việc nương rẫy, tất cả đều đổ lên vai người phụ nữ nên rất ít trai bản lấy vợ Lào sống hạnh phúc”.
Chúng tôi gặp Hồ Văn San (sinh năm 1987) ở bản Tà Rùng, xã Hướng Việt – người vừa lấy vợ Lào hơn một tháng trước. San bảo: “Có nghe xã vận động kết hôn với người Lào phải đăng ký nhưng mình thấy không khai báo cũng có sao đâu”. San thuộc những trai bản lấy “vợ ngoại” khi tuổi còn khá trẻ và nó đã thành phong trào trong người Pa Kôh, Vân Kiều.
Đằng sau cuộc chung đụng trong đêm “sim” là những mái ấm gia đình được xây dựng lên bởi những chàng trai, cô gái Việt – Lào. Cưới nhau cũng nhiều nhưng bỏ nhau cũng không ít. Bên dòng Sê-băng-hiêng, những hôn nhân như thế vẫn tồn tại…
Bài, ảnh: Trần Thiếu gia

Bình luận (0)