Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là tựa đề cuốn hồi ký của Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, nay là Tổng cục Chính trị CAND.

Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (thứ hai từ phải qua) tại buổi giao lưu

Ký ức nơi “địa ngục trần gian”

Ngay trong buổi giao lưu, giới thiệu do Nhà xuất bản CAND tổ chức tại Trường ĐH An ninh nhân dân (TP.HCM), cuốn hồi ký đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía độc giả. “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” kể về quãng thời gian 5 năm ở Côn Đảo, những ký ức về năm tháng nơi “địa ngục trần gian”. Cuốn sách do nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim chắp bút.

15 tuổi, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã tham gia hoạt động cách mạng. Lớn lên từ cái nôi truyền thống yêu nước là quê hương Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông đã thể hiện rõ khí phách của người lính anh dũng, trung kiên. Năm 1969, ông được cử vào vùng địch ở quận lỵ Phước An, tỉnh Đắk Lắk để xây dựng cơ sở.

Suốt chiều dài 198 trang của cuốn hồi ký, độc giả sẽ cảm nhận được phần nào quãng đời đầy gian khó nhưng oanh liệt, tự hào mà Trung tướng Châu Văn Mẫn đã đi qua. Cuốn hồi ký được chia thành nhiều phần: Quê hương, Tuổi thơ nghèo khó và lam lũ, Tha hương, Hoạt động bí mật, Bị đày ra Côn Đảo, Trở về quê hương sau 5 năm xa cách…

Tại buổi giới thiệu tác phẩm này, Trung tướng Châu Văn Mẫn và một số đồng đội – các cựu tù Côn Đảo đã có buổi giao lưu, trả lời câu hỏi về sự ra đời của cuốn hồi ký cùng những ngày tháng hoạt động cách mạng với gần 500 đại biểu – cán bộ công tác trong lực lượng công an, cựu tù Côn Đảo và học viên Trường ĐH An ninh nhân dân. Sự chia sẻ thân tình, gần gũi của ông cùng đồng đội đã giúp độc giả hiểu thêm về quá khứ hào hùng của dân tộc. Những người lính như Trung tướng Châu Văn Mẫn đã bao lần kề cận cái chết nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan cách mạng, vượt lên nghịch cảnh để chiến đấu và chiến thắng, trở về xây dựng quê hương đất nước.

Lưu giữ cho đời sau

Nhà thơ – nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim khi chắp bút cho “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” đã dùng hết tâm sức của mình để ghi lại cuộc đời của vị Trung tướng anh hùng, với mong muốn như sự tri ân những giá trị vững bền mà các thế hệ nối tiếp có trách nhiệm cần phải lưu giữ. Cuốn hồi ký càng có ý nghĩa hơn khi được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2017). “Ông là một chứng nhân trong giai đoạn bi tráng, hào hùng của dân tộc. Trong con người ông có cả một nguồn “tư liệu sống” phong phú và sinh động mà thế hệ trẻ chúng tôi thấy cần phải ghi chép để lưu dấu lại cho đời sau. Và từ nguyên cớ đó, cuốn sách “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” đã ra đời”, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ.

Nhà thơ – nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim khi chắp bút cho “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” đã dùng hết tâm sức của mình để ghi lại cuộc đời của vị Trung tướng anh hùng, với mong muốn như sự tri ân những giá trị vững bền mà các thế hệ nối tiếp có trách nhiệm cần phải lưu giữ. Cuốn hồi ký càng có ý nghĩa hơn khi được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2017).

Trung tướng Châu Văn Mẫn đã dành nhiều chia sẻ về ngày 30-4-1975 lịch sử. “Ngày 30-4, 1-5 sắp đến, lúc này do địch xáo trộn liên tục nên bộ máy của chi ủy, Đảng ủy không có, từng phòng một số anh em nòng cốt hội ý tiếp tục phát huy truyền thống trại 6B phải tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động qua đánh morse liên lạc, 3 phòng đều nhất trí làm lễ vào lúc 5 giờ sáng ngày 1-5. Đúng 5 giờ sáng, hiệu lệnh của người chỉ huy hô lớn “Anh em tập trung mắt hướng về phía Bắc làm lễ chào cờ”, tiếng hát “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng tiến bước…” dứt bài ca đồng chí đại diện đã nêu lên ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động và kết thúc bằng tràng vỗ tay vang dội giữa không gian yên tĩnh…” – những dòng hồi ức của ông như đưa người đọc trở về thời khắc của năm ấy.

Tiến sĩ sử học Bùi Văn Toản, cựu tù Côn Đảo chia sẻ: “Tôi từng có thời gian bị bị bắt giữ ở Côn Đảo cùng Trung tướng Châu Văn Mẫn. Tôi cảm phục người đồng chí của mình ở sự kiên nhẫn, lòng anh dũng. Những năm tháng khó khăn ấy, chúng tôi chia nhau từ miếng cơm cháy đến bát nước để uống. Những lá thư Châu Văn Mẫn gửi về nhà lúc nào cũng nhắn gia đình gửi thuốc men để chia cho đồng đội. Chốn lao tù, tình đồng chí của chúng tôi được nuôi lớn từng ngày”.

Trọng trách mà Trung tướng Châu Văn Mẫn gánh vác trước khi nghỉ hưu là Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Bộ Công an. Hiện nay, dù tuổi đã cao, mang trong mình nhiều di chứng do chiến tranh để lại nhưng Trung tướng Châu Văn Mẫn vẫn dành nhiều thời gian để đi tìm thăm lại đồng đội cũ. Những kí ức về năm tháng nơi “địa ngục trần gian”, những gian nan của một con người từ những ngày thơ bé cho đến lúc lớn khôn, trưởng thành và thành công trong sự nghiệp, trong cuộc sống… đã được ông chắt lọc, lưu dấu vào “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo”.

Bài, ảnh: Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)