Một gia đình có tới 3 người con tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam vẫn sống dư dả với 2ha điều, cà phê màu mỡ. Một cô gái trẻ mang di chứng dioxin, chưa một lần được đến trường, hè đến vẫn mở lớp dạy thêm cho các em nhỏ…
Về ấp Mười Tám Gia Đình, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, hỏi nhà anh chị Nguyễn Ngọc Vinh, Trương Thị Mị ai cũng biết dù ở đây không có số nhà, chẳng có tên đường, dân cư thưa thớt. Bởi một lẽ đơn giản: gia đình ấy rất đặc biệt!
Đặc biệt vì đó là một gia đình phải chịu nỗi đau quá lớn: 3 đứa con tật nguyền vì di chứng chất độc da cam. Ông Đỗ Thắng Phiên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Long Khánh, cho biết: “Đây là gia đình có nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất thị xã”.
Một điểm đặc biệt nữa là dù có đến 3 người con tật nguyền, bất hạnh, bệnh tật liên miên nhưng gia đình anh Vinh, chị Mị vẫn có của ăn, của để.
Hai trong 3 đứa con tật nguyền của cô Mị
Chị Mị cho biết: “Sau khi anh Vinh rời quân ngũ, về nhà được mấy năm thì chị sinh liền ba đứa bị dị tật là cháu Nguyễn Thị Hà (1993), Nguyễn Ngọc Long (1994), Nguyễn Thị Như Ý (1998)”.
Dù vậy, anh chị vẫn không cạm chịu kiếp nghèo khổ, quyết tâm rời quê hương vào Nam lập nghiệp. Đến nay, ngoại trừ 3 con bị tật ở với anh chị, 5 đứa con lành lặn khác đều đã khôn lớn và lập gia đình. Nhà cửa cũng được xây dựng khang trang, còn gần 2 ha tiêu, cà phê cho thu nhập khá, đủ cho gia đình sống dư dả.
*
Ghé ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM, hỏi chuyện các cô cậu học trò lứa tuổi 10 – 15 hiếm em không biết đến cô bé Huỳnh Thanh Thảo (sinh năm 1986) dù Thảo rất ít ra đường. Thảo ít ra đường vì em bị liệt cả 2 chân, cả người teo rút lại do di chứng chất độc da cam. Thế nhưng nhiều em học trò biết đến Thảo vì em là “cô giáo nhỏ” của hầu hết các em trong xóm, ấp của mình.
Lớp học của cô giáo nhỏ mang di chứng dioxin.
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết cô giáo nhỏ ấy chưa từng được một lần cắp sách đến trường. Nhưng với lòng say mê học tập, em đã nhờ anh chị dạy cho mình học. Khi biết chữ rồi thì Thảo nhờ người nhà mua sách về tự học. Đến nay, trình độ của em đã đạt tương đương cấp 2. Nhiều năm qua, hè nào em cũng mở lớp học thêm dạy cho các em học sinh cấp 1 trong xóm.
Em vui vẻ khoe: “Đến nay, những lứa học sinh đầu tiên có em đã lên cấp 3, còn cao hơn cô Thảo nhiều!”.
Ngoài dạy học, Thảo còn làm thơ, viết văn. Em cũng có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo, đọc trên chương trình phát thanh. Em còn tham gia một số chương trình truyền hình, đặc biệt là làm MC trong các chương trình giao lưu về người khuyết tật.
Sắp tới, em còn có mơ ước “có thể chạm tay vào thế giới công nghệ”. Em cho rằng, thế giới công nghệ sẽ phù hợp với sức khoẻ và tình trạng tật của em. Vả lại, nếu không sống được bằng nghề này thì em cũng có thể tiếp cận được lượng kiến thức khổng lồ từ mạng internet.
Dù thân thể có nhiều khiếm khuyết nhưng Thảo vẫn tự tin, vui sống.
Dù khuyết tật, Thảo chưa từng có cảm giác tự ti về vẻ ngoài của mình. Em rất dễ làm quen với mọi người, dù chỉ mới gặp lần đầu. Một thú vui lớn khác của em ngoài việc học và dạy học là viết thư làm quen với bạn bè cả nước. Em khoe chồng thư to tướng của mình rồi nói: “Hầu như tỉnh nào em cũng có bạn. Bạn khuyết tật cũng có, mà bạn không khuyết tật cũng có”.
Nhưng suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, Thảo chưa từng một lần dám thổ lộ ước mơ về tình yêu, về gia đình. Nỗi đau màu da cam, khó có niềm tin nào bù đắp nổi.
Tùng Nguyên (dantri)
Bình luận (0)