Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những nẻo đường băng đĩa lậu: Kỳ 1: Đĩa lậu lên kệ nhà sách

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên tìm mua đĩa tại một nhà sách trên địa bàn Q.6, TP.HCM (ảnh chụp ngày 19-7)

Việc đĩa lậu được bày bán tràn lan trên khắp các ngả đường, góc phố dường như đã… xưa lắm rồi. “Mốt” của những nhà sản xuất đĩa lậu hiện nay là làm thế nào để đưa sản phẩm này lên các kệ nhà sách lớn tại TP.HCM. Và thực tế họ đã thành công ngoài mong đợi khi các nhà sách tiếp tay một cách rất… nhiệt tình.
Đĩa lậu thuộc nhiều thể loại khác nhau như nhạc, phim hoạt hình, hài kịch, đĩa phục vụ nhu cầu học Anh văn, vi tính, các đĩa phần mềm thông dụng được bày bán công khai với giá không hề rẻ khiến nhiều người lầm tưởng đây là đĩa gốc, đĩa xịn. Đến khi mua về, khách hàng mới hỡi ôi bởi mình phải trả cái giá khá cao cho những sản phẩm hạng thường.
Đĩa “2 không” nằm la liệt trên kệ nhà sách
Tại các nhà sách có tiếng của thành phố như P.N (Q.10), Fhs (Q.1), T.L (Q.1), L.Đ.H (Q.11), M.K (Q.3)…, người mua dễ dàng nhìn thấy đĩa lậu được trưng bày trên kệ. Những loại đĩa “2 không” này (không tem bản quyền, không rõ nơi sản xuất) được xếp xen lẫn bên cạnh các đĩa có tem kiểm định và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với cách sắp xếp “úp úp mở mở” như thế này, các nhà sách đã “lừa” được không ít khách hàng dễ tính.
Điểm thu hút khách hàng của những nhà sách là dòng sản phẩm băng đĩa độc quyền phục vụ cho lĩnh vực giáo dục. Tại đây, các loại đĩa phục vụ cho nhu cầu học tập khá đa dạng về thể loại, hình thức và giá cả. Các loại đĩa học tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao như Streamline, Linelife, New interchange, Headway, Toice, Toefl, Let’s go, Let’s Talk, Go go… được bán với mức giá dao động từ 9.000 đ/đĩa đến 30.000 đ/đĩa. Ngoài ra, còn có rất nhiều đĩa học vi tính hay cài phần mềm với giá tương tự.
Rảo quanh hai khu chuyên cung cấp đĩa học Anh văn, vi tính và các phần mềm chuyên dụng nổi tiếng tại thành phố (Nguyễn Văn Cừ, Q.5 và Bùi Thị Xuân, Q.1), chúng tôi nhận thấy, đĩa lậu phục vụ cho nhu cầu học tập ở đây vô cùng phong phú với giá rẻ không tưởng – 6.000 đ/đĩa. Nhiều đĩa học ngoại ngữ các loại (Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn…) được tích hợp cùng lúc khá nhiều CD, VCD, DVD (có khi nén 5 thành 1), do đó, nếu tính chi tiết, giá đĩa ở đây rẻ hơn tại nhà sách đến 9 lần.
Khi được hỏi tại sao những đĩa học tiếng Anh ở đây không dán tem bản quyền, có phải là đĩa sao chép không, một nhân viên của Nhà sách Lê Đại Hành (Q. 11) không ngần ngại đáp: “Đĩa này sao lại nhưng được nhập từ trung tâm về cả”. Chúng tôi ngẩn người, không hiểu trung tâm này ở đâu và là trung tâm gì? Chúng tôi lấy hai đĩa Nghe hiểu tiếng Anh (VCD) và Tiếng Anh giao tiếp (CD) bỏ vào máy tính mở thử mới phát hiện đĩa bị ngừng liên tục. Bực bội, tôi ngỏ ý muốn mua đĩa gốc, anh nhân viên trả lời một cách rất dứt khoát: “Bói đâu ra đĩa gốc vậy bạn?”.
Với nhiều người tiêu dùng thì hầu như họ tin tuyệt đối vào chất lượng hình ảnh cũng như âm thanh của các loại đĩa bán tại các nhà sách. “Tôi hay đến đây mua đĩa học tiếng Anh cho mấy đứa cháu. Mặc dù không biết những loại đĩa này xuất xứ từ đâu nhưng chỉ cần được bày bán trong nhà sách là tôi thấy yên tâm rồi” – chị Nguyễn Thị Phụng (đường Lê Đại Hành, Q.11) cho biết.
Lấy mác nhà sách để bán giá cao
Có cung thì ắt có cầu. Ai cũng muốn được sở hữu những sản phẩm tốt nhất, nhưng rõ ràng vấn đề kinh tế luôn làm người ta phải suy nghĩ, đắn đo. Các loại đĩa học tiếng Anh, đĩa phần mềm tin học nếu là đĩa gốc thường có giá rất đắt so với thu nhập của chúng ta (từ mấy chục đến mấy trăm USD/cái). Không những thế, đĩa gốc nhiều khi rất khó mua, có khi còn hiếm hàng nên giới sinh viên, học sinh thường chọn đĩa lậu, sao chép nhiều lần dù chất lượng thấp hơn nhưng giá thành dễ chấp nhận.
Tại các nhà sách lớn trên địa bàn thành phố, khách vào xem đĩa đã ít, người chọn mua đĩa gốc lại càng ít hơn. Cụ thể như tại Nhà sách Lê Đại Hành (Q.11), đứng hơn 20 phút cũng chỉ có mình chúng tôi. Nhiều loại đĩa cũ được chất đống phía dưới, sờ vào thấy nhám ở tay vì bụi bám lâu ngày. Tại khu vực trưng bày đĩa ca nhạc có tem của Cục Biểu diễn nghệ thuật và đĩa tiếng Anh cho thiếu nhi bản quyền Phần mềm sinh viên học sinh của Nhà sách Phương Nam (Q.10), thỉnh thoảng mới có người ghé qua xem. Tình trạng này cũng được lặp lại ở Nhà sách Thăng Long (Q.1) khi cả buổi tối chỉ có lèo tèo vài người khách vào tham quan tại khu vực bán đĩa. Người mua tập trung chủ yếu vào những loại đĩa lậu được bày biện “trịnh trọng” trên kệ mà sẵn sàng “bỏ rơi” đĩa gốc. Thấy chúng tôi mải loay hoay giữa một rừng đĩa, nhân viên của Nhà sách Thăng Long vui vẻ hỏi: “Em muốn chọn đĩa gì?”. “Đĩa karaoke tiếng Anh”, chúng tôi vui vẻ đáp. “Hết hàng rồi, cái đó bán chạy lắm!”. Bán chạy cũng phải thôi bởi so với mặt bằng chung của những loại đĩa được bày bán tại đây, đĩa karaoke đó được liệt vào danh sách “mềm” với giá 16.000 đ/VCD. Thế nhưng, nếu so sánh cụ thể, tại sao khách hàng lại chấp nhận mức giá cao gấp 3 lần so với bên ngoài để mua một sản phẩm cùng chất lượng? Đó chính là nhờ vào cái “mác” nhà sách. Người mua cảm thấy yên tâm vì ít ra theo họ, nhà sách bao giờ cũng đáng tin hơn. Để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”, các nhà sách không ngần ngại đặt lên kệ những sản phẩm sao chép và ngang nhiên coi đó là một hình thức mua bán hợp pháp!
Chủ cửa hàng photocopy Tân Cửu Long tại số 217 đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5 (nơi chuyên bán đĩa học Anh văn, vi tính, đĩa phần mềm giá rẻ cho sinh viên) tâm sự: “Lúc trước chị bán nhiều hàng lắm nhưng bị phạt và tịch thu máy nhiều lần quá nên giờ hạn chế rồi. Mỗi lần bị phạt phải bỏ ra gần 20 triệu đồng chứ có ít ỏi gì đâu”. Những cửa hàng nhỏ lẻ như thế này thường xuyên bị kiểm tra, phạt hành chính, tịch thu hàng hóa, máy móc, vậy tại những nhà sách lớn của thành phố, tình trạng kinh doanh băng đĩa lậu sẽ được giải quyết theo hướng nào?
Tiểu Di – Mỹ Dung

Bình luận (0)