Điện thoại thương hiệu Việt bán ở siêu thị Viễn Thông A, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Vài năm gần đây thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) VN ồ ạt xuất hiện các nhãn hiệu điện thoại mới lạ như Mobell, Q-Mobile, ConnSpeed, Bavapen, F-Mobile, MobiStar… Trong đó, nhiều nhãn hiệu Việt của doanh nghiệp Việt nhưng lại xuất xứ từ “dế” Trung Quốc.
Với vô số linh kiện siêu rẻ được sản xuất từ các công ty Trung Quốc, việc sản xuất ĐTDĐ hiện nay khá dễ dàng khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đổ xô đi làm ĐTDĐ.
Nở rộ thương hiệu Việt
Trong những nhãn hiệu kể trên, ConnSpeed được Công ty Á Mỹ giới thiệu vào cuối năm 2007. Máy tập trung vào những tính năng phổ biến như nghe nhạc, chụp hình, kết nối Bluetooth, hai sim, hai sóng… Giá bán nhắm vào người dùng bình dân với mức 1-3 triệu đồng. Q-Mobile là thương hiệu của Công ty ABTel. Q-Mobile được công bố là sự kết hợp linh kiện từ nhiều công ty tại Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhãn hiệu Bavapen thuộc Công ty Thành Công Mobile.
Gần đây nhất là sự xuất hiện nhãn hiệu MobiStar của P&T Mobile vào đầu tháng 5 và F-Mobile của FPT vào đầu tháng 6 vừa qua. Các sản phẩm đầu tiên của hai thương hiệu này đều nhắm vào người dùng bình dân với mức giá dưới 2 triệu đồng.
Những dự án “đắp mền”
Thật ra những sản phẩm và dự án sản xuất ĐTDĐ thương hiệu Việt đã có từ khá lâu nhưng đều thất bại. Ngay từ năm 2003, một thương hiệu ĐTDĐ của VN đã xuất hiện với tên gọi V-Fone nhưng nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Năm 2004, Công ty VinaMobi ra đời với hi vọng sản xuất những chiếc điện thoại “made in Vietnam” đầu tiên. Nhưng đến bây giờ hi vọng đó vẫn chỉ nằm trên giấy dù đã tốn khá nhiều tiền của và công sức của những người làm.
Đến năm 2005, Công ty cổ phần thiết bị bưu điện Postef (trực thuộc VNPT) tiếp tục công bố kế hoạch sản xuất ĐTDĐ. Hi vọng lại được thắp lên khi Postef tuyên bố sẽ sản xuất điện thoại giá rẻ chưa đến 20 USD. Công ty dự tính lô hàng đầu tiên sẽ ra mắt thị trường vào năm 2006 nhưng mãi đến giờ vẫn chưa thấy đâu.
Đặc điểm chung của các ĐTDĐ thương hiệu Việt này là có khá nhiều tính năng giải trí phổ biến: nghe nhạc, xem video, chụp ảnh, kết nối Bluetooth… Một số được trang bị thêm những tính năng cạnh tranh cao hơn như: cảm ứng, hai sim, hai sóng, xem tivi. Mẫu mã thiết kế khá đa dạng nhưng cũng có nhiều sản phẩm khá giống nhau dù khác thương hiệu. Giá bán thuộc vào loại siêu rẻ với mức giá chủ yếu thấp hơn 2 triệu đồng.
Ông Lê Văn Sử, giám đốc kinh doanh điện thoại F-Mobile, cho biết: “Chúng tôi nhắm đến người dùng có thu nhập trung bình, học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng và người sử dụng máy thứ hai”.
Chủ yếu là made in China
Qua tìm hiểu, hiện vẫn chưa có sản phẩm ĐTDĐ thương hiệu Việt nào sản xuất theo đúng quy trình để dán nhãn “made in Vietnam”.
Đại diện một doanh nghiệp lý giải rằng để sản xuất ĐTDĐ cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất với nguồn vốn lớn. Ngay cả khi có dây chuyền mà không sản xuất số lượng lớn liên tục thì chi phí sẽ bị đẩy lên rất cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao và không thể cạnh tranh được. Trong khi đó Trung Quốc có rất nhiều nhà máy gia công có thể sản xuất số lượng linh kiện lớn với giá rẻ. Do vậy, doanh nghiệp đặt hàng tại các nhà máy sản xuất này sẽ giảm được chi phí sản xuất khá lớn. Một số doanh nghiệp cũng muốn mở nhà xưởng lắp ráp ở VN, nhưng vì thuế nhập linh kiện lại cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc nên khó cạnh tranh nổi với các hãng lớn khác.
Theo ông Lê Quang Vu – phó tổng giám đốc Công ty Viễn Thông A, hầu hết ĐTDĐ nhãn hiệu Việt đều có xuất xứ từ Thâm Quyến, Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), nơi có rất nhiều nhà sản xuất OEM (Original Equipment Manufacturer – có thể hiểu là sản xuất sản phẩm thô). Doanh nghiệp chỉ việc chọn mẫu mã thiết kế có sẵn, mua lại các linh kiện hoặc mua luôn các sản phẩm thô này và đặt nhà sản xuất in nhãn mác, thương hiệu của mình lên đó rồi nhập về nước để bán ra thị trường.
Việc đặt hàng như vậy khiến các doanh nghiệp không thể can thiệp bất cứ điều gì về sản phẩm từ tính năng, kiểu dáng đến chất lượng. Nhiều thương hiệu ĐTDĐ từng có những sản phẩm giống hệt nhau cũng từ lý do này. “Chẳng hạn hôm nay có một dòng điện thoại của B bán được thì đúng một tuần sau xuất hiện sản phẩm tương tự nhưng với tên W”.
Việc đặt hàng OEM cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Các hãng lớn như Nokia, Sony-Ericsson… cũng làm tương tự nhưng cấp độ lựa chọn linh kiện rất cao. Còn hình thức được nhiều doanh nghiệp VN lựa chọn là cấp độ thấp nhất, tức lựa chọn linh kiện có sẵn rồi gắn thương hiệu mình vào (nếu chọn cấp độ cao hơn sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao). Nói đúng hơn đây là điện thoại của Trung Quốc (người dùng hay gọi là “điện thoại tàu” hay “dế tàu”) gắn thương hiệu VN.
Theo Nam Hưng – Đức Thiện / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)