Số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu tổng quát về sách Ngữ văn 10, trong số này xin giới thiệu sách Ngữ văn 7.
Bìa sách Ngữ văn 7
Thứ nhất, bìa sách: Tập 1, minh họa hình ảnh hai nhân vật trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, văn học Việt Nam; tập 2, minh họa hình ảnh mẹ con trong bài “Mây và sóng” của Tagore, văn học nước ngoài. Thứ hai, cấu trúc sách: Tiếp tục như sách Ngữ văn 6, sách Ngữ văn 7 dựa trên trục thể loại và kiểu văn bản có kết hợp với nội dung đề tài, chủ đề để tổ chức các bài học. Dựa vào thể loại và kiểu văn bản để hình thành cách đọc, cách viết; tức hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học. Chú ý đến nội dung, đề tài để lựa chọn các văn bản đọc cho phù hợp và từ đó mà giáo dục, bồi dưỡng tình cảm, phát triển phẩm chất. Thứ ba, theo Chương trình Ngữ văn 2018, sách Ngữ văn 7 tập trung dạy đọc ba loại văn bản lớn: Văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học dạy cách đọc các thể loại gồm: Tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung (truyện ngắn, tiểu thuyết), thơ nói chung (trong đó có thơ 4-5 chữ do yêu cầu tập làm thể thơ này ở kỹ năng viết), tùy bút, tản văn. Văn nghị luận dạy đọc các bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với yêu cầu vừa nêu, ngoài bài mở đầu và phần phụ lục các bảng biểu, sách Ngữ văn 7 có 10 bài học, chia làm 2 tập, mỗi tập 5 bài, cụ thể như sau: Tập 1 gồm bài 1: Truyện ngắn và tiểu thuyết; bài 2: Thơ (4 chữ và 5 chữ); bài 3: Truyện khoa học viễn tưởng; bài 4: Văn bản nghị luận văn học; bài 5: Văn bản thông tin (thuyết minh một quy tắc, luật lệ). Tập 2 gồm bài 6: Truyện ngụ ngôn và tục ngữ; bài 7: Thơ (tự do); bài 8: Nghị luận xã hội; bài 9: Tùy bút và tản văn; bài 10: Văn bản thông tin (thuyết minh một quy tắc, luật lệ). Thứ tư, trên cơ sở hệ thống các văn bản của 10 bài học, Ngữ văn 7 tổ chức rèn luyện các yêu cầu về viết và nói – nghe theo hướng tích hợp giữa các kỹ năng này. Nội dung viết và nói – nghe gắn với nội dung của các văn bản đọc hiểu. Về kiểu văn bản trong kỹ năng viết, Ngữ văn 7 tập trung rèn cách viết các kiểu bài: Kể lại một sự việc có thật liên quan đến sự kiện lịch sử; làm thơ 4-5 chữ, viết đoạn văn ghi lại cảm xúc khi đọc thơ 4-5 chữ; viết bài biểu cảm về con người, sự việc; phân tích đặc điểm nhân vật; nghị luận về một vấn đề của đời sống; thuyết minh một quy tắc, luật lệ; viết bản tường trình. Nói và nghe bám sát các nội dung đọc và viết để rèn luyện các kỹ năng như: Trình bày ý kiến, trao đổi về một vấn đề; thảo luận nhóm về một vấn đề; thuyết minh, giải thích một quy tắc, luật lệ; kể lại một truyện ngụ ngôn; nghe và tóm tắt ý chính của người nói… Thứ năm, cấu trúc mỗi bài học trong sách Ngữ văn 7 giống như sách Ngữ văn 6, gồm các phần mục lớn là: Yêu cầu cần đạt; kiến thức ngữ văn; đọc hiểu văn bản; thực hành tiếng Việt; thực hành đọc hiểu; viết, nói và nghe; tự đánh giá và hướng dẫn tự học. Trong đó thực hiện trên lớp chủ yếu là các hoạt động đọc hiểu, thực hành tiếng Việt, viết, nói và nghe. Thứ sáu, mỗi bài có 12 tiết trên lớp, mặc dù có gợi ý về thời lượng, nhưng giáo viên được tự chủ và linh hoạt trong phân bổ thời gian. Vì dạy cách đọc theo thể loại nên có thể chỉ dạy 1-2 văn bản chính kỹ, còn lại hướng dẫn học sinh tự đọc, tự làm hoặc nếu bài này thấy học sinh đã hiểu thì chuyển sang bài khác; không phụ thuộc vào biên chế giờ cho từng bài; không sợ hết giờ mà chưa hết bài và ngược lại. Mục tiêu là học sinh hiểu bài và biết vận dụng, thực hành, làm được, không chạy theo số lượng… Ngoài ra, sách Ngữ văn 7 có từ 8-10 tiết dự phòng để giáo viên sử dụng vào những bài dài và khó. Thứ bảy, các văn bản nghị luận văn học ở sách Ngữ văn 7 sử dụng bài viết về những tác phẩm đã học nhằm mục đích vừa học cách đọc văn bản nghị luận văn học, vừa giúp củng cố, làm rõ hơn các văn bản đã đọc hiểu bài trước. Đây cũng là thực hiện giảm tải, tạo điều kiện dạy và học kỹ văn bản ở phần đọc hiểu. Thứ tám, kế thừa và bổ sung, phát triển là một trong những nguyên tắc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Vì thế sách Ngữ văn 7 đã lấy lại một số văn bản trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành, đồng thời bổ sung khá nhiều văn bản mới, do yêu cầu của thể loại và kiểu văn bản mới của chương trình 2018.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)