Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những ngành học “cầu” nhiều nhưng “cung” ít

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh được chuyên viên tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Mê Tâm

Do tâm lý của thí sinh (TS) chỉ muốn thi vào những ngành “hot” nên hàng năm thường xảy ra tình trạng có những ngành nghề dù nhu cầu lao động rất lớn, nhưng khi tuyển đầu vào lại rất khó. Dự báo kỳ tuyển sinh ĐH, CĐÐ năm nay vẫn xảy ra tình trạng trên.
Ít cạnh tranh “đầu vào”
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia tuyển sinh, kỳ thi tuyển ĐH, CĐ năm 2010 vẫn giống như năm 2009: những ngành nghề thu hút nhiều TS dự thi nhất đều tập trung vào các ngành khối kinh tế như ngân hàng, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh… Bên cạnh đó những ngành mà nhiều trường phải thường xuyên bổ sung nguyện vọng (NV) 2, 3 mới tuyển đủ TS, dù những ngành này luôn “hút” nhân lực, đặc biệt trong những năm sắp tới. “Tình trạng này có ở rất nhiều trường, kể cả những trường ở “top” trên. Nhiều ngành được doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm, “cầu” lớn nhưng “cung” lại gặp một số khó khăn. Có một nghịch lý là nguồn lao động luôn thiếu trong khi… hệ số chọi của những ngành này liên tục thấp, thường xuyên phải xét tuyển NV 2, 3. Chẳng hạn mức “cầu” về lao động của ngành chế biến lâm sản, chế biến thủy sản của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM rất lớn nhưng thí sinh thì cứ suy nghĩ rằng học 2 ngành này là phải… lên rừng, xuống biển (!). Và thế là… ngán không dám đăng ký học” – Th.S Trần Đình Lý – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nói.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, những nhóm ngành như nông – lâm – thuỷ sản, đóng tàu, cơ khí, bảo hiểm… trong những năm tới còn tiếp tục khan hiếm nhân lực. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, các ngành chế biến lâm sản, chế biến thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, cơ khí nông lâm, nuôi trồng thủy sản… đều rất dễ xin việc sau khi ra trường, nhưng trong những năm qua, tỷ lệ TS nộp hồ sơ thi tuyển vào các ngành khác rất thấp. Năm nào trường cũng phải tuyển thêm NV2, như ngành chế biến thủy sản hàng năm phải tuyển xấp xỉ 40–50% chỉ tiêu NV2. Ngay cả những trường thuộc hàng “top” như ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn có những ngành khó tuyển sinh như: công nghệ vật liệu, thủy lợi – thủy điện, vật liệu và cầu đường xây dựng, trắc địa, cơ kỹ thuật, vật lý kỹ thuật… Điểm chuẩn của các ngành này tương đối thấp, chỉ dao động ở mức 17 – 18 điểm. Còn nhóm ngành y dược, những ngành học như: y tế công cộng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền, điều dưỡng… cũng rất ít TS đăng ký dự thi. Phần lớn những ngành này đều có “đầu ra” rất tốt, có không ít sinh viên có việc làm ngay từ khi còn đi học, thế nhưng hầu hết TS chỉ thích đăng ký theo học ngành bác sĩ.
Thực tế cho thấy có nhiều ngành nghề liên tục thiếu lao động trong những năm qua, nhưng số lượng TS đăng ký dự thi vào những ngành này rất thấp, thường xuyên phải bổ sung NV2, NV3 như ngành kinh tế – quản lý công, hệ thống thông tin quản lý, kinh doanh nông nghiệp…
Ngành luôn “khát” nhân lực
Th.S Trần Đình Lý cho biết, trong những năm qua, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tiếp nhận nhiều yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chủ yếu là những ngành nghề nông – lâm – thủy sản nhưng không tìm đủ người, mặc dù mức lương rất cao. Đặc biệt, ngành cơ khí chế biến nông sản – thực phẩm là một trong những ngành đào tạo truyền thống của trường. Từ năm 1998 đến nay đã có 500 sinh viên tốt nghiệp và 100% sinh viên đều có việc làm ngay sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu rất lớn cho thị trường lao động và sẽ còn “hút” nhân lực trong tương lai. Thế nhưng những năm qua, trường vẫn gặp nhiều khó khăn cho đầu vào khi TS không mấy quan tâm đến ngành này. Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội TP.HCM, dự báo trong những năm tới, các ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh như: Dịch vụ bán lẻ, tài chính, du lịch, bảo hiểm… Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của Việt Nam như cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… cũng sẽ tiếp tục thu hút người lao động. Các ngành về nông – lâm – ngư nghiệp dù rất khó chiêu sinh, nhưng trong tương lai, nhóm ngành này sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn nên sẽ gia tăng cơ hội việc làm.
Th.S Trần Đình Lý cho biết thêm, trong năm qua, nhiều công ty chế biến gỗ xuất khẩu, thủy sản xuất khẩu ở ngay tại TP.HCM cũng đã rao tuyển nhiều lần với số lượng lớn, nhưng vẫn không đủ, đến nỗi họ phải “đặt hàng” nhà trường đào tạo, họ sẵn sàng trả chi phí cao… nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu!
Nguyên Hải

Bình luận (0)