Có nhiều điều thú vị, bất ngờ từ những ngành học như công tác xã hội hay thú y.
Nhân viên CTXH tại TP.HCM hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật – Ảnh: Như Lịch
|
Kinh tế phối hợp với công tác xã hội
Nguyễn Thị Ngọc Hân, sinh viên khóa đầu tiên học ngành công tác xã hội (CTXH) tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, thắc mắc: “Học nghề này ra trường có khó tìm việc? Môi trường làm việc ra sao?”. Sinh viên tên Duyên tiếp lời: “Tụi em cần có những kỹ năng nào để làm được công việc này?”…
Bà Lương Hồng Loan, Nhóm CTXH Cây Mai, cho rằng ngành này vẫn còn là một ngành mới và “hot” tại VN, nên nhu cầu về nguồn nhân lực CTXH khá cao. Theo bà Loan, sinh viên nên tham gia nhiều hơn những dự án xã hội, những câu lạc bộ, đội nhóm trong những trường ĐH, CĐ để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động CTXH.
Bà Lê Thiên Hương, nguyên Vụ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Phó chủ tịch Hội Nghề CTXH VN, cho biết ngành LĐ-TB-XH nói chung cũng như các trung tâm bảo trợ xã hội nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục tuyển dụng nhiều nhân viên CTXH. Nhắn nhủ với các sinh viên, bà Thiên Hương nói: “Điều quan trọng hiện nay với các em là phải cố gắng học. Ngoài các kỹ năng về CTXH, nếu các em trang bị tốt thêm ngoại ngữ thì không phải lo khó kiếm việc làm”.
Thạc sĩ người Mỹ Grace Mishler (cán bộ phát triển dự án CTXH tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng người làm CTXH cần có một số kỹ năng như lắng nghe, đồng thời biết xây dựng hệ thống làm việc với gia đình và cá nhân, nắm bắt các chính sách để có thể hỗ trợ cho thân chủ. Bên cạnh đó, họ phải biết đánh giá tác động môi trường đối với đời sống con người; cách tìm kiếm nguồn hỗ trợ, nguồn lực trong công việc…
Hiện nay nhiều trường kinh tế có đào tạo thêm ngành này. Chị Đỗ Ngọc Thảo vốn là một sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, nay làm việc ở Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cho biết: “Những kiến thức về kinh tế giúp tôi có sự nhìn nhận vấn đề xã hội dưới góc nhìn kinh tế. Và tôi thấy rằng, muốn phát triển bền vững cần có cả ba yếu tố chính: kinh tế, môi trường, xã hội. Do vậy, các bạn học ngành CTXH nếu được học thêm về kinh tế sẽ có rất nhiều lợi thế”.
Ông Trần Công Bình, cán bộ Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF tại TP.HCM, đánh giá cao việc kết hợp “hai trong một” (người làm CTXH và người làm kinh tế) nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng góp trở lại cho cộng đồng. Mặt khác, theo ông Bình, hiện nay các nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ CTXH ngày càng hạn hẹp. Điều này đòi hỏi những người làm CTXH khả năng tự tạo ra các nguồn lực hoạt động cho mình.
Kỹ sư chăn nuôi cung ít hơn cầu
Tại ngày hội nghề nghiệp chăn nuôi – thú y lần đầu tiên tổ chức ở VN, PGS-TS Dương Duy Đồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khẳng định kỹ sư ngành chăn nuôi không sợ thất nghiệp.
PGS-TS Võ Thị Trà An, Trưởng bộ môn khoa học sinh học thú ý, Khoa Chăn nuôi – thú y của trường này, cho biết ngành chăn nuôi chiếm 27% GDP của ngành nông nghiệp, đóng góp 6% GDP của cả nước. Tuy vậy, lực lượng nhân lực trình độ cao trong ngành này hiện vẫn còn thiếu và yếu.
Sở dĩ có ít bạn trẻ chọn ngành học này vì họ cũng như gia đình chưa hình dung được học ngành chăn nuôi – thú y ra trường sẽ làm gì, thu nhập khá không, nhu cầu xã hội trong ngành này ít hay nhiều?
Nói về cơ hội việc làm cho những kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y khi ra trường, PGS-TS Dương Duy Đồng khẳng định trong vòng 5 năm tới, chắc chắn lực lượng này sẽ không bị thất nghiệp. Lý do hiện nay có rất ít nơi đào tạo ngành chăn nuôi – thú y trong khi nhu cầu xã hội ở ngành nghề này là rất cao. “Mỗi năm, trường chúng tôi đào tạo từ 250 – 300 kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y và các bạn đều tìm được việc làm vừa ý với mức lương từ 5 triệu đồng trở lên. Nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y hiện rất cao do nhà trường thường xuyên liên kết với các đơn vị này để giúp sinh viên có nơi thực tập, học việc nên nắm rất rõ nhu cầu thị trường”, PGS-TS Dương Duy Đồng nói.
Ông Huỳnh Công Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Mebipha, đơn vị chuyên sản xuất thuốc thú y, cho biết trong số trên 200 lao động tại công ty thì có đến 30% lao động là kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y được đào tạo từ các trường đại học.
Làm CTXH khác từ thiện
Thạc sĩ CTXH Chu Dũng, Trung tâm nghiên cứu, tư vấn CTXH và phát triển cộng đồng – SDRC, cho biết CTXH là khoa học xã hội ứng dụng nhằm giúp con người thực hiện chức năng tâm lý xã hội của mình một cách hiệu quả và tạo ra những thay đổi để đem lại an sinh cao nhất cho con người. Một người được gọi là làm CTXH chuyên nghiệp khi hội đủ các điểm sau: Một, làm việc toàn thời gian và chính thức trong các lĩnh vực CTXH. Hai, được đào tạo về chuyên ngành CTXH và có năng lực chuyên môn theo yêu cầu công việc đề ra. Ba, có thể sống bằng nghề này. Bốn, thái độ làm việc chuyên nghiệp và tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Trong khi đó, ông Dũng cho rằng làm từ thiện nhìn chung là do cái "tâm", thấy thương là ban cho.
|
Như Lịch – Thanh Đông
(TNO)
Bình luận (0)