Để đáp ứng nhu cầu xã hội, năm 2009 nhiều trường ĐH đã mở thêm ngành học mới như Y Sinh học, Nhân học, Spa, Quảng cáo…
Ngành Y Sinh học
PGS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Chủ nhiệm Khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết, các xu hướng phát triển của khoa học hiện nay đều hướng tới phục vụ con người. Các bệnh tật xuất hiện ở con người do nhiều nguyên nhân, dẫn đến rối loạn các quá trình sinh học, làm suy giảm khả năng duy trì và ổn định hoạt động của hệ thống sống, đặc biệt là các qúa trình diễn ra ở mức độ phân tử trong nhân, trong tế bào.
Lĩnh vực khoa học nhằm áp dụng những hiểu biết sinh học phục vụ sức khoẻ con người thuộc về ngành Y Sinh. Trong ngành Y Sinh, bên cạnh được trang bị các kiến thức nền về các quá trình Sinh học liên quan đến Y Dược học, người học có thể lựa chọn và tích luỹ các mảng kiến thức thuộc 4 chuyên ngành đào tạo: Hệ gen và Protein học; Dược lý học và phát triển thuốc; Sinh học tế bào, phát triển và sinh sản; Vi sinh vật, bệnh nhiễm và miễn dịch.
Năm nay là khoá đầu tiên trường mở ngành, sẽ tuyển 50 chỉ tiêu. Sinh viên tốt nghiệp ngành này làm việc ở các Viện nghiên cứu, các Bệnh viện, các Trung tâm y tế, Trung tâm xét nghiệp, Trung tâm Dịch tễ, Công ty Vacxin, Công ty Dược phẩm; Giảng dạy tại các trường ĐH Khoa học và các trường ĐH Y khoa, Cao đẳng Y tế; Công tác ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Y Sinh, Sinh Dược, Sinh học, ở các ngành, các Bộ, các địa phương.
Ngành Nhân học
Năm 2009, ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội thành lập bộ môn Nhân học. Theo đó, sẽ tuyển 50 chỉ tiêu vào ngành học mới này.
Bộ môn Nhân học hiện nay về cơ bản được xây dựng trên cơ sở kế thừa truyền thống của khoa Dân tộc học, vốn đã được giảng dạy tại Đại học Hà Nội từ năm 1917 dưới thời thuộc Pháp kết hợp với việc tiếp thu những tinh hoa của nhân học Âu – Mĩ hiện đại. Theo hướng này, nhân học về cơ bản là một khoa học sử dụng tư liệu dân tộc học để nghiên cứu và khám phá sự đa dạng của các nền văn hoá và các nguyên tắc tổ chức xã hội của con người cả trong lịch sử và hiện tại. .
Sinh viên tốt nghiệp từ bộ môn Nhân học sẽ được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc để làm công tác giảng dạy về văn hoá – xã hội tại các trường đại học, cao đẳng, hoặc tiếp tục theo học các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ ở các trường đại học trong nước và nước ngoài.
Cử nhân “5 sao”
Khoa Quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội năm học 2009-2010 dành 30 chỉ tiêu học miễn phí chương trình đào tạo cử nhân “5 sao” ngành Kế toán do ĐH Help (Malaisia) cấp bằng cho những thí sinh có kết quả thi ĐH đạt 24 điểm trở lên.
Đô thị học
Năm 2009, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) mở thêm ngành học Đô thị học với 70 chỉ tiêu, với khối thi A, D1.
Tốt nghiệp ngành Đô thị học, người học có thể tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm nhiệm việc tư vấn điều phối, quy hoạch kinh tế – xã hội, thiết kế và xây dựng chính sách, thẩm định và đánh giá các dự án có liên quan đến việc phát triển đô thị trong các cơ quan công quyền ở các cấp quản lý hành chính khác nhau, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế…
Quản trị logistic và vận tải đa phương tiện
Đây là một ngành học của trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Ngành học này trang bị những kiến thức để sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác các dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức như: phân phối, kho vận dịch vụ khách hàng, quản trị chiến lược của doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Quản lý hoạt động bay
Ngành này do Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo. Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ trở thành kỹ sư chuyên ngành quản lý hoạt động bay, có khả năng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành hàng không.
Thí sinh dự thi vào ngành ngày với 2 khối A và D1.
Công nghệ Spa và Y sinh học TDTT
Đây là ngành mới của ĐH dân lập Hồng Bàng. Công nghệ spa gắn liền với y sinh học giúp duy trì sức khỏe, giảm stress, kiến thức về sử dụng nước nóng, nước lạnh như thế nào, kỹ thuật massage, bấm huyệt…
Với ngành này, trường xét tuyển từ điểm sàn của thí sinh thi vào ĐH Y Dược và TDTT của cả nước. Mức học phí cho ngành này là 9.980.000đ/năm.
Quản trị Bệnh viện
Đây là ngành mới mở của ĐH Hùng Vương (TPHCM). Ngành này đào tạo những chuyên viên có trình độ chuyên sâu về quản lý cơ sở y tế, bệnh viện. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng tổ chức, điều hành bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý điều hành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế.
Trường xét tuyển với thí sinh thi từ các khối A,B và D1,2,3,4,5,6. Mức học phí trung bình khoảng 3,5 triệuđ/học kỳ.
Ngành Quảng cáo
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện nay ở nước ta có khoảng 5000 đơn vị làm quảng cáo và hàng trăm nghìn doanh nghiệp có nhu cầu lập bộ phận quảng cáp riêng. Tuy nhiên, do nhân lực khan hiếm, chúng ta vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài với mức lương khoảng 5.000 USD/tháng.
Nắm bắt nhu cầu đó, Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã mở ngành Quảng cáo. Thí sinh dự thi với 2 khối C, D1.
Địa đạo và tai biến thiên nhiên
Ngành học của Khoa Địa lý – ĐH KHTN, ĐH QGHN. Ngành Địa đạo và Tai biến thiên nhiên chuyên sâu về nghiên cứu hình thành lãnh thổ, địa mạo. Các sinh viên sẽ học các môn học giải quyết tai biến thiên nhiên như lở đất, lòng sông cổ, nguy cơ sạt lở…
Sinh viên tốt nghiệp làm việc ở Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN. Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững; Viện Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN…
Bản đồ – Viễn thám và Hệ thống tin địa lý:
Là ngành chuyên nghiên cứu về tổ chức các kết quả nghiên cứu của địa lý lãnh thổ, tự nhiên thiên nhiên thể hiện bằng ngôn ngữ bản đồ. Khai thác và sử dụng, phương pháp quy hoạch cho tỉnh, thành.
Viễn thám và Hệ thông tin địa lý là nghiên cứu tự nhiên thiên nhiên với sự trợ giúp của viễn thám, ảnh vệ tinh và ứng dụng khoa học công nghệ.
Sinh viên ra trường sẽ làm việc Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Sở KH&CN, Sở Tài Nguyên và Môi trường và Sở NN&PTNT ở các tỉnh/thành phố…
Hồng Hạnh (tổng hợp)
Dân trí
Bình luận (0)