Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những ngành học “sống còn” đang mất dần sức hút: Kỳ cuối: Khó, khô và khổ

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát trong 120 sinh viên năm cuối ngành toán, hàng chục sinh viên cho biết họ có nguyện vọng chuyển sang học ngành khác, một số khác băn khoăn chưa biết sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp.

Giờ học của sinh viên lớp cử nhân tài năng vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG
Cuộc khảo sát này vừa được khoa toán – tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thực hiện trong đầu năm học vừa qua. PGS-TS Đặng Đức Trọng, trưởng khoa, cho biết mục đích cuộc khảo sát nhằm phục vụ việc bổ sung chương trình đào tạo, hướng nghiệp cho sinh viên. Thế nhưng kết quả thu về lại cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị.
Đi học để… đi học
Tiếp xúc với chúng tôi, N.T.D., một trong những sinh viên khẳng định sẽ đi học ngành khác, bộc bạch: “Toán không phải là sở thích của tôi nhưng vì học khá các môn tự nhiên nên khi thi tuyển sinh ĐH, tôi đăng ký dự thi vào. Tôi chỉ thích làm những công việc liên quan đến kinh doanh nên sẽ dự tuyển vào một ngành kinh tế nào đó”.
Một số sinh viên khác cho biết không có nhiều ý niệm về ngành học khi bắt đầu lựa chọn. Khi chúng tôi hỏi về quá trình học, tất cả đều có một nhận xét chung rằng để hoàn tất chương trình học ngành toán, các bạn đã phải “chiến đấu” khá vất vả. Tuy nhiên, cơ hội việc làm lại khá mơ hồ. Có hơn phân nửa sinh viên tham gia trả lời khảo sát đưa ra dự định sẽ học tiếp cao học thay vì kiếm việc làm.
Ở một số ngành cơ bản khác, tình hình cũng chẳng khá hơn. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn tại TP.HCM, đề nghị không nêu tên, cho rằng nhóm ngành khoa học cơ bản có phạm vi việc làm rất hẹp. Nhóm ngành này yêu cầu phải có trình độ cao và nhiều đam mê mới có thể tự nghiên cứu, phát minh trong khi các ngành khác lao động được phân cấp theo đủ trình độ. Ví dụ: học trung cấp cũng có thể làm kế toán trong khi học khoa học cơ bản thì không thể. Để thành công với khoa học cơ bản cần phải giỏi. Muốn giỏi sinh viên phải học tập, nghiên cứu sâu trong khi nhu cầu lao động của các ngành khác trước mắt là rất nhiều, người học có thể tức thời tìm kiếm được công việc ngay khiến các ngành khoa học cơ bản giảm sức hút.
Trong buổi họp mặt cựu sinh viên khoa toán – tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) vừa được tổ chức đầu tháng 8-2009, GS-TS Dương Minh Đức tâm sự: “Nỗi day dứt của nghề giáo chúng tôi là làm sao hướng nghiệp được sinh viên để khi ra trường các bạn có thể kiếm được việc làm. Tôi thật sự rất lo lắng về vấn đề này”. Trong khi đó, TS toán Nguyễn Văn Quang, giảng viên của trường, thẳng thắn: “Thực tế là cử nhân toán chỉ cầm mỗi tấm bằng ĐH đi xin việc rất khó nếu không có một nghề nào khác bổ trợ”.
Với ngành vật lý, một lãnh đạo khoa vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội thừa nhận: “Ngành vật lý trong thời kỳ trước đây có rất nhiều thành tựu đáng kể. Nhưng những thành tựu đó chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, ít gắn liền với thực tiễn sôi động của cuộc sống nên sinh viên ra trường có rất ít sự lựa chọn công việc”. TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Những học sinh giỏi nhất đã nói “không” với nhóm ngành mà lẽ ra cần nhiều người giỏi nhất. Chính vì thế chỉ có những người dũng cảm mới dám quyết định chọn ngành, chọn nghề theo hướng này”.
Có nghề hay không nghề?
TS Nguyễn Kim Quang phân tích: “Có nhiều ngành học mang tên rất “sang” và có vẻ hứa hẹn cơ hội việc làm rõ ràng như công nghệ thông tin hay tài chính – ngân hàng… Trong khi đó những cái tên như toán – tin học, vật lý, hóa học, sinh học… ít ai hình dung nổi chương trình học hay công việc ra trường”.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Đặng Đức Trọng nói: “Việc minh định sinh viên các ngành khoa học cơ bản như toán có thể làm việc ở những ngành nghề, nhà máy hay xí nghiệp nào là rất khó. Trong khoảng 300 sinh viên ngành toán – tin học mỗi năm của khoa chỉ khoảng 10% tiếp tục theo hướng nghiên cứu, 40% sẽ làm công việc về máy tính, một phần theo các chuyên ngành khác. Đáng lưu ý là tỉ lệ 40% sinh viên học về xác suất thống kê khả năng kiếm việc làm hầu như không xác định được. Họ cần thêm một kỹ năng khác”.
Bên cạnh đó, hệ quả của quá trình đào tạo có độ chênh lớn với nhu cầu xã hội cũng là một nguyên nhân khiến học sinh ngày càng thờ ơ với những ngành học “sống còn” của sự phát triển. Ngay cả việc thống kê công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp của khối ngành này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các đơn vị đào tạo không thể bắt mạch được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Một tiến sĩ toán, đang giảng dạy tại một trường ĐH đồng thời là chủ một doanh nghiệp, cho rằng xã hội không cần mỗi trường ĐH hằng năm phải đào tạo đến 300 người làm toán lý thuyết và cũng không thể có nhiều người làm toán lý thuyết đến thế. GS-TS Dương Minh Đức, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), tâm huyết: “Chúng ta phải tạo một kênh liên lạc giữa các nhà tuyển dụng và sinh viên. Làm được như vậy, không những sinh viên ra trường có công việc, mức lương xứng đáng với năng lực của họ, nhà tuyển dụng có kết quả kinh doanh mà còn góp phần nâng sự phát triển xã hội lên một tầm cao mới”.
Ở một góc độ khác, có thể thấy thực tế sự đầu tư dành cho các ngành khoa học cơ bản tại các trường ĐH chưa được quan tâm đúng mức. PGS-TS Đặng Đức Trọng tâm tư: “Mặc dù luôn nói đến trí tuệ Việt nhưng ở VN rất nhiều người, đặc biệt trong các ngành “hot”, thu hút nhiều học sinh giỏi, chỉ đào tạo thế hệ mới để sẵn sàng cho việc làm thuê. Chính vì thế sự giảng dạy về công cụ toán học chưa được ý thức đầy đủ. Ngành toán đáng lẽ cần phải được củng cố, đầu tư lại liên tục bị làm yếu đi ở nhiều mặt”.
H.THUẬT – Đ.T.DUY (TTO)
Khoa toán – tin học đi tìm lối ra
Khoa toán – tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đang đứng trước thách thức lớn lao về việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm góp phần đổi mới cho các ngành kinh tế – xã hội và kỹ thuật ở phía Nam. Để giải quyết vấn đề này, từ năm học 2009-2010 Khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM cho phép sinh viên khoa toán – tin học có thể tích lũy các tín chỉ về quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế đối ngoại…
Đối với các chuyên ngành kinh tế đòi hỏi trình độ toán cao như tài chính ngẫu nhiên, quản lý rủi ro…, khoa sẽ mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến dạy. Về hướng sư phạm, khoa sẽ góp phần vào việc xây dựng một chương trình đào tạo mới, phù hợp với các trào lưu phương pháp giảng dạy mới của nước ngoài. Khoa tự nhận thấy mình có trách nhiệm trong việc đào tạo sinh viên các kỹ năng mềm. Trong năm học tới, khoa sẽ mở các học phần về kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và học tập, kỹ năng giao tiếp.
PGS-TS ĐẶNG ĐỨC TRỌNG

Bình luận (0)