Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những ngành “khát” nhân lực trong tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ngành điều dưỡng của Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn đang thực hành. Ảnh: M.Tâm

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, trong tương lai, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nguồn nhân lực ở một số ngành mà hiện nay, các trường ĐH, CĐ của Việt Nam chưa đào tạo.
Hệ thống các ngành chăm sóc sắc đẹp
Ở các nước phương Tây như Anh, Pháp đều có các ngành học đào tạo liên quan đến chăm sóc sắc đẹp của con người như da, tóc, móng… Nhưng ở Việt Nam những ngành học này chưa hề có tại các trường. Ngay cả hệ thống các trường nghề, trường TCCN, các ngành này hầu như vắng bóng. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ở những ngành này lại rất lớn. Người lao động muốn học ngành này thường đến các trung tâm chăm sóc sắc đẹp để học theo kiểu cầm tay chỉ việc. Chính vì vậy, những tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ tại các trung tâm phẫu thuật ngoài bệnh viện thường chiếm tỷ lệ rất cao.  Không được đào tạo bài bản, không có trình độ liên quan đến cấu tạo tâm sinh lý con người, những người làm công việc chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, điều đó cho thấy đã đến lúc nhân lực ngành này cần được đào tạo bài bản. Cách đây chưa lâu, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT đã từng khuyến khích các trường TCCN của mình mở các ngành liên quan đến thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp. Nhưng đến nay, chưa có trường nào dám đầu tư đào tạo lĩnh vực này. Nguyên nhân do thiếu giáo trình, thiếu đội ngũ giáo viên. Điều này cần sự chỉ đạo, vào cuộc hơn nữa của các cơ quan quản lý.
Các ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe
Đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật, tại Đức, đây là những cơ hội mới mở ra cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, không phải cứ học điều dưỡng là đủ điều kiện xuất ngoại. Thị trường lao động nước ngoài, nhất là Nhật Bản khó tính hơn rất nhiều so với thị trường lao động Việt Nam. Người lao động không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có các kỹ năng mềm cần thiết. Ngoài thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước trong thời gian tới cùng với sự phát triển của hệ thống bác sĩ gia đình thì nhu cầu cần điều dưỡng viên tại gia cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Sự phát triển của xã hội sẽ khiến nhu cầu nhân lực ngành này thay đổi, cùng với đó là nhu cầu về đội ngũ bác sĩ phục vụ tại các hộ gia đình. Trước kia, muốn khám bệnh, tất cả mọi người đều tìm đến các trung tâm y tế nhưng ngày nay, những gia đình có điều kiện đã có thể mời bác sĩ về nhà để khám cho mình hoặc “hợp đồng” trực tiếp với bác sĩ theo dõi sức khỏe cho gia đình. Chính vì vậy, nhu cầu đội ngũ các điều dưỡng viên và đội ngũ y bác sĩ trong thời gian tới sẽ còn tăng lên rất nhiều. Tại Hội nghị triển khai quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020 diễn ra hôm 18-2, Bộ Y tế cho biết, đến năm 2015, Việt Nam cần tới 444.500 bác sĩ, y tế, điều dưỡng, như vậy sẽ phải bổ sung 14.252 người.
Ngoại ngữ hiếm để phục vụ du lịch
Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói và mang lại nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia. Với lợi thế về thiên nhiên, con người, Việt Nam đang là điểm đến của du khách quốc tế. Tuy nhiên, theo dự báo đến năm 2015, ngành du lịch trong nước cần đến khoảng nửa triệu người lao động có tay nghề chuyên môn vững vàng, đặc biệt là các hướng dẫn viên có ngoại ngữ hiếm. Theo thống kê của Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm 62 trường ĐH, 80 trường CĐ (trong đó có 8 trường CĐ nghề), 117 trường trung học chuyên ngành (có 12 trường trung cấp nghề).
Nhân lực các ngành kỹ thuật cao
Việt Nam đang có nhu cầu phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành này của chúng ta hoàn toàn ở con số không. Nếu mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 70-100 người như hiện nay thì phải sau 12-15 năm nữa chúng ta mới đủ nhân lực để phục vụ ngành này.
Không chỉ trong điện hạt nhân mà trong tất cả các lĩnh vực chúng ta đều đang thiếu các chuyên gia thực sự. Hiện các chuyên gia của dầu khí, các ngành công nghệ cao, các kỹ sư tay nghề cao chúng ta đang phải thuê của nước ngoài. Nguyên nhân do hệ thống đào tạo của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)