Dự kiến quý 1/2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH sẽ ban hành thông tư danh mục ngành nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc có qua đào tạo nghề mới được tuyển dụng.
Sắp tới, lao động phải qua đào tạo nghề mới được tuyển dụng. Mỹ Quyên
Đến năm 2030, bắt buộc ở tất cả ngành nghề
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thông tin: “Đây là mục tiêu mà chúng tôi dự kiến thực hiện từ lâu, nhưng để đưa vào thành quy định thì phải có quá trình tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên. Ban đầu, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi có không ít doanh nghiệp không ủng hộ, vì nếu tuyển lao động qua đào tạo thì sẽ phải trả lương cao hơn so với lao động phổ thông. Một số doanh nghiệp lấy lý do nếu tuyển lực lượng lao động lớn để làm công việc đơn giản mà phải tuyển người đã qua đào tạo thì sẽ không có nguồn để tuyển. Chẳng hạn hiện nay có nhiều nghề tuyển lao động không qua đào tạo như may mặc, xây dựng, nhân viên trong các nhà hàng khách sạn dưới 3 sao… ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng, năng suất lao động và thương hiệu của chính doanh nghiệp”.
Ngược lại, ông Hùng cho biết có những doanh nghiệp lại rất ủng hộ chính sách tuyển dụng này vì sẽ giúp chất lượng lao động nâng cao và doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Hùng, quy định sẽ được thực hiện theo lộ trình. Dự kiến năm 2020 sẽ ban hành thông tư với quy định đến năm 2022 sẽ có hơn 10 nghề nằm trong nhóm ngành nghề độc hại, lao động phải được đào tạo bài bản mới được tuyển dụng. Đến năm 2025 sẽ mở rộng thêm các ngành nghề liên quan đến sức khỏe như điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ…; dịch vụ như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng khách sạn, pha chế, chăm sóc khách hàng… Đến năm 2030, bắt buộc 100% ngành nghề, người lao động phải được đào tạo các bậc từ sơ cấp đến CĐ, trong đó nhiều nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới được tuyển dụng.
Cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn lao động
“Việc chuẩn hóa lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất cần thiết và phải được thực hiện đồng bộ. Điều này không chỉ tác động tích cực tới doanh nghiệp mà còn góp phần vào việc thực hiện chính sách phân luồng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Lao động qua đào tạo nghề được tuyển dụng, trả lương cao thì học nghề sẽ có sức hấp dẫn và thu hút người học ngay từ sau THCS”, ông Hùng nhìn nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho rằng hầu hết ngành nghề về kỹ thuật đều cần phải được trang bị kiến thức bài bản và cần có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới làm việc chuẩn xác, hiệu quả.
“Kể cả những nghề liên quan đến an toàn lao động, an toàn thực phẩm, liên quan đến sinh mạng con người, hay những nghề cần hội nhập, cũng cần phải có quy định nghiêm túc. Lao động phải được đào tạo thì mới có tác phong công nghiệp, có ý thức làm việc tốt. Chất lượng và sự chuyên nghiệp của lao động qua đào tạo sẽ giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận và gia tăng sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chấp nhận trả lương cao hơn nhưng có lợi ích lâu dài, thay vì trả lương thấp cho lao động phổ thông nhưng chỉ mang tính thời vụ và không bền vững”, ông Cường nêu quan điểm.
Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, cũng nhìn nhận lao động được đào tạo sẽ có đủ kỹ năng và chuyên môn để đảm bảo yêu cầu của công việc. Từ năm 2017, ông Khiêm cũng từng đề xuất về việc gắn kết trường học – doanh nghiệp bằng chương trình đào tạo kép, ưu đãi doanh nghiệp nhận sinh viên vào thực hành, từ đó doanh nghiệp sẽ có nhìn nhận khác về tuyển dụng lao động, hướng đến việc nâng cao chất lượng nhân lực cho chính mình bằng cách hợp tác với các trường CĐ, trung cấp để đào tạo theo nhu cầu.
Ý kiến
Sẽ khó cho những ngành cần số lượng lao động lớn
Một số doanh nghiệp muốn tuyển một lực lượng lao động lớn, chẳng hạn như may mặc, thì sẽ không có nguồn tuyển nếu bắt buộc họ phải qua đào tạo trường lớp, trong khi đó lao động phổ thông thì lại thất nghiệp. Một số doanh nghiệp tuyển được lao động phổ thông là tốt lắm rồi, có khi còn không có để tuyển. Theo tôi, những công việc đơn giản thì không nên bắt buộc. Chỉ những ngành nghề về chế tạo, lắp ráp… liên quan đến kỹ thuật, hoặc liên quan đến sức khỏe, dịch vụ… và không cần lực lượng lao động quá nhiều thì mới nên bắt buộc
Mai Văn Thiên
Phó ban Quản lý nguồn nhân lực, Tập đoàn dệt may Việt Nam
Nên có 2 dạng đào tạo
Đào tạo sẽ có 2 dạng, một là tại trường nghề dành cho những người có điều kiện, hai là đào tạo tại doanh nghiệp dành cho lao động phổ thông chưa có điều kiện đi học. Thường chỉ một số nghề đơn giản mới tuyển lao động phổ thông, nhưng trước khi đưa họ vào làm việc chính thức, doanh nghiệp vẫn nên liên kết với trường nghề để đào tạo một hay một số mô đun cần thiết để đảm bảo chuyên môn, kỹ năng, tác phong, ý thức làm việc. Với những nghề cần phải có trình độ, kỹ năng, cần tư duy như thiết kế khuôn mẫu, cơ khí, thiết kế máy, lập trình hệ thống… thì cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Ai đạt sẽ được làm việc và trả lương xứng đáng.
Phan Châu Tuấn
Trưởng phòng Huấn luyện nhân sự, Công ty Lập Phúc
Tránh trường hợp có chứng chỉ nhưng kỹ năng không cao
Ngành nghề nào đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt, đổi mới tư duy (như chăm sóc khách hàng, sales, marketing…) sẽ khó tuyển dụng nếu thực hiện theo quy định trên. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của chứng chỉ, bằng cấp nghề trong tuyển dụng, nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ của đơn vị cấp chứng chỉ nghề, tránh trường hợp người có chứng chỉ nhưng kỹ năng thực tế chưa cao. Có quản lý tốt, kiểm soát chất lượng tốt thì việc yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ mới thực sự xứng đáng.
Nguyễn Thanh Nhã
Giám đốc Công ty TNHH phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng – STC |
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)