Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Những ngành nhiều cửa tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành chế biến nông, lâm, thủy sản đang cần những lao động trình độ cao

Số liệu thống kê được trình bày tại những cuộc hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực do Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành tổ chức cho thấy, đóng tàu, nông lâm thủy sản, bảo hiểm, chứng khoán… là những ngành nghề còn khát nhân lực.
Tại hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực tài chính – ngân hàng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến năm 2010, các lĩnh lực như bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá cần 13.500 người (chứng khoán cần khoảng 5.000 người, bảo hiểm 3.000 người, kiểm toán 5.000 người, thẩm định giá 500 người).
Hiện nay, các trường có khối ngành tài chính – ngân hàng đào tạo hơn 46.000 sinh viên đại học chính quy, hơn 30.000 sinh viên tại chức, hơn 17.000 sinh viên cao đẳng chính quy và hơn 31.000 sinh viên cao đẳng tại chức mỗi năm.
Nhưng theo nhận định, nhu cầu thực tế cao hơn rất nhiều. Ở ngành chứng khoán, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, các trường đào tạo mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 phần trăm nhu cầu.
Trong số 74 công ty chứng khoán được thống kê cần ít nhất 1.500 lao động, trong khi hàng năm mới chỉ có khoảng 300 nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề.
Tình trạng khát nhân lực cũng được dự đoán còn diễn ra ở khối ngành nông – lâm – thủy sản trong vài năm tới. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện mỗi năm ngành này cần khoảng 1.300 – 1.500 người có trình độ đại học trở lên, 4.000 – 5.000 người có trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và 6.500 – 7.000 công nhân kỹ thuật.
Trong khi tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực nông – lâm – thuỷ sản chiếm đến trên 50% thì dường như không nhiều sinh viên mặn mà với ngành học này.
Cả nước chỉ có hơn 14.000 người trên hơn 1,6 triệu sinh viên  đang theo học các ngành nghề liên qua trực tiếp đến chế biến nông – lâm – thủy sản, chiếm tỷ lệ 4,82 phần trăm (tỷ lệ này chỉ là 4 phần trăm đối với trung cấp chuyên nghiệp).
Do có ít học sinh chú ý nên ngành học này thường có điểm tuyển không cao. Nhiều trường lấy điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Ở lĩnh vực đóng tàu, với mục tiêu đến năm 2020 đứng thứ tư thế giới trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy, theo tính toán được các chuyên gia đưa ra tại một hội thảo được tổ chức ngày 25/1/2008, từ nay tới 2015, mỗi năm ngành cần từ 10.000 – 15.000 người, trong đó, trình độ đại học trở lên là 1.000 người, trung cấp: 8.000 – 15.000 người.
Nhưng hiện nay, cả nước chỉ có sáu trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành nghề trực tiếp phục vụ công nghiệp đóng tàu với 53.107 sinh viên hệ chính quy (hệ không chính quy là 28.634 người).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng đào tạo trong nhà trường còn chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu của thực tế, khi mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 60 phần trăm.
Còn tại hội nghị đào tạo nhân lực ngành du lịch, lãnh đạo hai Bộ GD&ĐT và Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, mới có 3,11 phần trăm trong số hơn một triệu lao động ngành du lịch có trình độ đại học. Hiện, ngành du lịch đang thiếu lao động chất lượng cao, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Năm 2008, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội và TPHCM tổ chức bảy hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội cho ngành Du lịch, Chế biến Nông – Lâm – Thuỷ sản, Y tế và Hội thảo sinh viên với đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp.
Đến nay có 12 văn bản thoả thuận được ký kết giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành; gần 500 hợp đồng đào tạo và sử dụng nhân lực được ký kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp với 10.000 cử nhân, kỹ sư được đào tạo theo địa chỉ.
Xuân Mai (TPO)
 

Bình luận (0)