Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Những ngành nhiều việc mùa dịch nhưng chẳng nhiều tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Bán lẻ, tiêu dùng nhanh, giao nhận, truyền thông, thậm chí y tế… tưởng bận rộn mùa dịch sẽ khấm khá nhưng sự thật lại có thể ngược lại.

Đại dịch đang thúc đẩy nhu cầu cho các nhà bán lẻ, các công ty sản phẩm tiêu dùng và công ty giao hàng, khi mọi người điều chỉnh lối sống và mua sắm. Nhưng các công ty này phải chi nhiều hơn để quản lý hoạt động gia tăng đột biến trong khi doanh thu những mặt hàng có lời nhất lại suy giảm.

Các nhà bán lẻ đang tăng lương cho nhân viên thu ngân và công nhân khác để có thể bán thêm giấy vệ sinh, nước và các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, hàng may mặc và các mặt hàng thúc đẩy lợi nhuận cao lại không tăng. Target cho biết những người mua sắm đổ xô đến các cửa hàng để mua nhu yếu phẩm nhưng bỏ qua quần áo và phụ kiện, vốn có lợi nhuận cao hơn.

Mặc dù doanh số tăng 20% trong tháng 3, công ty cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp có thể giảm trong phần còn lại của quý. Nhà bán lẻ này đang phải chi nhiều hơn cho lương công nhân và vệ sinh các cửa hàng trong thời gian dịch bệnh, dự kiến có tác động 300 triệu USD trong quý gần nhất.

Câu chuyện cũng tương tự với ngành truyền thông, lượng truy cập của Facebook đang tăng vọt nhưng doanh thu quảng cáo trực tuyến lại đi theo chiều ngược lại. Tương tự, các cơ quan tin tức cũng chứng kiến độc tăng gia tăng nhưng quảng cáo thì suy giảm.

Amazon cũng cho biết đang ghi nhận việc gia tăng mua sắm trực tuyến trong lúc các cửa hàng trên đường phố phải đóng cửa. Tuy nhiên, gã khổng lồ thương mại điện tử này phải đang chi thêm hàng trăm triệu USD để thuê thêm người và tăng lương cho đội ngũ sẵn có.

Các công ty giao hàng như FedEx và United Parcel Service cũng đang chứng kiến sự bùng nổ giao hàng tại nhà. Tuy nhiên, các chuyến hàng cho doanh nghiệp, tức phân khúc B2B, đã đóng băng bởi lệnh phong tỏa, cách ly của hàng loạt chính phủ.

UPS đang chứng kiến bùng nổ giao hàng tận nhà tại Mỹ. Ảnh: AP

UPS đang chứng kiến bùng nổ giao hàng tận nhà tại Mỹ. Ảnh: AP

ShipMatrix, nhà cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu vận chuyển, cho biết các lô hàng B2B giảm 3% trong ba tuần đầu tiên của tháng 3/2020, trong khi giao hàng dân cư tăng 7,2%. BMO Capital Market ước tính, các lô hàng B2B có thể giảm tới 25% trong nhiều tháng. Thực tế, việc giao hàng tận nhà có lợi nhuận thấp hơn vì các tài xế giao được ít hàng hơn nhưng với nhiều điểm dừng hơn.

Ví dụ, ngày thường, một tài xế của UPS có thể xử lý hết tất cả đơn hàng cần giao tại Shelter Island (New York). Tuy nhiên, những ngày tháng 3 khi đường phố vắng vẻ, công ty phải cần thêm một nhân viên nữa. Người bổ sung sẽ đi phà qua đảo vào buổi chiều để trợ giúp việc giao hàng.

Tuần trước, khi cư dân New York đổ xô đến các ngôi nhà mùa hè trên đảo đển tránh dịch, bốn chiếc xe của UPS qua đây mỗi ngày để giao thức ăn và nhu yếu phẩm từ các nhà bán lẻ như Costco, Target. Họ cũng vận chuyển giàn nhún và các dụng cụ tập thể dục tại nhà cho khách hàng.

"Tôi chưa từng thấy chuyện này trong sự nghiệp của mình", David Carew, một nhân viên giao hàng 40 tuổi của UPS, nhận xét.

Điểm giao hàng tại nhà dân tăng lên đột biến nhưng một số điểm dừng công ty, đại lý, văn phòng đã biến mất. Các cửa hàng Tanger ở Riverhead, New York đã bị đóng cửa và các tài xế phải chạy các chuyến đến những chi nhánh khác còn mở. Ở Manhattan, nơi xe giao hàng thường xếp hàng dài ngoài các tòa nhà văn phòng nay đã thưa vắng hơn.

Công nhân của FedEx và UPS có thể phải đối mặt với việc sa thải nếu giao hàng B2B tiếp tục chậm lại. Các lãnh đạo UPS đã lưu ý nhân viên có thể mất việc trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Một số bộ phận của FedEx Ground đã sa thải tài xế.

"Chúng tôi đang linh hoạt các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thay đổi hàng ngày trên các bộ phận hàng không, vận tải hàng hóa và mặt đất trong mạng lưới của chúng tôi", người phát ngôn của UPS cho biết.

Một phát ngôn viên của FedEx nói rằng, tác động từ đại dịch ảnh hưởng đến từng nhà thầu khác nhau, tùy thuộc vào địa điểm, các hạn chế của chính phủ và loại hình doanh nghiệp phục vụ. Với việc phục vụ cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, công ty có thể điều chỉnh hoạt động dựa trên thay đổi của dòng chảy hàng hóa.

Procter & Gamble không thể sản xuất giấy vệ sinh đủ nhanh, và nhu cầu cho nhiều sản phẩm khác của công ty như xà phòng rửa chén Dawn cho đến khăn giấy Bounty đang tăng mạnh. Nhờ vậy, cổ phiếu công ty chỉ giảm 12% kể từ 20/2, khi thị trường bắt đầu lao dốc, trong khi S&P 500 đã giảm gấp đôi so với cùng thời điểm. Cổ phiếu của các đối thủ như Colgate Palmolive, Kimberly-Clark cũng có phong độ tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Bill Chappell của Bill SunTrust cho biết, nhiều mặt hàng của các công ty này chỉ là có sức hút nhất thời, tức do người tiêu dùng tăng tích trữ để khỏi ra đường mua sắm trong thời gian dài. Các nhà phân tích dự báo, doanh số của những mặt hàng "hot" những tuần gần đây sẽ sụt giảm mạnh, khi khách hàng tích trữ đủ.

Tại Mỹ, doanh số giấy vệ sinh tăng gấp đôi trong giai đoạn bốn tuần kết thúc vào ngày 21/3, so với cùng thời điểm một năm trước, theo Nielsen. Doanh số của khăn giấy và xà phòng rửa chén tăng 80%, chất tẩy rửa đa năng tăng 150%, xà phòng tắm và gội tăng gấp đôi.

Trong khi đó, các các mặt hàng chủ lực có lợi nhuận cao của P&G như dòng sản phẩm chăm sóc da cao cấp SK-II, được bán chủ yếu ở châu Á và tại các sân bay thì hiện không ai mua. Hay như dao cạo râu, một trong những sản phẩm có lợi nhuận cao nhất, cũng không có gia tăng về sức mua.

P&G có thể bị ảnh hưởng nếu nền kinh tế vẫn ở trong thời kỳ suy thoái kéo dài, vì các sản phẩm của công ty có xu hướng đắt đỏ. Giám đốc điều hành công ty cho biết họ đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy bằng cách đảm bảo cung cấp lựa chọn giá thấp hơn trong tất cả danh mục mặt hàng.

Một cửa hàng thuốc của CVS tại New York trong mùa dịch. Ảnh: Reuters

Một cửa hàng thuốc của CVS tại New York trong mùa dịch. Ảnh: Reuters

Các chuỗi nhà thuốc lớn đang chứng kiến lượng khách trực tiếp tại cửa hàng và doanh số trực tuyến cùng tăng đột biến. Những đơn vị này là một trong số ít ngành vẫn được phép hoạt động trong khi bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất. Hiện các chuỗi nhà thuốc lớn nhất của Mỹ đã đồng ý thiết lập các địa điểm xét nghiệm Covid-19 tại bãi đậu xe của họ, được điều hành bởi các quan chức y tế.

Tuy nhiên, CVS Health, chuỗi nhà thuốc lớn nhất nước Mỹ theo doanh thu và cửa hàng, vẫn cảnh báo các nhà đầu tư rằng dịch bệnh sẽ làm tổn thương kết quả kinh doanh. Phần lớn nguyên nhân là mảng kinh doanh bảo hiểm phải chi trả nhiều cho bệnh tật của khách hàng.

CVS cho biết chi phí đã tăng lên khi có nhiều nhân viên làm việc tại nhà có lương cùng các trợ cấp thưởng thêm bằng tiền mặt, các chương trình hỗ trợ nhân viên khác. Walgreen Boots Alliance cũng đang trả lương, thưởng và phúc lợi khác cho các lao động nghỉ việc tạm thời. Khác với CVS, Walgreen không sở hữu một công ty bảo hiểm nào.

Phiên An/Vnexpress (theo Wall Street Journal)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)