Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Những ngày cuối của Steve Jobs

Tạp Chí Giáo Dục

Walter Isaacson, người được Steve Jobs chọn viết tiểu sử, kể lại cuộc gặp cuối cùng của ông với nhà sáng lập Apple cách đây vài tuần, và lý do Jobs muốn phát hành sách.

Isaacson chia sẻ bài viết American Icon (Biểu tượng Mỹ) trên tạp chí danh tiếng Time: "Mới chỉ mấy tuần trước, tôi đến thăm Jobs tại nhà ở Palo Alto, California. Ông ấy đã phải chuyển giường ngủ xuống tầng trệt do quá yếu để có thể lên xuống cầu thang. Ông nhăn mặt mỗi khi có cơn đau, nhưng trí tuệ vẫn sắc bén và vẫn sôi nổi, hài hước".

Từ cách đây vài tuần, Steve Jobs đã không còn đủ sức leo cầu thang nhưng vẫn vui vẻ, hài hước. Ảnh: BI.

Tiểu sử "Steve Jobs" là cuốn sách đầu tiên cựu CEO Apple đồng ý tham gia, dự kiến phát hành ngày 21/11 nhưng mới được nhà xuất bản Simon & Schuster dời ngày lên 24/10 trước thông tin về sự ra đi của Jobs.

Isaacson cho biết Jobs luôn nghĩ ông ấy là một nghệ sĩ. Trong buổi nói chuyện cuối cùng với Jobs, nhà sáng lập Apple giải đáp thắc mắc bấy lâu nay Isaacson vẫn băn khoăn: Vì sao người kín tiếng như Jobs lại muốn tiết lộ quá nhiều về bản thân trong một cuốn sách như vậy? "Tôi muốn các con hiểu tôi. Tôi không có nhiều thời gian dành cho chúng và tôi muốn chúng hiểu vì sao và biết những điều tôi đã làm", Jobs giải thích.

Trong khi đó, báo Bloomberg đưa tin Sandra Brown, phát ngôn viên sở cảnh sát Palo Alto, cho hay Apple đã thông báo cho họ rằng: "Steve Jobs có thể mất trong tuần này". Hãng yêu cầu đảm bảo an ninh quanh khu vực nhà cựu CEO Apple vì "với những gì Steve Jobs mang lại cho thế giới, các vị có thể hình dung được cảnh hỗn loạn khi mọi người sẽ đổ xô đến thế nào".

Steve Dowling, phát ngôn viên của Apple, từ chối nói về cuộc gặp này. Cảnh sát Palo Alto chỉ biết tin Steve Jobs qua đời khi công ty thông báo vào khoảng 16h30 ngày 5/10. Gia đình Jobs cho hay ông đã ra đi thanh thản bên những người thân yêu.

Trong lời giới thiệu về cuốn sách trên Amazon.com, Isaacson kể lại: "Đầu hè năm 2004, Jobs gọi cho tôi. Ông ấy biết và tỏ ra thân thiện với tôi nhiều năm, nhất là khi Apple chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới và muốn có bài nổi bật trên Time hoặc CNN, những nơi tôi từng làm việc. Nhưng giờ tôi không làm ở đó nữa nên không nghe nhiều về ông. Tôi nói đến viện Aspen nơi tôi đang làm và mời ông tới đó diễn thuyết. Ông đồng ý đến, nhưng không phải để đứng trên sân khấu, mà chỉ muốn đi dạo nói chuyện. Hóa ra, ông muốn tôi viết tiểu sử. Tôi từng xuất bản sách về Benjamin Franklin và Albert Einstein nên chợt nghĩ liệu Jobs có coi ông ấy như "nhân vật tương xứng tiếp theo" hay không. Jobs vẫn đang có sự nghiệp lớn nên tôi trả lời: "Không phải lúc này, nên để một hoặc hai thập kỷ nữa, khi ông đã nghỉ hưu". Nhưng sau đó tôi nhận ra, ông ấy gọi cho tôi ngay trước cuộc phẫu thuật ung thư đầu tiên. Khi chứng kiến ông chiến đấu với căn bệnh bằng thái độ vừa kiên cường vừa lãng mạn, tôi cảm thấy bị thuyết phục và nhận ra tính cách đó đã ăn sâu vào trong sản phẩm Apple. Niềm đam mê, sự quỷ quyệt, nỗi khát vọng, tính nghệ sĩ và cả sự ám ảnh có mối liên hệ chặt chẽ với công việc kinh doanh của ông, nên tôi viết định viết về ông như một thiên tài sáng tạo".

Châu An (Theo VNE)

Bình luận (0)