Có lẽ tuổi ấu thơ của chúng tôi thuở ấy đẹp nhất trên đời! Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, lũ chúng tôi vào lứa tuổi lên chín, lên mười. Miền Bắc lúc này “gánh cả non sông vượt dặm dài”; vừa xây dựng vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.
Vậy mà tuổi thơ của chúng tôi, những đứa trẻ vùng quê nông thôn vẫn lung linh sắc màu cổ tích. Mùa hè của chúng tôi thật đúng nghĩa nghỉ ngơi, chơi đùa và “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, làm tiếp công việc nhà giúp cha mẹ. “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ” (Văn Tâm).
1.Sắc trời mùa hạ xanh trong. Sắc mây mùa hạ trắng nõn nà theo gió biển, gió nồm Nam bay bay khắp trời. “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây” là vậy. Những cơn mưa rào đầu hạ làm dịu mát cánh đồng. Nước từ đầu nguồn đổ về, người dân quê gọi là lụt tiểu mãn. Bờ sông Lam trở thành nơi câu cá thân thuộc của chúng tôi.
Không hiểu sao hồi nhỏ, chúng tôi mê câu cá đến lạ kỳ! Lặng lẽ ngồi bên sông, thả câu xuống và háo hức chờ. Kìa, phao động đậy và chìm nghỉm rất nhanh. Giật mạnh cần câu, kéo lên một chú cá còm còn ráng sức quẫy mình trong làn nước. Cảm giác rung rung nơi đầu cần câu thật sướng làm sao! Cần câu là nhánh tre già, được gọt lại nhẵn bóng nên vừa chắc vừa bền, gọn nhẹ… Dây câu là sợi chỉ được xoắn đôi cho bền. Lưỡi câu là kim khâu của bà (hồi ấy kim khâu rất hiếm nên bà cất giấu rất kỹ) được nướng trong lửa, đưa ra là mềm và uốn lại thành lưỡi câu xinh xắn. Xong nướng lại một lần nữa trong lửa; khi lưỡi câu đỏ lên thì mau mắn đưa ra, nhúng vào thau nước lạnh. Nó lại cứng như cũ và ta buộc chặt vào dây câu.
Một con dao cùn, một cái giỏ, một lon sắt gỉ đựng mồi; một cần câu và nón lá rách, tôi trốn mẹ ra bờ sông ngồi câu. Trùn đất phù sa nhiều vô kể. Khẽ đào lên là vô số trùn bò ra. Bắt trùn bỏ vào ống bơ và ngắt nửa con gắn vào lưỡi câu rồi nhẹ nhàng thả xuống. Một con cá bống phàm ăn vì miệng nó rộng; cắn mồi là bơi nhanh nên rất dễ dính câu. Một con tôm rằn nhẩn nha, từ tốn đưa cả càng khuơ lấy mồi rồi bị giật lên; hai càng còn búng tanh tách. Một con chạch còn giãy đành đạch khi bị đưa lên khỏi mặt nước. Con cá ngạnh cũng phàm ăn nên cũng thường được đưa vào giỏ. Con cá mương ăn nổi nên chúng không khoái mồi trùn mà chỉ thích mồi trái đa chín…
Mẹ không cho tôi ra bờ sông vì sợ sông lở nhưng mấy anh em thường trốn mẹ đi câu. Nồi cơm gạo mới ngày mùa có món cá sông kho tương cùng lá nghệ non xắt nhỏ mới tuyệt làm sao! Mùi cá thơm quyện mùi nghệ thơm hòa trong mùi gạo mới thì có lẽ cao lương mỹ vị trên đời cũng đến thế mà thôi!
Cứ chiều chiều, bên bãi cỏ cạnh cây đa bến sông là trận bóng đá vô cùng hào hứng trong tiếng hò reo vang trời của lũ trẻ mục đồng. “Bóng” được làm từ trái bưởi, nướng sơ qua lửa cho mềm. Có khi trận đấu quá hăng, nửa chừng thì “bóng” bị bể làm ba, bốn mảnh. Chúng tôi có “sáng kiến” là bọc trái bưởi trong lá chuối khô nhiều lớp; dùng sợi dây chuối ngự (rất bền và dẻo); bện từng ô từ trong ra ngoài… Trái bóng nhà quê “nhân bưởi” đã khơi dậy bao niềm vui trong tiếng reo hò cổ vũ ngỡ chừng vỡ cả lồng ngực của lũ trẻ trong những ngày hè yên ả xóm quê.
2. Tháng hè cũng là mùa “thả bãi” của quê tôi. Ngô, đậu, khoai, vừng đã thu hoạch xong, bạt ngàn cây ngô, cây đậu và những đám cỏ xanh rờn, ngon ngọt chờ đón những đàn trâu ra đồng. Đưa trâu nhà mình đi thả bãi, lũ chúng tôi chia thành nhiều nhóm “tung hoành” khắp nơi. Trâu bò tự do ăn khắp đồng; chiều ăn no tự nó lại tìm đường về vì trâu, bò làng nào thì ăn cỏ đồng làng ấy, ít khi “vi phạm” qua vùng khác. Có lẽ vì thế mà có câu “Trâu ta ăn cỏ đồng ta…” chăng?
Mùa “thả bãi” cũng là mùa mót ngô, mót lạc, mót khoai của chúng tôi. Những bắp ngô bị vẹt ăn dở, những bắp nhỏ còn sót lại… Nhưng củ khoai lang tím, những củ lạc vàng ươm nằm im trong đất cát pha. Cái cuốc nho nhỏ cùng chiếc bao nhỏ chứa đầy ngô, khoai, lạc; chất đầy cả niềm vui của lứa tuổi thần tiên. Tất cả mang về; ngô thì tách hạt; khoai xắt mỏng; lạc để nguyên rồi phơi khô; dành cho mùa đi học sắp tới. Học xa nhà nên ngô giã nhỏ, độn chung gạo (thường ba phần ngô, một phần gạo) mang đi. Nồi cơm xới ra thấy vàng ươm vì ngô nhiều hơn gạo. Lạc rang lên, giã nát rồi cho muối rang giã mịn vào. Có chút đường cát vàng thì càng tốt. Món thực phẩm “căn bản” cùng vò tương, vò nhút đã nuôi lớn bao ông nghè, ông cống quê tôi!
Mùa “thả bãi” cũng là mùa gió nồm Nam mát rượi. Gió lướt qua dòng sông xanh, làm nên những con sóng lăn tăn vỗ bờ. Chúng tôi thi nhau làm diều giấy; thi nhau xem diều ai bay cao hơn…
Làm được con diều giấy để nó bay cao là cả một kỳ công. Ngỡ chừng đơn giản nhưng phải có người lớn chỉ dẫn, tiếp sức thì mới hoàn thành. Trước hết, phải tìm tre bánh tẻ để vót nan làm khung diều. Tre lúc này vừa dẻo, vừa chắc; không non quá và cũng không già quá.
Kế đến là tìm giấy để dán nên hình hài con diều. Tốt nhất là thứ giấy làm sách chữ Nho của ông nội. Những tấm giấy mỏng nhẹ, bền tự bao đời được dán bằng nhựa sung, nhựa duối. Chờ cho diều khô là mang ra bãi cỏ ven đê, lựa theo chiều gió và thả cho diều bay vút lên. Con diều tựa như vừng trăng khuyết, bay nhấp nhô như con thuyền trôi giữa sông mây.
Những con diều của tuổi thơ bay liệng trong ráng chiều, mang bao ước mơ, khát vọng của thời thơ ấu bay lên. Cánh diều vi vu bay giữa trời cao, bay giữa niềm vui của khung trời đầy ắp thương nhớ…
3. Thấm thoắt những ngày hè đã bước qua tháng 8 lúc nào không hay. Tháng chớm thu nên se se gió lạnh đưa về. Buổi sớm sương sa trắng mịt cánh đồng là lúc lũ dế mèn sinh sôi nảy nở. Chúng tôi chuẩn bị thuổng, giỏ ra đồng bắt dế.
Dế mèn to bằng ngón tay cái. Dế trống có đôi càng to khỏe, đầy gai nhọn để tự vệ. Dế mái nhỏ thon, cánh màu vàng ươm, bóng mượt. Tổ dế trống có đất đùn từng cục; tổ dế mái đất đùn tơi hơn. Khi gặp tổ dế, đào vài ba nhát là gặp dế. Bắt thật nhanh và cho ngay vào giỏ. Nhiều con khi bị vào giỏ rồi vẫn còn “tờ rích… tờ rích” gọi bạn.
Dế đem về ngắt đầu, kéo cả bọng ruột ra. Ngắt cánh, rửa sạch và nhét vào bụng dế vài hạt lạc rang. Xong chiên lên hoặc xào cùng cà, cùng nhút. Món dế ăn giòn, thơm bùi khó lẫn vào đâu được. Món dế bây giờ vào nhà hàng, thành đặc sản cho khách xa gần thưởng thức món dân dã ngày xưa…
Trong làn gió lành lạnh mỗi chiều, thuở ấy tuổi thơ chúng tôi ngập tràn cánh chuồn chuồn lấp loáng. Cả một trời chuồn chuồn bay cao bay thấp, bay dọc bay ngang. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
Chúng tôi thường đi bắt chuồn chuồn để chơi trò máy bay. Chơi xong thì thả chúng về cùng đồng bãi. Thế giới chuồn chuồn là cả một trang sách đầy sắc màu cổ tích. Chuồn chuồn hổ có bộ mặt dữ dằn, chuyên bắt lũ ruồi xanh ăn thịt. Chuồn chuồn bụi hiền lành, ngu ngơ đến tội nghiệp. Cứ vào lúc trời sẩm tối, họ hàng chúng đu mình dày đặc trong những lùm cây. Con chuồn chuồn cồ to xác, “chuyên trị” lũ bướm sâu và lũ muỗi cỏ ven đường. Nhưng khi đói, nó bắt cả chuồn chuồn đất hiền lành để lót dạ… Đằng góc bờ ao là con chuồn chuồn ớt khôn lanh, rất nhát bóng người và hầu như chưa thấy ai bắt được trái ớt chín biết bay ấy…
Tuổi ấu thơ tươi đẹp biết bao khi có những ngày hè được tắm mình trong hương đồng gió nội. Mùi ngai ngái của cỏ non, mùi phù sa đồng bãi, mùi phân trâu dọc đường ra bãi; cả mùi khói thơm bay nhè nhẹ ven đường mỗi buổi chiều ngõ quê đã đi vào kỷ niệm. Cả khung trời thơ ấu bỗng hiện về thắc thỏm khi tiếng ve ngân dài dọc con đường đỏ hồng hoa phượng và tím ngát bằng lăng…
… Vậy đó, dấu ấn tuổi thơ đâu dễ phai mờ – bởi đất mẹ quê hương luôn dành cho tuổi thơ những tháng ngày mùa hạ yên ả, đầy ắp yêu thương; trong veo như làn nước ao sen khi mùa thu về ngang ngõ…
Bạn đã có những tháng ngày chân đất đầu trần, tung tăng chân sáo trên con đường cát mịn bàn chân đầy bóng tre rì rào ru hát khúc ca thanh bình cùng ngọn gió nồm Nam…
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)