Y tế - Văn hóaThư giãn

Những ngày làm báo trong lòng địch

Tạp Chí Giáo Dục

Vào năm 1955, tôi bị ngụy quyền bắt giam vì đã tổ chức một cuộc biểu tình đòi phải thi hành hiệp định Genève thống nhất đất nước. Trong tù, tôi nghĩ phải chọn con đường báo chí để tiếp tục đấu tranh nên sau khi tìm cách vượt khỏi nhà lao Hội An, cuối năm 1956, tôi đã vào Sài Gòn để tiếp tục con đường làm báo cách mạng của mình… 

Nhà văn Vũ Hạnh ký tặng sách cho một độc giả

Năm đầu, Trương Văn Thông, một nhà giáo ở Đà Nẵng hằng tháng gửi tiền vào để nuôi tôi. Sau đó, tình cờ tôi gặp người bạn học cũ, ở tại Đà Nẵng là Lương Mậu Được, nay đã đổi tên là Lương Minh Đức, sĩ quan trong quân đội giới thiệu tôi đến Tạp chí Bách Khoa ở số 160 Phan Đình Phùng (đã đổi lại là Nguyễn Đình Chiểu sau ngày giải phóng).

Với nghề làm báo, ở giai đoạn khốc liệt đấu tranh thống nhất đất nước, Tạp chí Bách Khoa là nơi trú chân hết sức quan trọng trong cuộc đời tôi. Có thể gọi là một pháo đài để tôi tấn công – bằng ngòi bút của mình – vào nhiều đối tác mà tôi nhận thấy có thể xâm hại tình trạng đất nước. Gần 20 năm tôi đã gắn bó mật thiết với tạp chí này, xem đó là một gia đình thứ hai của mình.

Tạp chí Bách Khoa, ban đầu là nội san công đoàn gọi là Bách Khoa Bình Dân. Rồi được giao cho hai người trí thức Công giáo cầm đầu khi trở thành một tạp chí công khai, và người lãnh đạo đầu tiên, ông Huỳnh Văn Lang, quê ở Trà Vinh, nằm trong tổ hợp trí tuệ (gọi là Brain – trust) gồm những trí thức do Mỹ đào tạo đưa về phục vụ cho Ngô Đình Diệm, và người thứ hai ở miền Bắc di cư. Người phụ trách văn phòng tòa soạn là một phật tử, ông Lê Ngộ Châu, cũng từ Bắc vào sau ngày đất nước chia đôi.

1. Tôi cũng không rõ vì sao ông Lê Ngộ Châu lại lọt vào tạp chí này. Mấy năm sau, khi ông Huỳnh Văn Lang bận rộn với công việc của một Thống đốc ngân hàng, ông phó là Hoàng Minh Tuynh lại đảm nhận một tuần báo khác thì người cầm đầu tạp chí thuộc về ông Lê Ngộ Châu. Có thể nói đó là tờ tạp chí vào loại hàng đầu của chế độ ngụy, quy tụ nhiều cán bộ cấp cao và nhiều cây bút cỡ lớn. Với sự ân cần, hòa nhã và sự nghiêm túc đúng mức, ông Lê Ngộ Châu thu hút nhiều người cộng tác. Cứ mỗi thứ tư hàng tuần có cuộc gặp mặt tòa soạn cùng các cây bút nòng cốt tại trụ sở tạp chí để ăn bánh, uống trà nói đủ thứ chuyện, trừ chuyện chính trị. Bởi vì ngày ấy tư tưởng xã hội rất phức tạp, các quan điểm chính trị dễ gây tranh cãi và cả ẩu đả nên điều trước hết ông Lê Ngộ Châu yêu cầu là tuyệt đối không đả động đến các vấn đề chính trị.

Với nhiệm vụ đấu tranh, tôi phải tranh thủ giữ mục phê bình dù tôi chưa hề làm công việc này và cũng chưa được học qua lớp chính trị nào, nhưng tôi vững tin ở lý tưởng theo đuổi là sự thống nhất, độc lập của dân tộc mình để vươn đến sự thực hiện chủ nghĩa xã hội. Trước khi viết loại phê bình tôi phải thực hiện hai điều: một là chứng minh mình có khả năng sáng tác và nhờ sáng tác để tranh thủ thêm bạn đọc nên phải viết nhiều thể loại và nhiều đề tài, từ chuyện rừng núi đến chuyện nông thôn.

2. Với vai trò người chủ báo, ông Lê Ngộ Châu đã ủng hộ tôi và khuyến khích tôi trong công việc này. Gần 20 năm chưa có bài phê bình nào bị ông gạt bỏ hay cắt bỏ. Ông không hề khen và cũng không hề chê tôi, nhưng luôn giúp tôi những cơn hoạn nạn. Khi tôi bị giam giữ lần thứ ba (hai lần trước tôi chưa cộng tác với tạp chí này), ông đã gọi điện cho Đại tá Phạm Ngọc Thảo bấy giờ là Tỉnh trưởng Bến Tre để nhờ can thiệp cho tôi sớm tự do. Ông Thảo cũng viết cho Tạp chí Bách Khoa về các đề tài quân sự, thỉnh thoảng tôi cũng gặp ông ở tòa soạn nhưng lúc bấy giờ, tôi không thể nào biết được rằng ông đại tá này là điệp viên cách mạng.

3. Khi tôi bị bắt lần thứ tư thì ông Đoàn Thêm vừa vào tòa soạn, ông Lê Ngộ Châu đã nói: “Tội nghiệp, anh Vũ Hạnh bị bắt rồi”. Ông Đoàn Thêm cầm ngay điện thoại của báo gọi liền tướng Nguyễn Văn Là là Giám đốc Công an TP: “Các anh bắt Vũ Hạnh rồi, phải không?”. Sau khi nghe tiếng trả lời, ông Đoàn Thêm tiếp: “Này, bắt Vũ Hạnh thì cứ theo luật mà trừng trị chứ không nên tra tấn anh ấy”. Đúng ra, nếu xử theo luật thì tôi chẳng có tội nào. Tôi chỉ viết báo – đã qua xét duyệt – và được bố trí hoạt động đơn tuyến, không một tổ chức nào bắt tôi chỉ vì nghi ngờ và chỉ tra khảo mới mong tìm được nguyên nhân. Ông Đoàn Thêm là Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống, đẳng cấp trên các bộ trưởng nên có quyền uy, và ông cũng là người viết thường xuyên cho tạp chí này. Ông đã nhiều lần yêu cầu tôi đóng góp ý kiến, phê bình các sách ông đã xuất bản nhưng tôi phớt lờ dù sách của ông không đề cập đến các vấn đề chính trị nóng bỏng. Tôi phải im lặng vì dù khen ông hay là chê ông đều không thuận lợi cho một cán bộ hoạt động cách mạng, song ông không lấy đó làm phiền lòng. Khi nghe tôi được tự do, ông còn đem cao hổ cốt, sâm nhung đến gửi tòa soạn tặng tôi.

Khi còn viết bài phê bình ở Tạp chí Bách Khoa có biết bao nhiêu là chuyện vui buồn. Có thể nhắc lại, ông Phan Văn Tạo, Bộ trưởng Thông tin, cũng là một cộng tác viên của báo, khi cho ra đời tác phẩm Cái bong bóng lớn đã nhờ tôi viết một bài phê bình. Được sự thôi thúc của ông Lê Ngộ Châu, tôi đã thực hiện và nêu lên vài khiếm khuyết trong quyển sách. Bài vừa in ra trên tờ Bách Khoa thì hôm sau, ghé vào tòa báo, tôi thấy ông Phan Văn Tạo đã ngồi ở đấy, ăn vận chỉnh tề với chiếc cà vạt khá đẹp. Ông tiến lại bắt tay tôi và nói: “Rất cảm ơn ông. Vợ tôi đọc bài phê bình ông viết, thấy các khiếm khuyết mà ông nêu ra rất chính xác nên đã bảo tôi sớm đến để cảm ơn ông”. Và ông bắt tay tôi thêm lần nữa.

4. Có lẽ, với các cây bút gần   gũi với tờ tạp chí, người tôi gặp gỡ nhiều nhất là Võ Phiến (tên thật là Đoàn Thế Hối). Biết anh chống phá cách mạng, tôi không đề cập đến các vấn đề chính trị, và đó cũng là yêu cầu của ông chủ báo. Anh Võ Phiến là con người hòa nhã, ít lời, giống tôi ở điểm là không bia rượu và thuốc lá, luôn tỏ ra thân thiện với tất cả mọi người. Trong sự tiếp xúc nhiều năm, chúng tôi không hề va chạm, cãi cọ điều gì. Chỉ có một lần, tôi ra khỏi tù và được nghe một người ở tòa soạn kể lại. Sau khi tôi bị bắt thì trong cuộc họp vào đêm thứ tư hàng tuần, Võ Phiến có nói: “Cảnh sát chế độ này ngu quá! Đợi đến bây giờ mới tóm cổ được Vũ Hạnh”. Tôi không hề giận Võ Phiến vì tôi hiểu rằng bất cứ ai chống đối lại cách mạng thì trước hết đã lâm vào bi kịch của bản thân mình. Và từ trường hợp của gia đình anh Võ Phiến, tôi nhận thấy rõ trong môi trường văn hóa và khả năng tiếp nhận môi trường văn hóa ấy có ý nghĩa quyết định số kiếp con người. Từ thuở bé, anh đã đi theo người cha làm nghề dạy học, sống và lớn lên ở Nam bộ, tiếp nhận môi trường chiến đấu của vùng đất này. Và gần đây nhất, một người con trai của Võ Phiến là Đoàn Thế Phúc, bút hiệu Thu Tứ, kỹ sư hàng không của Mỹ đã sống ở Mỹ trên 40 năm, sau một chuyến về quê đã cảm nhận rằng sự chống phá cách mạng của thân phụ mình là sai. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trên tờ tuần báo Văn nghệ TP.HCM.

Gần 20 năm bút chiến trong lòng địch, không có Tạp chí Bách Khoa, tôi thật khó lòng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà cấp lãnh đạo giao phó. Và quan trọng nhất là nhờ ở sự tiếp tay của người chủ báo, ông Lê Ngộ Châu. Khi Nixon lên làm Tổng thống và đưa đại văn hào John Steinbeck qua ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tôi đã bày tỏ sự bất bình với ông chủ báo, vì văn hào này là người được giải Nobel, gọi là giải Hòa bình. Đến khi nhạc sĩ Phạm Duy được Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ trao thư cầm đến Tạp chí Bách Khoa mời tôi đến gặp ông Steinbeck cùng nhiều văn nghệ sĩ ở TP, tôi đã nghĩ ngay đến sự tấn công đại văn hào này. Ba câu hỏi chất vấn mà tôi đã chất vấn ông, đẩy ông vào sự sượng sùng khi được ông Lê Ngộ Châu góp ý.

***

Sau ngày giải phóng, khi biết tôi có tên trong đoàn đại biểu TP.HCM ra thăm thủ đô lần đầu, ông Lê Ngộ Châu mời tôi đến nhà – là tòa soạn cũ Tạp chí Bách Khoa – và trao cho tôi một số địa chỉ của người bác, người chú của ông ở Hà Nội để nhờ tôi nói với họ là vào trong Nam mấy mươi năm qua, ông không làm gì hại dân, hại nước. Tôi đã thực hiện tích cực điều ông nhờ cậy và đã nói tốt rất nhiều về ông để một số người trong tộc họ của ông cảm thấy vui lòng.

Nhà văn Vũ Hạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)