Nước rau má có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu trong mùa nắng nóng. Ảnh: P.V
|
Hiện nay, TP.HCM đang vào mùa nắng nóng, oi bức chúng ta cần lưu ý sử dụng một số thức uống có tác dụng chống say nắng, thanh nhiệt, bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Bài thuốc chống say nắng
Người bị say nắng do sinh hoạt, làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong môi trường nóng bức. Nếu nhẹ gọi là thương thử, nếu nặng gọi là trúng thử (thử: Nghĩa là khí nóng của mặt trời). Triệu chứng thường là: Sốt, khát nước, đi tiểu nhiều, không ra mồ hôi hoặc ít ra mồ hôi, người bứt rứt, đau đầu, mặt đỏ, hoa mắt. Nếu nặng có thể bị ngất, sốt rất cao (40-410C), mê sảng, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhạt. Khi bị say nắng, cần sơ cứu bằng cách đem ngay ra khỏi nơi nắng nóng, cho nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, yên tĩnh. Nới rộng quần áo, dùng khăn tẩm nước mát đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt. Cho uống nhiều nước (nước oresol, nước trà loãng pha với đường + muối (tỉ lệ 8g đường/1g muối).
Nếu trúng thử hôn mê phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Nếu ở thể nhẹ (thương thử), có thể dùng một trong các bài thuốc sau: Bột sắn dây – 30g, hòa với nước sôi để nguội 350ml thêm chút đường cho dễ uống. Ngày uống 2-3 lần; thịt quả dưa hấu 500-800g, ép lấy nước, chia 2-3 lần uống trong ngày; lá sen tươi 20g, lá hoắc hương tươi 16g, rễ cây lau (hoặc lá dâu tằm tươi) 16g. Nấu với 1 lít nước, còn lại 60ml chia 2-3 lần uống trong ngày; bí xanh (hoặc bí đao) 100-150g, gọt vỏ, rửa sạch, ép lấy nước uống 1-2 lần trong ngày; cháo giải thử (giải cảm nắng): Dùng một trong các chất liệu sau đây để nấu với gạo tẻ thành cháo: Lá sen tươi 1 cái, đậu xanh 30-50g, bộ (hoặc củ sắn dây) 30-50g, lá hương nhu 12-16g. Có thể thêm thịt heo nạc băm nhỏ và gia vị để ăn trong ngày.
Những thức uống có ích trong mùa nắng nóng
Rau má có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, giãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu, sản phụ ít sữa, phụ nữ thống kinh, bạch đới.
Ngày dùng 30-50g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Có thể nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.
Nước rau má, sắn dây: Rau má 300-500g, bột sắn dây 80-100g, đường cát trắng 100-150g. Rửa sạch rau má, giã nát hoặc xay nhuyễn, lọc lấy 200-300ml. Hòa bột sắn dây với nước rau má trộn đều, đun nhỏ lửa. Khi sôi cho đường vào quậy đều cho đến khi tan hết là được.
Cây mía còn gọi là cam giá, nước mía có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, giáng hỏa, thông đàm, làm ngừng nôn mửa, điều hòa chức năng dạ dày, nhuận trường, giã rượu, mạnh gân cốt, dưỡng huyết, lợi tiểu, tăng cường sinh lực. Thường dùng trong các trường hợp sốt cao, khát nước do ra nhiều mồ hôi, kiết lỵ do nóng trong người, ho đàm nhiệt, táo bón, tiểu tiện khó, nôn mửa, suy nhược cơ thể… Ngày dùng 250-500g mía tươi, rửa sạch, róc bỏ vỏ, chặt từng miếng nhỏ để ăn (bỏ bã, nuốt nước), hoặc ép lấy nước mía để uống. Có thể thêm ít nước chanh, quất, cam để uống. Người bụng lạnh, dễ tiêu chảy có thể dùng nước mía hấp chín hoặc nấu chín để uống. Cần lưu ý đến yếu tố vệ sinh trong khi chế biến.
Đậu ván trắng có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng hòa ngũ tạng, kiện tỳ, trừ phong, trừ thử nhiệt. Thường dùng trong các trường hợp: Cảm nắng khát nước, nôn mửa, ngộ độc rượu, tiêu chảy, ăn uống kém. Dùng loại đậu ván già, phơi hoặc sấy khô, rang chín vàng để nấu nước uống giải nhiệt, giải khát vào mùa nắng nóng. Một gia đình 4-5 người chỉ cần dùng khoảng 100g đậu ván rang vàng, nấu với 3-4 lít nước, là sẽ có một món giải khát bổ dưỡng, an toàn và ngon miệng.
Chanh dây được dùng chế nước giải khát theo cách sau: Rửa sạch quả, bổ đôi rồi nạo lấy hết nạc bên trong, cho vào rá sạch, chà nhẹ rồi ép lọc lấy dịch quả. Thêm nước lọc hoặc nước sôi để nguội cùng với một ít đường hoặc mật ong (lượng tùy ý thích), khuấy đều để uống. Có thể làm nước sinh tố kết hợp chanh dây cùng với một số trái cây khác như: Mãng cầu xiêm, cam, táo tây, nho, lê, sầu riêng, thơm (dứa)… để tăng tác dụng bổ dưỡng, giải nhiệt, giải khát, an thần, lợi tiểu, nhuận trường, tăng cường các chất chống ôxy hóa, giúp bảo vệ hệ tim mạch, phòng ngừa các bệnh mỡ máu cao, cao huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Nước sinh tố chuối, cà chua: Chú ý chỉ lột vỏ và cắt chuối ngay trước khi ăn hay chế biến để tránh bị nhũn và ngả màu. Nguyên liệu:Chuối cắt mỏng 500g, cà chua xắt nhỏ 300g,nước cốt cam 2 muỗng canh, nước cốt chanh 1 muỗng canh,đá bào 1/2 chén.Cách làm là cho hỗn hợp trên vào máy xay nhuyễn. Đổ ra ly uống liền.
Theo đông y, chuối vị ngọt, tính mát, không độc, có khả năng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân dịch; có tác dụng giảm phiền khát, nhuận phổi, nhuận tràng, thông huyết mạch, bổ tinh tủy, dùng để chữa các chứng bệnh táo bón, khô khát, say rượu, sốt, viêm gan vàng da, sưng tấy…
Lương y Đinh Công Bảy
(Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM)
Những ngày nắng nóng, nên dùng thêm một số thức ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu độc, phòng ngừa trúng nắng (thử nhiệt) như: Bí đao, mướp đắng, rau sam, mồng tơi, cải cúc (tần ô), đồng thời nên ăn thêm các loại chè như chè đậu xanh, đậu ván, sắn dây… đều rất có lợi cho sức khỏe. |
Bình luận (0)