Họ là những nghệ sĩ – diễn viên không có bất cứ một danh hiệu nào. Tuy nhiên những vai diễn của họ trên sân khấu, phim ảnh luôn được khán giả rất yêu mến và trân trọng tài năng thật sự!
Nghệ sĩ Mai Thanh Dung
1.Trong buổi trò chuyện với nghệ sĩ Mai Thanh Dung mới đây, cô liên tục lấy tay lau nước mắt. Cô bảo không phải cô khóc vì buồn mà cô khóc vì cô vui và hạnh phúc… Sức khỏe của cô hiện tại đã lạc quan hơn, cô còn được gặp lại đồng nghiệp, học trò, tận hưởng cuộc sống vui vẻ cùng các con, đó là điều mà cô cảm giác như một giấc mơ!
Mấy năm qua, cô không đi dạy, không đóng phim, đóng kịch, không xuất hiện trên truyền hình vì cô bệnh… Cô có nhiều chứng bệnh trong người từ tiểu đường, cao huyết áp, đau cột sống đến căn bệnh nặng nhất là tim mạch. Cô nói, có lúc tưởng cô không thể duy trì được sự sống của mình… Nhưng cuộc đời luôn có những điều kỳ diệu, nhất là với những người xứng đáng được sống như cô!
Nghệ sĩ Mai Thanh Dung năm 1958 trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, ngay từ nhỏ cô mơ ước trở thành luật sư nhưng vì nhiều biến cố đưa đẩy cô học thoại kịch tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 15 tuổi. Năm 1976, Bộ môn kịch nghệ được tách riêng để chuyển thành Trường Nghệ thuật Sân khấu II TP.HCM (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), nghệ sĩ Mai Thanh Dung được mời về giảng dạy Bộ môn tiếng nói sân khấu cho đến khi nghỉ hưu.
Ở vai trò giảng viên, cô đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh: NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, Hồng Đào, Thanh Thủy, Minh Nhí, Hữu Nghĩa, Hoàng Sơn, Nhật Cường, Trung Dân… Cô kể: “Tôi hạnh phúc khi thấy các học trò của mình thành tài, trong đó Hữu Châu là một học sinh nỗ lực, không bao giờ ngừng học hỏi. Tôi còn nhớ trong mỗi buổi học, Hữu Châu luôn là người đưa ra nhiều câu hỏi nhất. Từ lúc đó, tôi đã biết là Hữu Châu về sau sẽ thành danh”.
Nếu ai đã từng đọc qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi thì chắc chắn sẽ ấn tượng với nhân vật bà Tư Ù mập mạp, dễ gần và rất yêu quê hương đất nước. Từ truyện, bà Tư Ù bước lên màn ảnh phim “Đất phương Nam” của đạo diễn Vinh Sơn với tạo hình gần như là dành riêng cho diễn viên Mai Thanh Dung. Không chỉ có ngoại hình phốp pháp dễ thu hút, bà Tư Ù còn là người phụ nữ hiền lành, dễ mến, giàu lòng nhân hậu với tính cách xởi lởi. Điều đó đã thể hiện được trọn vẹn hình ảnh người nông dân miền Tây mộc mạc, chân chất.
65 tuổi đời, 50 năm tuổi nghề cùng hàng trăm vai diễn, với nghệ sĩ Mai Thanh Dung, danh hiệu cao nhất hiện nay dành cho cô chính là tình yêu thương của khán giả…
Diễn viên Phan Văn Sáng
2.Vai diễn “Chơn” trong phim “Chim phóng sinh” của đạo diễn Trần Quang Đại đã giúp người diễn viên khuyết tật – Phan Văn Sáng giành được giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất tại LHP toàn quốc vào năm 1998. Sau đó, anh liên tục được mời đóng phim và trở thành gương mặt diễn viên khuyết tật đóng nhiều phim nhất của Việt Nam.
Diễn viên Phan Văn Sáng kể: “Cát-sê phim cho vai Chơn lúc đó tổng cộng là 5 triệu đồng. Năm 1997, số tiền đó với tôi có giá trị khá lớn. Sau này tôi mới biết mình được ưu ái, chứ những diễn viên khác chỉ nhận được tầm 3 triệu đồng thôi. Tôi dùng số tiền này tích cóp mua chiếc xe máy hiện giờ tôi vẫn đang chạy. Sau này, nhiều người ngỏ ý mua lại xe của tôi với giá rất cao vì biết được giá trị tinh thần của nó là vô giá nhưng tôi không bán. Với tôi nó là kỷ niệm rất đẹp của một thời vàng son. Hiện tại, chiếc xe này vẫn còn rất tốt. Có bận tôi còn tự lái nó “phượt” lên tới Đà Lạt để đóng phim”.
Nhiều năm qua, diễn viên Phan Văn Sáng mất hút khỏi màn ảnh để điều trị căn bệnh ung thư đại tràng trong hoàn cảnh rất khó khăn. Vậy đó mà anh vẫn luôn lạc quan, không than vãn với nụ cười luôn nở trên môi… Thời gian nghệ sĩ Lê Bình bị ung thư nằm ở bệnh viện, anh đã đến tận nơi động viên đàn anh và giấu nhẹm bản thân mình cũng đang mang căn bệnh quái ác ấy!
Mới đây gặp lại anh, hỏi thăm về bệnh tình, anh vui mừng cho biết, bác sĩ bảo các tế bào ung thư trong người anh đã được khống chế, sức khỏe anh hiện tại rất tốt. Lại là một điều kỳ diệu cho người ở hiền gặp lành như anh!
20 năm trong nghề với biết bao vai diễn. Chỉ tính riêng nghị lực của một người nghệ sĩ khuyết tật vươn lên đã đủ phong cho anh danh hiệu. Vậy mà đến nay, anh vẫn chưa có danh hiệu nào?
Nghệ sĩ Hồng Nga (phải) trong vở “Nửa đời hương phấn”
3.Nghệ sĩ Hồng Nga được xem là một tài năng hiếm có của nền nghệ thuật nước nhà. Thời gian đi lưu diễn ở nước ngoài, bà thường dành dụm tiền bạc để mang về Việt Nam, đi thăm và giúp đỡ các đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nay, nhìn thấy cảnh các nghệ sĩ thế hệ đàn em đến nhà thăm và giúp đỡ bà lúc về già, thật ấm áp tình nghệ sĩ!
Nghệ sĩ Hồng Nga tên thật là Đinh Thị Nga, sinh năm 1946 chuyên gánh nước thuê ở quận 4, TP.HCM. Duyên số đưa đẩy bà gặp nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa. Ông nhận bà làm con nuôi, dạy ca đủ các bài ba Nam, sáu Bắc, vọng cổ… Khi đầu quân về đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn, tận dụng lợi thế diễn xuất, bà chuyển sang đóng đào mụ. Lên sân khấu, bà hóa thân người mẹ trong tuồng “Yên Ly Sơn”, đóng chung Út Trà Ôn. Vở diễn thành công rực rỡ, sau đó tên tuổi Hồng Nga được gắn với hàng loạt vai bà mẹ. Từ bà Hai Hương trong “Đời cô Lựu”, vợ ông Cò quận 9 trong “Tuyệt tình ca” đến bà Tư Hậu trong “Tiếng hò sông Hậu”, Hồng Nga khiến khán giả nhiều thế hệ thổn thức. Một giai đoạn, bà chuyên làm mẹ trên sân khấu của các nghệ sĩ cùng trang lứa như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang, hay sau này là Vũ Linh, Tài Linh, Thoại Mỹ…
Nghệ sĩ Hồng Nga hiện tại ít đi diễn, ít đi quay bởi trí nhớ của bà bị giảm sút rất nhiều. Những bài ca ruột của mình mà bà cũng quên không nhớ hết bài. Thế nhưng, giọng hát của bà vẫn còn rất khỏe, rất mùi, y chang như ngày nào trong các vở cải lương không hề thay đổi.
Nói về việc xét tặng danh hiệu NSƯT – NSND, nghệ sĩ Hồng Nga thẳng thắn: “Tôi nghĩ không cần thiết nữa. Vì khán giả tới xem tôi diễn, tức là khán giả thương tôi rồi chứ không phải vì danh hiệu nào cả. Tôi sống trong lòng mọi người là được rồi. Dù trí nhớ của tôi giảm sút nhưng khán giả vẫn còn thương tôi lắm. Chỉ cần như vậy là tôi đã quá hạnh phúc rồi…”.
Anh Khôi
Bình luận (0)