Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Những ngôi nhà sàn cổ dưới chân núi Khau A

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quốc lộ 279, qua những cung đường uốn lượn theo những dãy núi cao ngất trời, chúng tôi dừng chân ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) dưới chân núi Khau A cao vời vợi.

Những ngôi nhà sàn cổ Nghĩa Đô quần tụ dưới chân núi Khau A – Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Nghĩa Đô từ lâu được biết đến là một vùng đất cổ, nơi có những phong tục tập quán cổ truyền. Cuộc sống nơi đây hấp dẫn lòng người không chỉ ở khung cảnh thanh bình, yên ả mà còn bởi thung lũng này là nơi quần tụ của những ngôi nhà sàn cổ kính.

Đặt chân đến đầu xã Nghĩa Đô, đứng từ trên mỏm đất cao, phóng tầm mắt ra xa, bản làng hiện ra trước mắt chúng tôi tuyệt đẹp.

Dáng núi Khau A, Khau Rịa và Khau Choong sừng sững bao quanh Nghĩa Đô, những vệt nắng xuyên chiếu xuống dòng Nậm Luông đang chảy róc rách quanh những bản làng Tày. Một khung cảnh bình yên và thơ mộng đến lạ.

Đó cũng chính là không gian cho sự xuất hiện của những ngôi nhà sàn cổ vững chãi từ bao đời nay ở Nghĩa Đô.

Nghệ nhân người Tày Ma Thanh Sợi ở bản Rịa hào hứng và tự hào giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất và con người vùng Nghĩa Đô từ cổ xưa. Ông Sợi cho biết, trước đây Nghĩa Đô có tên là Mường Luông, nơi đây hoang vu bởi rừng rậm và thú dữ.

Mái nhà sàn của một gia đình người Tày ở Nghĩa Đô – Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Về sau, có một số người Tày từ Hà Giang phát đường tìm lối sang đây định cư sinh sống, rồi dần dần lập thành bản Tày. “Ngay từ thuở xưa đó, người Tày Nghĩa Đô đã có phong tục làm nhà sàn rồi”, ông Sợi cho biết.

Hiện nay, ở vùng đất Nghĩa Đô còn tới khoảng 50 ngôi nhà sàn cổ có niên đại trên 50 năm, nằm rải rác ở các bản Thâm Luông, Thâm Mạ, bản Đáp, bản Ràng, bản Rịa.

Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, phong tục dựng nhà sàn của người Tày chỉ có ở vùng này, không lẫn với bất cứ vùng nào. Do vậy, có thể nói những căn nhà sàn cổ hiện còn lại ở Nghĩa Đô đều ghi dấu những tập quán của đồng bào nơi đây.

Sự độc đáo của phong tục in sâu vào từng nếp lá, từng họa tiết, từng chiếc cột và cách thiết kế căn nhà.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong các bản, những ngôi ngà sàn cổ đều được dựng bằng những loại gỗ quý từ những cây gỗ to trên rừng sâu.

Để chuần bị đủ các nguyên vật liệu như cột, ván, sàn, cọ… người dân phải vào tận rừng sâu, núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm, thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm.
Ngôi nhà sàn cổ ở bản Thâm Luông Nghĩa Đô

Ngôi nhà sàn cổ ở bản Thâm Luông, Nghĩa Đô – Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Ông Nguyễn Văn Sư, chủ nhân ngôi nhà sàn cổ trên 50 năm ở bản Thâm Luông cho biết ngôi nhà sàn của tổ tiên để lại xưa kia được làm từ gỗ của một cây gỗ lim duy nhất trên rừng sâu. Phải mất đến 5 tháng, gia đình ông mới chặt, mang gỗ về nhà được.

Nhìn những cột nhà đã đen tịm màu thời gian chúng tôi cảm nhận được sự vững chãi bền lâu của ngôi nhà.

Người Tày Nghĩa Đô thường dựng nhà sàn ở sườn núi hoặc lưng đồi, ít khi dựng ở bãi đất thấp. Bởi theo quan niệm của họ, ở trên cao sẽ thoáng mát, phía trước sẽ nhìn được ra xa, tránh được lụt lội và lưng tựa vào núi vững chắc. Còn hướng nhà thường chọn nhìn ra suối. Bởi suối gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Chính vì vậy, những căn nhà sàn cổ ở Nghĩa Đô hiện nay có địa thế hết sức đẹp, vững chãi, sơn thủy hữu tình.

Nghệ thuật bài trí trong nhà sàn cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng cho văn hóa Tày vùng Nghĩa Đô. Nhà sàn của người Tày Nghĩa Đô thường đặt 3 bếp. Trong đó, một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình.

Bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa đông; bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng.

Bên cạnh đó, người Tày cũng thờ ma bếp ở ngay góc bếp hoặc cắm ống nhang vào bức vách thẳng khuôn bếp nhưng về vách phía sau gọi là “sỏi lội”.

“Có thời điểm, khách đến xem nhà sàn rồi hỏi mua, có người trả vài trăm triệu một căn nhà nhưng chúng tôi nhất quyết không bán vì nó như báu vật mà tổ tiên để lại”, ông Hoàng Văn Sứ – bản Đáp tâm sự.

Nhà sàn của đồng bào Tày Nghĩa Đô hiện nay vẫn giữ được cách thiết kế truyền thống – Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Từ đời này truyền sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với bao thế hệ từ lúc được sinh ra, lớn lên cho đến khi từ biệt cuộc sống để về với tổ tiên.

"Dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, nhân dân có điều kiện xây nhà mới, song nhiều gia đình ở các bản Tày Nghĩa Đô vẫn giữ lại những nếp nhà sàn như để giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền cho thế hệ sau”, ông Nguyễn Văn Quay – chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết.

Và đó cũng chính là lý do vì sao, ở Nghĩa Đô cho đến nay vẫn còn đó những căn nhà sàn cổ vững chãi bên dòng suối Nậm Luông.

Ông Nguyễn Văn Quay cũng cho biết thêm: “Trong những năm gần đây, người dân Tày Nghĩa Đô gìn giữ những ngôi nhà sàn cổ như những báu vật của cả vùng. Đồng thời, coi đây là không gian văn hóa để địa phương phát triển du lịch làng bản, gắn với hành trình du lịch về cội nguồn”.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

(TTO)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)