Tòa soạnThư đi – tin lại

Những ngôi trường còn bỏ hoang quỹ đất

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TP.HCM, do lượng học sinh (HS) hàng năm tăng cao trong lúc diện tích quỹ đất lại nhỏ hẹp nên nhiều trường phổ thông chật chội và quá tải. Trong khi đó, một số trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng nghề (CĐN) rất khó tuyển sinh lại có mặt bằng rộng nên vẫn còn bỏ hoang quỹ đất. Điều này dẫn đến tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

Đất rộng… HS thưa

Tọa lạc trên đường Mai Thị Lựu, P.Đa Kao, Q.1, Trường CĐN Nguyễn Trường Tộ có diện tích gần 5.000m2 nên cơ sở vật chất khang trang với 50 phòng học đạt chuẩn và nhiều xưởng thực hành rộng rãi. Tuy nhiên do lượng HS hàng năm đào tạo không nhiều nên hầu hết vẫn chưa tận dụng hết công suất phòng học, phòng chức năng. Ngoài cơ sở 1, Trường CĐN Nguyễn Trường Tộ còn có cơ sở 2 (số 30 Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp) có diện tích gần như gấp đôi cơ sở 1 (khoảng 10.000m2). Thế nhưng điều đáng buồn là nhiều năm nay cơ sở này hầu như bỏ hoang vì rất ít HS đến học và không xây dựng được gì thêm.

Đứng từ ngoài đường Nguyễn Văn Dung nhìn vào chỉ có một dãy lầu 3 tầng nằm lọt thỏm vào một lô đất cỏ mọc um tùm đằng sau 2 cánh cổng hầu như đóng im ỉm từ sáng đến chiều tối. Ông N. chạy xe ôm nhà ở cách đó mấy căn nói: “Trường rộng nhưng rất ít HS đến học, chỉ thấy có ông bảo vệ sống một mình”. Khi chúng tôi gọi điện thoại cho trường, đại diện Phòng Tổ chức nhà trường cho biết ngay ở cơ sở 1 sinh viên cũng rất ít, đa số phòng học đang cho Trường ĐH Mở TP.HCM thuê. Còn cơ sở 2 chủ yếu dành cho vài lớp thực hành mà thôi. Để xác minh chúng tôi gọi điện cho cơ sở 2 thì ông bảo vệ cho biết trong ngày chỉ có 1 lớp Khoa Cơ khí đang thực hành. Giáo viên dạy thực hành lớp cơ khí tên S. cũng cho biết: Mỗi tuần các em đến thực hành 2 buổi số lượng HS chỉ có 4-5 em…

Cơ sở 2 Trường CĐN Nguyễn Trường Tộ trông rất vắng vẻ

Tương tự, tình trạng vắng vẻ cũng xảy ra ở cơ sở 2 Trường Trung cấp Nông nghiệp TP.HCM ở số 52 đường 400, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM. Mặc dù quỹ đất cơ sở 1 rất hẹp nhưng tại cơ sở 2 có diện tích vô cùng rộng song nhiều năm nay ở đây vẫn không được xây mới và mở rộng quy mô trường lớp. Nhiều khu đất bỏ trống rất uổng phí vì không tận dụng hết. Tại đây hầu hết là những dãy nhà cấp 4 đã cũ, chủ yếu phục vụ công việc thực hành và sinh viên ở trọ nhưng cũng rất thưa thớt và vắng vẻ.

Vẫn phải chờ dự án

Ngày 31-7, làm việc với chúng tôi, ông Trần Ngọc Sơn – Phó hiệu trưởng Trường CĐN Nguyễn Trường Tộ (do ông Ngô Văn Hai – Hiệu trưởng nhà trường đi công tác) cho biết: “Mặc dù có diện tích gần 10.000m2 nhưng ở cơ sở 2 Ban Giám hiệu mới bố trí cho 2 khoa (Cơ khí và Điện tử) có văn phòng tại đây. Mặc dù đã có kế hoạch xây dựng từ nhiều năm nay nhưng cơ sở 2 vẫn chưa xây được trong đó có nguyên nhân là chưa hoàn thành dự án ở cơ sở 1”. Theo ông Sơn, dự án xây dựng tại cơ sở 1 đã xong về mặt thủ tục hành chính nhưng còn vướng 2 hộ dân ở góc đường Nguyễn Văn Thủ chưa đền bù giải tỏa được vì giá cả không thống nhất. Cũng chính vì còn nhiều phòng học nên nhà trường mới cho trường khác thuê. Ông Sơn cũng cho rằng, nói cơ sở 2 của trường bỏ hoang cũng không chính xác vì hàng tuần vẫn có sinh viên đến thực tập dù số lượng còn ít. Ngoài ra đây còn là nơi để các khóa sinh viên huấn luyện quân sự, tập thể thao học thể dục không phải thuê mướn sân bãi những chỗ khác. Hầu hết chương trình đào tạo các khóa học ở đây theo niên chế khóa sau “gối đầu” khóa trước nên so với danh sách thực tế HS thường ít hơn nhiều.

Ngày 5-8, chúng tôi có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Nông nghiệp TP.HCM. Ông Phạm Thế Sam – Hiệu trưởng nhà trường vừa mới nghỉ hưu cách đây 2 tháng (chưa có hiệu trưởng mới về thay) – cho biết: “Đúng là diện tích đất cơ sở 2 của trường chúng tôi rất rộng lên đến 140 mẫu (140.000m2) nhưng lại nằm quá xa trung tâm. Trước đây nhà trường có tổ chức cho sinh viên vào ở ký túc xá với giá chỉ 150.000 đồng/tháng nên gần như kín chỗ. Tuy nhiên do nơi ở xa nơi học nên dần dần các em đi thuê chỗ khác”. Cũng theo ông Sam lượng sinh viên hàng năm theo học nông nghiệp không phải là ngành thời thượng nên cũng không đông như các trường trung cấp khác. Đây là tình trạng kéo dài từ hàng chục năm nay. Theo báo cáo của Phòng Đào tạo năm học 2015-2016 trường cũng chỉ có 650 chỉ tiêu chủ yếu học tập tại cơ sở 1.

Khi đưa ra ý tưởng tận dụng quỹ đất bằng cách liên kết với các trường CĐ, ĐH khác thì ông Phạm Thế Sam cho rằng kết quả không khả thi vì các trường ở gần đó như ĐH Nông lâm, ĐH Quốc gia, ĐH An ninh… không khan hiếm mặt bằng như các trường trong nội thành. Còn xây dựng ký túc xá thì cũng bất khả thi vì số lượng sinh viên đầu vào của trường hàng năm quá ít.

Còn đối với Trường CĐN Nguyễn Trường Tộ, “Vì là trường công lập nên phải xây dựng theo dự án chứ không thể cho thuê mướn tùy tiện được. Mặc dù nhiều năm nay trường đã đưa ra nhiều phương án nhưng vẫn chưa thực hiện được vì không có ngân sách nên đất vẫn nằm chờ”, ông Trần Ngọc Sơn cho biết: Hướng giải quyết là sẽ xây khu ký túc xá cho sinh viên nhưng cũng cần phải tích lũy vốn chứ không thể muốn thực hiện là có ngay. Còn cơ sở tại Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) dù có trên trang web nhà trường nhưng vẫn chưa được cấp chính thức.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Bình luận (0)