Trường học công nghệ, trường dành cho giao tiếp xuyên văn hóa… đang bị xem là 'kẻ phá bĩnh' các trường tư 'kỳ cựu' ở thành phố New York. Họ dạy học sinh ra sao?
Học sinh theo học tại Trường Portfolio School – Ảnh: The New York Times
Dù học phí hằng năm lên đến 50.000 USD hoặc hơn, nhưng các trường tư ở New York vẫn tồn tại với số lượng học sinh hạn chế và một quy trình xét tuyển có thể khiến những bậc phụ huynh bình tĩnh nhất cũng tỏ ra lo lắng.
Theo The New York Times, triết lý mà các trường ở đây theo đuổi khá đa dạng, từ truyền thống đến tiến bộ, nhưng nhìn chung họ thay đổi chậm, nếu không muốn nói là không hề.
Vì lẽ đó, nhiều startup nói rằng họ có thể mang lại nhiều chọn lựa mang tính thay thế của thế kỷ 21 hơn – và thực tế là một vài người trong số họ đang kiếm được lợi nhuận nhờ điều này.
Nở rộ trường tư do các startup thành lập
Đó là những ngôi trường của AltSchool, một startup có trụ sở ở San Francisco. Startup này cho biết họ có thể sử dụng công nghệ để cách mạng hóa giáo dục.
Họ đã mở "ngôi trường vi mô" đầu tiên của mình ở New York trong năm 2015, và từ đó đến nay đã mở thêm hai ngôi trường khác.
Cũng có những ngôi trường có học phí tương đối "mềm" như Portfolio School được mở hồi năm ngoái ở khu TriBeCa nhờ dùng công nghệ để giảm chi phí quản trị xuống, nhưng lại nhấn mạnh đến việc học mang tính trải nghiệm, chẳng hạn như cho học sinh thiết kế nhà dành cho các chú chuột bạch đang được cả lớp nuôi làm thú cưng.
Còn các ngôi trường của BASIS ở Brooklyn và Manhattan thì lại mang đến một chương trình học truyền thống, đặt nặng về khoa học, nhưng lại có học phí ít hơn khoảng 1/3 so với những trường tư uy tín nhất ở New York.
Ngoài ra, có những ngôi trường dành cho giao tiếp xuyên văn hóa, như Wetherby-Pembridge, một cơ sở nước ngoài của một ngôi trường của Anh, nơi thường tự hào rằng đã từng được 2 hoàng tử William và Harry theo học.
Học sinh mẫu giáo trong giờ học toán ở Trường Wetherby-Pembridge – Ảnh: The New York Times
Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự có mặt của "tân binh" WeWork, một công ty chuyên về chia sẻ không gian văn phòng vừa gây chấn động thế giới bán lẻ của New York bằng thương vụ mua lại tòa nhà Lord & Taylor.
Mới đây, công ty này thông báo rằng họ sẽ thành lập một ngôi trường riêng vào năm tới có tên là WeGrow. Rebekah Neumann – một trong những sáng lập viên của công ty, mô tả WeGrow là "một ngôi trường mang tính doanh nhân kiểu mới, chuyên phát huy những năng lực siêu phàm của mỗi đứa trẻ".
WeWork dự định kết hợp việc kinh doanh bất động sản và giáo dục của họ để củng cố cho nhau, giúp các bậc phụ huynh có cơ hội gửi con mình tại ngôi trường trong cùng tòa nhà mà họ đang làm việc và có thể gặp chúng để ăn trưa.
Trong tương lai, công ty này dự định sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều thành phố khác để các bậc phụ huynh cần đi du lịch hay chuyển địa điểm làm việc có thể dễ dàng chuyển con mình từ cơ sở này sang cơ sở khác của WeGrow.
Không phải "dễ ăn"
Học sinh Trường Portfolio học nhạc qua dự án phim – Ảnh: The New York Times
Không giống hầu hết các trường tư của New York, những người mới đến này đều là các doanh nghiệp vì lợi nhuận.
Matt Greenfield – giám đốc điều hành của ReThink Education, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ giáo dục – cho biết nhóm trường mới này dường như phản ánh một sự pha trộn của các dự án đam mê, bắt đầu bởi những bậc phụ huynh thất vọng với các chọn lựa có sẵn, muốn tạo ra ngôi trường "trong mơ" của họ và những dự án kinh doanh.
Dĩ nhiên thành công là điều không hề được bảo đảm, và một số trường đã bắt đầu có vấn đề. AltSchool – ngôi trường mà Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, đang là một trong những nhà đầu tư – gần đây thông báo họ sẽ đóng cửa 2 chi nhánh của mình.
Dù học phí ở các chi nhánh ở New York là 32.000 USD dành cho tiểu học, và 37.500 USD dành cho trung học, nhưng công ty này cho biết các ngôi trường của họ vẫn chưa có khả năng hòa vốn.
Một số ngôi trường vì lợi nhuận khác được mở trong thập niên qua cũng đã được sang tay. Chẳng hạn Mandell School – một trường mẫu giáo từng được mở rộng thành trường tiểu học, đã đột ngột đóng cửa các lớp tiểu học của họ vào cuối năm ngoái. BASIS giờ đây đã thay thế họ trong tòa nhà ở khu Upper West Side.
Ngôi trường hoạt động vì lợi nhuận thu hút được nhiều sự chú ý nhất trong những năm gần đây nhờ vào tham vọng và học phí "hấp dẫn" của họ là Avenues. Trường này được mở hồi năm 2012, và Avenues cam kết tạo ra những học sinh sẵn sàng có khả năng hội nhập toàn cầu bằng cách giảng dạy song ngữ Tây Ban Nha và tiếng Quan Thoại.
Những người sáng lập của ngôi trường này thậm chí còn "mơ" tới một mạng lưới 20 cơ sở trên khắp thế giới.
Avenues đã thành công trong việc thu hút học sinh khi có đến 1.600 em đang theo học từ mẫu giáo cho đến lớp 12 tại cơ sở của họ ở Chelsea. Tuy nhiên, việc mở rộng ra khắp thế giới của họ đã không diễn ra như kế hoạch. Cho đến nay, họ cũng chỉ có một ngôi trường duy nhất ở thành phố New York.
Một số người quan sát đang tỏ ra hoài nghi về những ngôi trường mới này. Amanda Uhry – sáng lập viên và chủ sở hữu của một trường tư ở Manhattan, cho biết bà không khuyến khích phụ huynh nộp đơn cho con vào các ngôi trường vì lợi nhuận, vì bà không có niềm tin vào tính ổn định lâu dài của các trường đó.
Theo kinh nghiệm của bà, nhiều gia đình "thích cho con học trường công hơn là một ngôi trường tư mới toanh không có bề dày lịch sử".
Tuy vậy, WeWork dường như tin rằng họ sẽ tìm được thị trường cho mình. Một cố vấn của trường nói rằng tính sư phạm từ những mô hình tiến bộ như Waldorf và Montessori sẽ giúp thu hút học sinh.
Các học sinh của họ sẽ được tập yoga, thiền và được đều đặn đến thăm nông trại rộng 60 mẫu của gia đình sáng lập viên Neumann ở Pound Ridge, New York và nấu nướng bằng những nguyên liệu được thu hoạch ở đó.
Trò chuyện với Bloomberg, bà Neumann nói rằng học sinh ở đây sẽ được cố vấn bởi những doanh nhân đang thuê không gian làm việc của WeWork và được khuyến khích lập doanh nghiệp riêng.
Bà cũng cho biết đã có một học sinh 8 tuổi trong ngôi trường thử nghiệm của WeWork làm ra những chiếc áo thun để bán tại một quầy hàng do chính các em quản lý và sẽ sớm được nhận vào học việc với các nhà thiết kế thời trang đang làm việc tại những văn phòng của WeWork.
Ngôi trường này sẽ có thể bắt đầu bên trong tòa nhà của WeWork trên đường số 18, phía Tây và sau đó chuyển tới trụ sở chính ở tòa nhà Lord & Taylor trên đại lộ thứ 5. WeWork đang nhắm tới mục tiêu bắt đầu năm tới với khoảng 70 học sinh từ 3 tuổi đến lớp 4 và cuối cùng sẽ mở rộng lên tới lớp 12.
Theo Matt Greenfield – giám đốc điều hành của ReThink Education, từ những gì ông đọc được thì bà Neumann dường như là người chân thành, và bản thân ông nghĩ rằng cho học sinh tiếp xúc với việc kinh doanh và những ngành nghề khác là rất có lợi.
"Điều đó không có nghĩa rằng mô hình đó sẽ có tác dụng, nhưng tôi không nghĩ nhiều em sẽ bị gây hại nghiêm trọng nếu như nó không hiệu quả", ông nói.
Bình luận (0)