Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những ngôi trường mầm non có “tên” mà không có “mặt”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 22-8-2008, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà đã có công văn số 5326 về việc xây dựng các trường mầm non (MN) gửi UBND các quận, huyện và các sở liên quan. Theo đó những xã, phường trắng trường MN sẽ được đầu tư xây dựng. Công văn đã có hiệu lực gần một năm nhưng trường thì mới chỉ có cái tên…
Trong 2 năm phải xây dựng 16 trường MN
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Trước đây Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã từng nói mỗi xã, phường phải có một trường MN công lập. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều xã, phường chưa có trường MN công lập. Theo đó, công văn 5326 do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà ký năm 2008 đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và quận, huyện tiến hành xây dựng trường MN tại những địa bàn còn trắng trường. Tuy nhiên đến thời điểm này, tất cả các trường vẫn chỉ nằm trên giấy…”.
Theo công văn 5326 thì trong hai năm 2008 và 2009 sẽ có 14 trường MN được lập dự án xây dựng mới bằng nguồn vốn ngân sách và 2 trường xây dựng theo phương thức xã hội hóa. UBND TP đã giao Sở Kế hoạch & Đầu tư TP xác định cụ thể chỉ tiêu kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư xây dựng 5 trường MN trong năm 2008. Đó là các trường MN 11 (Q.Gò Vấp); MN Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân); MN Phú Hòa, MN Tuổi Xanh (Q.Tân Bình) và MN Rạng Đông (Q.Tân Phú). Cũng trong năm 2008, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP có trách nhiệm hướng dẫn UBND các quận liên quan tổ chức kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa đối với 2 trường là MN 6 (Q.Gò Vấp) và MN Bông Sen (Q.Tân Phú). Năm 2009, tiếp tục có 8 trường được ghi vốn xây dựng, bao gồm các trường MN Bình Hưng Hòa A, MN Bình Trị Đông (Q.Bình Tân); MN 12 (Q.Gò Vấp); MN Hòa Thạnh, MN Phú Thạch và MN Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú); MN Linh Tây (Q.Thủ Đức) và MN 8 (Q.6). Ngoài ra, ngân sách thành phố sẽ chi để bồi thường giải tỏa xây mới Trường MN 27 (Q.Bình Thạnh).
Về phía các quận, huyện, UBND TP giao các địa phương sớm xác định quỹ đất (nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận, huyện) để xây dựng các trường MN ở các phường, xã chưa có trường công lập.
Chỉ đạo của UBND TP là vậy nhưng thực tế thì sao?
Tất cả vẫn còn trên giấy
Q.6 được đánh giá là địa phương nhanh nhất trong vấn đề xóa phường trắng trường MN công lập. Tuy nhiên, đến thời điểm này Trường MN 8 vẫn đang nằm trên giấy. “Hiện nay UBND quận đã dành đất để xây dựng trường, song vẫn phải chờ khảo sát rồi mới khởi công xây dựng được. Nếu nhanh thì trong năm 2009 này sẽ tiến hành xây…”, bà Phan Thị Kim Phượng – Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cho biết.
Là một quận có đông dân nhập cư, điều đáng bận tâm là phần lớn dân nhập cư đều trong độ tuổi sinh đẻ. Thế nhưng Thủ Đức vẫn còn tới 2 phường trắng trường MN công lập, đó là P.Linh Tây và P.Tam Phú. Theo chỉ đạo của UBND TP thì Trường MN P.Linh Tây phải được xây dựng trong năm 2009 nhưng đến nay thì… mới chỉ có đất. Ông Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết: “Thủ Đức đã quy hoạch đất để xây dựng trường MN ở 2 phường chưa có trường công lập, mỗi trường rộng khoảng 6.000 m2. Quận cũng đã trình UBND TP bảng quy hoạch chi tiết. Song đến nay vẫn chưa thấy ngân sách rót về để khởi công xây dựng…”.
Hiện Q.Gò Vấp vẫn còn tới 3 phường chưa có trường MN công lập. Song theo ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT quận thì mới chỉ có một phường có đất cụ thể, còn lại đều nằm trong bảng quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học.
So với các quận, huyện khác, Bình Tân là địa phương thiếu trường MN trầm trọng. Theo ông Trần Hữu Vĩnh – Trưởng phòng GD-ĐT quận thì: “Bình Tân hiện có nhu cầu xây thêm 5 trường MN công lập, tất cả các trường đều đã có đất. Về vốn thì UBND TP đã chấp thuận, tuy nhiên trước mắt sẽ ưu tiên xây dựng 3 trường ở P.Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B và Bình Trị Đông. Cả 3 phường này hiện vẫn chưa có trường MN công lập”…
Cũng như các địa phương trên, Tân Phú và Tân Bình hiện vẫn còn nhiều phường trắng trường MN công lập. Mặc dù ngành giáo dục đã nhiều lần kiến nghị xây dựng trường và UBND TP cũng đã chấp thuận. Đặc biệt, UBND quận cũng đã dành đất cho việc xây dựng trường. Tuy nhiên cái khó hiện nay của các địa phương vẫn là vấn đề “tiền đâu”? Và chừng nào chưa có tiền thì chừng đó các cháu còn phải học chen chúc ở các nhóm trẻ gia đình không đảm bảo an toàn, hoặc học ở các trường tư thục với mức học phí cao…
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)