Sự kiện giáo dụcTin tức

Những ngôi trường sống chung với nước

Tạp Chí Giáo Dục

Trường TH Thạnh Lộc (Q.12) năm nào cũng bị ngập do vỡ đê bao

Năm nào cũng vậy, bước vào những tháng cuối năm, chỉ cần một cơn mưa hoặc triều cường lên là toàn bộ ngôi trường bị ngập. Những đống bùn, rác còn để lại sau khi nước rút gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đó là thực trạng mà không ít trường học trên địa bàn thành phố đang phải đối mặt.
Mưa là ngập
Có mặt tại Trường THCS Phước Bình (Q.9) trong những ngày mưa và triều cường dâng cao vừa qua, chúng tôi ghi nhận tình trạng trường bị ngập nước là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chỉ cần một cơn mưa kéo dài khoảng 10 phút là toàn bộ sân trường nhanh chóng trở thành biển nước, bi đát hơn nước còn tràn vào tận các phòng học, phòng làm việc của thầy cô. Một nhân viên bảo vệ của trường cho biết, tình trạng ngập xuất hiện từ năm ngoái. Riêng từ đầu năm học tới nay trường đã bị ngập 3 lần. Cao điểm là trận mưa cách đây gần 2 tuần, nước lên cao đến nửa mét “nhấn chìm” toàn bộ lớp học, các phòng làm việc. Mỗi lần ngập như thế, phải mất 4-5 giờ nước mới rút từ từ. Toàn bộ học sinh phải ngồi bó gối trong lớp học đến hết giờ rồi lội nước về. Hậu quả để lại sau mỗi lần nước tràn vào là những váng bùn ở dưới cống theo con nước lùa vào sân, phòng học đen ngòm. Rác trôi đầy rẫy khắp các bàn ghế khiến tập thể giáo viên nhà trường phải dọn, tẩy rửa cả buổi vẫn không hết mùi hôi. Đặc biệt là nước từ khu chợ Phước Bình trôi xuống nên biến sân trường thành bãi chứa ô nhiễm.
Do khu vực này là vùng trũng, toàn bộ nước ở khu vực xung quanh đều đổ về khi có mưa nên không chỉ có Trường THCS Phước Bình “chịu trận” mà các trường Mầm non và Tiểu học Phước Bình cũng phải chịu chung cảnh ngập lụt. Cô Trần Thị Thanh Lan – Phó hiệu trưởng Trường MN Phước Bình kể: “Mỗi lần mưa là nước tràn vào ngập hết các phòng, từ phòng học đến phòng chức năng. Đợt ngập mới đây nước lên đến cả nửa mét, toàn bộ 715 cháu không học được phải ngồi bó gối chờ phụ huynh đến đón về. Đặc biệt, có hôm ngập từ 3 giờ chiều cho đến 9 giờ tối nước mới rút từ từ, nước tràn vào cả bồn nước sinh hoạt, bồn nước rửa tay của các cháu”. Đi một vòng quanh trường, chúng tôi thấy hầu hết chân bàn ghế ở phòng họp đã bị bong tróc và mục do bị ngâm nước nhiều. Điều mà các giáo viên ở đây lo ngại là nếu không sớm thoát khỏi cảnh ngập lụt, lâu ngày cơ sở vật chất của ba ngôi trường này sẽ hư hết.
Hiện một số trường khác cũng đang thấp thỏm từng ngày đối mặt với tình trạng ngập như Trường TH Vạn Nguyên, THPT Ngô Gia Tự (Q.8),…
Giải pháp: Ngồi chờ nước rút!
Theo những người dân ở khu vực gần các trường thường xuyên bị ngập cho biết, đa số các trường đã xây dựng từ lâu, thiết kế cốt nền lại thấp hơn nhiều so với mặt đường. Đã thế tình trạng san lấp mặt bằng, cơi nới nhà làm bịt hết ao hồ cống rãnh nên chỉ cần một cơn mưa là các trường đều biến thành “biển nước”. 
Thầy Trần Văn Lộc – Phó hiệu trưởng Trường THCS Phước Bình cho biết: “Trường chúng tôi đã được xây dựng từ năm 1972, thiết kế cốt nền lại thấp hơn mặt đường, đồng thời đây là vùng trũng của phường, nước ở các nơi đổ về nên phải chịu ngập. Cống thoát nước băng qua đường chảy xuống ao phía trước nhưng đã bị lấp nên nước không thoát được. Chỉ cần một cơn mưa là nước lênh láng cả trường. Tình trạng này tồn tại đã lâu và trường cũng đề xuất với phường hướng khắc phục bằng cách nâng cốt nền. Tuy nhiên ngay cả phường cũng bị ngập thì không biết phải làm thế nào”.
Còn cô Trần Thị Thanh Lan – Phó hiệu trưởng Trường MN Phước Bình bức xúc: “Có đặt máy bơm cũng không giải quyết được gì bởi sân trường thấp hơn mặt đường nhiều. Vì vậy khi trường ngập thì cả thầy và trò chỉ biết ngồi chờ nước rút”. Cổng trường cũng đã được xây nâng cao lên nhằm ngăn nước nhưng vẫn ngập, riêng phòng bảo vệ đã được xây bờ gạch chắn ngang cửa cả tấc nhưng nước vẫn tràn vào.
Giải pháp “truyền thống” hiện nay vẫn được các trường sử dụng là mỗi khi bị ngập thì đặt máy bơm hút nước, đục lỗ chân tường phòng học, khai thông các cống để thoát nước, tuy nhiên không mấy hiệu quả. Bởi theo như anh bảo vệ Trường THCS Phước Bình, đó chỉ là cách giải quyết của những năm trước, chứ bây giờ nước không có đường thoát thì không thể bơm, và máy bơm của trường cũng bị ngập nước nên đã hư. Theo ý kiến nhiều trường, việc cấp bách là phải khai thông hệ thống cống rãnh thoát nước ở những khu vực gần trường thật triệt để thì nước mới thoát được. Việc xin ý kiến nâng nền trường cũng được nhiều trường đề xuất với phường, quận trong giải pháp chống ngập lâu dài. Trong khi vấn đề nâng cốt nền chưa được thông qua, thì nhiều trường đành phải “cố gắng thích nghi và sống chung với nước”. Và điều mong mỏi lớn nhất của nhà trường và phụ huynh là vấn đề cống rãnh cần được cải thiện để thầy trò không còn phải chịu cảnh bì bõm lội nước vào lớp, ngửi mùi hôi tanh của nước cống tràn lên mỗi khi có triều cường hoặc mưa lớn.
Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi ghi nhận một số trường năm trước bị ngập như THCS Bình Đông, THCS Tùng Thiện Vương (Q.8), TH Tân Hiệp (Hóc Môn) hiện đang tích cực lắp đặt cống thoát nước, khai thông cống rãnh để tránh ngập. Một số trường như THCS Hiệp Bình, TH Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) đã đỡ ngập nhiều do được làm cống.
Nguyên Hải

Bình luận (0)

Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những ngôi trường “sống chung với nước”

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học trò Trường TH Nguyễn Văn Thệ học trong nướcNăm nào cũng vậy, khi vào mùa triều cường dâng cao (từ tháng 9 đến tháng 12) thì điệp khúc “cô trò bì bõm lội nước đi học” ở một số trường thuộc các quận ven và ngoại thành lại được nhắc tới. Mùa triều cường năm nay chỉ mới bắt đầu nhưng một số trường ở Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 8, 12… lại chịu cảnh ngập chìm trong nước.

Đến hẹn lại lên

Ngôi trường đầu tiên được nhắc tên trong danh sách “ngập thường xuyên” là Trường TH Nguyễn Văn Thệ (đường Hà Huy Giáp, KP.3, P. Thạnh Xuân, Q.12). Chúng tôi thật khó có thể hình dung là ngay giữa TP.HCM – một thành phố luôn đi đầu trong cả nước về phát triển giáo dục, có sự đầu tư rất lớn cho giáo dục từ cấp trung ương mà còn tồn tại một ngôi trường ọp ẹp đến thế. Bàn ghế thì đã “bạc màu thời gian”, mục gãy khá nhiều, lớp học thì chật chội, ẩm thấp và không đúng quy chuẩn của Bộ…

Có mặt tại trường vào trưa ngày 15-9-2008 sau một cơn mưa lớn chúng tôi không khỏi ái ngại khi nhìn thấy gần 500 học sinh của trường chỉ biết bó gối ngồi trong lớp, vì sân trường đã trắng xóa một màu bàng bạc của nước khi bị ngập sâu đến gần nửa mét. Trao đổi với chúng tôi, cô Huỳnh Thị Tuyết Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chưa vào đỉnh điểm mùa ngập nhưng trường đã ngập lênh láng nước chỉ sau một cơn mưa. Năm nào cũng vậy cứ đến những tháng mưa nhiều và đợt triều cường thì trường gần như chìm trong biển nước, các em học sinh không thể vui chơi vì sân trường đã trắng xóa!”. Cô Vân băn khoăn: “Hiện nay đường Hà Huy Giáp đang được sửa chữa, nâng cao (mặt đường cao hơn sân trường khoảng 50cm) tôi bảo đảm khi đường hoàn thành, trường tôi sẽ trở thành cái “phễu” chứa nước của khu vực và chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi tình trạng ngập nặng. Vì  trường thì quá thấp, đường thì quá cao, nước từ trên đường Hà Huy Giáp sẽ dồn thẳng xuống trường. Lúc ấy tôi không biết sẽ phải xử lý ra sao và khắc phục như thế nào”.

Cũng trong tâm trạng lo âu phập phồng vì…  ngập lụt là hoàn cảnh của hàng loạt ban giám hiệu các trường như: Trường TH Thạnh Lộc, TH Hiệp Thành (Q.12), TH Bình Qưới Tây (Bình Thạnh), TH Bông Sao, TH Phạm Thế Hiển (Q.8), THCS Lương Thế Vinh (Q.1), THCS Hiệp Bình (Thủ Đức)… Có mặt tại Trường TH Thạnh Lộc vào chiều 16-9 (chưa phải đỉnh triều trong tháng 9) chúng tôi ghi nhận tình trạng ngập lụt tại đây vẫn xảy ra, tuy không nghiêm trọng như mọi năm nhưng dự báo trường ngập vào những ngày đỉnh triều là điều khó tránh khỏi. Riêng Trường TH Phạm Thế Hiển thì bi đát hơn, học sinh đã phải lội nước đi học không dưới 3 lần trong đợt triều cường vừa rồi. Trường TH Bình Qưới Tây cũng không thoát cảnh tương tự vì nằm gần sông Sài Gòn, mấy ngày nay không ngày nào là học sinh của trường không phải lội nước đi học. Từ những ghi nhận thực tế trên chúng tôi có thể dự báo mùa triều cường năm nay sẽ lại tiếp tục có hàng loạt trường học cùng hàng ngàn học sinh phải “học chung với nước”.

Cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Thạnh Lộc lo lắng: “Có thể nói trường tôi năm nay đã giảm ngập đáng kể nhưng nói hết ngập thì không thể hết, nếu không nâng cốt nền trường, cải tạo bờ bao, nạo vét sông rạch xung quanh thì đến mùa triều cường trường vẫn sẽ bị ngập. Tuy nhiên, trường tôi bây giờ chỉ bị ngập phần sân nhỏ phía sau trường mà thôi, nhưng vì mảng sân sau thường xuyên bị ngập úng, tù đọng trong mùa triều cường nên muỗi sẽ rất dễ phát sinh và có thể gây bệnh cho học sinh, chính vì thế năm nào tới mùa ngập chúng tôi cũng đều phải xịt thuốc muỗi phòng ngừa”.

Cố gắng… thích nghi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân gây ngập cho các trường trên chủ yếu là do các trường đã lâu không được nâng cấp sửa chữa, nền thấp dưới đỉnh triều cường, lại nằm ngay phụ lưu của các nhánh sông Sài Gòn, sông Vàm Thuận nhưng bờ bao không có hoặc nếu có cũng rất rệu rã, yếu ớt. Vì vậy mỗi khi đến mùa mưa, đặc biệt là mùa triều cường thì y như rằng các ngôi trường trên đều bị nhấn chìm trong nước. Khi hỏi đến các giải pháp thì hiệu trưởng các trường trên đều lắc đầu ngao ngán: “Chủ trương của quận là cố gắng thích nghi, cố gắng khắc phục trong khả năng có thể, vì kinh phí xin sửa chữa lớn nên trình từ mấy năm qua đến nay vẫn chưa thấy duyệt”. Bên cạnh việc cố gắng thích nghi với hoàn cảnh thì việc khắc phục kiểu chữa cháy, theo phương pháp thủ công như: dùng máy bơm bơm nước ra ngoài, gia cố chân tường trường bằng các bao cát, khơi thông cống rãnh, khơi thông dòng chảy, ngồi đợi nước rút… mỗi khi triều cường gây ngập cục bộ… là giải pháp duy nhất cho các trường này hiện nay. Những giải pháp kiểu chữa cháy này được áp dụng từ năm này qua năm kia. Thiết nghĩ để dứt điểm tình trạng ngập úng trên, các địa phương cần phải có những chính sách và kế hoạch lớn hơn trong việc chống ngập như: xây dựng trường mới, nâng cốt nền các trường bị ngập, xây bờ bao, nạo vét sông rạch…

Mùa triều cường năm nay đang về, đỉnh triều được dự báo sẽ đạt mức 1,35m vào ngày hôm nay (19-9), kèm theo dự báo mưa dầm sẽ kéo dài và gây ngập úng trên diện rộng tại TP.HCM. Điều này cũng đồng nghĩa là thầy trò tại các trường trên tiếp tục sống chung với ngập lụt trong suốt mùa triều cường năm nay. Điều chúng tôi ray rứt là liệu các em học sinh phải chịu cảnh học tập trong môi trường ô nhiễm và bệnh tật vì nước tù đọng như thế này cho đến bao giờ?

Anh Nguyễn