Ông Sáu Lung vui thú bên vườn hoa kiểng |
Không ít nông dân đã bỏ ra hàng ngàn mét vuông đất trị giá hàng tỷ đồng đóng góp để xây dựng thành những ngôi trường… Từng thế hệ học sinh lần lượt đi qua, những ngôi trường ấy vẫn in mãi hình bóng của những lão nông thầm lặng đem cái chữ cho con em ở các phường xã nghèo của thành phố…
Ông Sáu xây trường…
Vào địa phận ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè hỏi thăm nhà ông Trần Văn Thời ít có người biết đến, nhưng khi hỏi đến tên ông Sáu Lung (tên tục của ông) thì khắp làng trên xóm dưới ai cũng biết. Thằng bé trạc 9 tuổi, đi mò cua ngoài đồng về mình mẩy còn dính đầy bùn sình trả lời răm rắp: “Nhà ông Sáu xây trường, xây đường hả chú? Chú cứ đi dọc theo con đường này đến ngôi nhà tường lớn có nhiều hoa kiểng trong sân vườn là nhà của ông Sáu đó!”. Thật ra biệt danh ông Sáu xây trường, xây đường có chính xác từ ngày tháng năm nào thì không ai nhớ, chứ còn cái tên Trường Tiểu học Bồ Đề, xã Phước Lộc thì ai cũng biết ngôi trường làng này đã gắn với tên của ông từ bao nhiêu năm qua.
Cách đây quãng hơn 5 năm, vùng đất ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè này vẫn còn bộn bề đói khó: “Đầm lầy chua mặn, đói nghèo dai dẳng quanh năm”. Trẻ em muốn đi học phải băng đồng vượt ruộng lầy lội đến bốn, năm cây số. Bởi vậy việc thất học của trẻ em ở đây là điều không tránh khỏi. Vốn là một nông dân cố cựu ở mảnh đất này, nghĩ mình ít chữ nghĩa nên cứ nghèo đói mãi và những người thân thuộc, chòm xóm cũng không khá gì hơn. Thế là ông Sáu quyết tâm đứng ra vận động xây trường cho con em mình học hành ngay tại ấp. Với suy nghĩ giản đơn, làm được điều này ít ra sẽ bớt đi việc không biết chữ của bọn trẻ trong xóm. Suy nghĩ này sau khi đưa ra bàn bạc thì nhiều người hỏi, thế đất đâu làm trường và nếu có đất thì tiền đâu mua vật liệu về xây trường? Ông Sáu trả lời chắc nịch: “Đất tui cho, còn vật liệu thì bà con mình cùng xắn tay nhau ra đồng, ra bưng chặt tràm cừ, đốn dừa nước về làm trường và bàn ghế…”. Thấy ông quyết tâm nên cả xóm chung lưng góp sức cùng ông. Cuối cùng ngôi trường trên phần đất 300m2 của ông Sáu Lung cũng được mọc lên.
Ngày khai giảng năm học ông cười hóm hém: “Nghe tiếng trẻ vui đùa, đọc bài, học bài mà trong lòng hớn hở, vậy là bọn trẻ từ nay có ngôi trường làng để học mà không phải lặn lội ra trung tâm xã như những năm trước. Có trường học rồi, đứa nào nói trường xa nghỉ học là tao đánh đòn đó nghen!”. Thế nhưng hễ vào những ngày mưa dầm thì trong lòng ông Sáu lại có thêm nỗi lo mới. Đó là cảnh lầy lội đến trường, cảnh các em học sinh quần áo lem luốc bùn sình vì con đường đến trường trơn trợt, đường không ra đường, lối đi không ra lối đi… Thế là ông tiếp tục vận động bà con trong ấp làm đường. Một lần nữa, câu hỏi đất đâu để làm cho con đường được đàng hoàng lại đặt ra. Để khơi dậy lòng dân của xóm làng, ông nói: “Tui sẽ bỏ ra 2.000m2 để làm con đường huyết mạch qua trung tâm ấp”. Thấy tấm thịnh tình của ông Sáu bà con trong ấp cùng chung lưng góp sức thêm lần nữa, để rồi cuối cùng con đường đất đỏ liên ấp nối với trung tâm xã cũng được ra đời mà phần chính là trên đất của ông Sáu.
Bỏ tiền tỷ sắm chữ cho trẻ con
Hễ cứ buổi chiều nào mưa dầm là người dân xuôi ngược qua vùng cù lao Long Phước, quận 9 mới thấy được tấm lòng của bà Nguyễn Thị Xuân, ấp Cù Lao, phường Long Trường. Cách đây mấy năm, khi những cơn mưa trút xuống thì xe đạp, xe gắn máy chạy qua khu vực này bị đất đỏ quện chặt vào bánh. Riết rồi không ai dám đi lại, ra đường vào những lúc như thế này. Thậm chí nhiều gia đình không cho con đi học nữa vì phải chạy trên những con đường sình lầy như thế. Hay tin quận có chủ trương xây trường tại phường nhưng không có đất để xây, thế là bà Xuân xung phong cắt mấy ngàn mét vuông đất của ông bà để lại hiến cho Ủy ban phường lên kế hoạch xây trường. Chẳng bao lâu ngôi trường được xây dựng khang trang trên phần đất của mình. Nhiều người trong xóm thấy bà bỏ ra hàng ngàn mét vuông đất để xây trường cứ xì xào. Bà trả lời quả quyết: “Cả đời tui đã nghèo, đã khổ trên mảnh đất này cũng chỉ vì dốt nát, chữ nghĩa lèm nhèm chẳng tới đâu. Lẽ nào mình có đất cứ để không ở đó mà con cháu trong xóm ấp vẫn cứ theo vết xe đổ của mình sao? Đất đai có giá trị hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng nhưng ăn cũng hết, còn tương lai bọn trẻ, từ thế hệ này rồi qua thế hệ khác thì phải được định đoạt bởi chữ nghĩa, học hành…”.
Mộc mạc, giản đơn chỉ có vậy, những ngôi trường mang thương hiệu nông dân như nối với thế giới bên ngoài của những “ốc đảo” heo hút vùng sâu thành phố với nhà máy, xí nghiệp, với phố xá và ánh sáng đô thị.
Huỳnh Sang
Bình luận (0)