Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những ngôi trường trăm năm tuổi: Bài 1: Trường Collège Chasseloup-Laubat

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay

Trường Collège Chasseloup-Laubat được thành lập năm 1874. Là trường trung học lâu đời nhất ở Sài Gòn.
Nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em của thực dân Pháp tại Sài Gòn, sau khi đánh chiếm toàn Nam Kỳ, ngày 14-1-1874, Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn đô đốc Pháp Jules François Emile Krantz (1821-1914) ký Nghị định thành lập một ngôi trường trung học. Trong năm ấy, ngôi trường đã được khởi công và hoàn thành vào năm 1877. Theo đó, trường được dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp.
Vì sao đổi tên trường nhiều lần?
Đó là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène, có nghĩa là trung học bản xứ. Cái tên Collège Chasseloup-Laubat thay thế tên cũ là vì đặt tên theo tên của Bộ Thuộc địa (Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại) thời điểm ấy. Bộ trưởng có tên Francois Marquis de Chasseloup-Laubat (1754-1833). Là một trường dành cho người có quốc tịch Pháp nhưng trường còn có tên là Bổn Quốc Sài Gòn, khác với các trường bản xứ khác.
Cũng như mục đích thành lập trường là để phục vụ nhu cầu đào tạo con em của thực dân Pháp, thời gian đầu đi vào hoạt động, trường chỉ nhận học sinh người Pháp. Việc mở rộng nhận học sinh người Việt vào đầu thế kỷ 20. Nói là học sinh Việt nhưng phải có quốc tịch Pháp mới được vào học. Lúc bấy giờ trường cũng được chia làm hai khu riêng biệt nhưng đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp: khu dành cho học sinh Pháp (còn gọi là Quartier Européen) và khu dành cho học trò Việt là Quartier indigène (khu bản xứ). Học sinh Việt được học tiếng Việt.
Ngày 28-1-1927, một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat tại Chợ Quán dành cho người bản xứ có tên Collège de Cochinchine được thành lập theo nghị định của toàn quyền Đông Dương G. Gal. Gần một năm sau đó, ngày 11-8-1928, René Robert (toàn quyền Đông Dương tạm thời) ký nghị định số 3116 gồm 6 điều, thành lập tại Chợ Quán. Theo nghị định, kể từ năm học 1928-1929, một trường cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ chuyển giao phân hiệu tạm thời với trên 200 học sinh của Collège Chasseloup Laubat vào trường này. Sáp nhập một hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ (Lycée) để thành lập một trường mới, đó là Trường Petrus Ký sau này.
Trường lại được đổi tên thành Trường Jean Jacques Rousseau vào sau 1954 nhằm tránh gợi nhớ thời thuộc địa. Lúc bấy giờ trường vẫn do người Pháp quản lý nhưng chủ yếu dạy học sinh người Việt. Trường được trả cho Việt Nam vào năm 1967 và trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn và là Trường THPT Lê Quý Đôn ngày nay. Khu A (dãy nhà phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai) là dãy nhà xưa nhất của trường.
Những thế hệ học trò đầu tiên

136 năm rồi, một ngôi trường đã để lại trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam lẫn Pháp. Mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần song vẫn còn mang đậm lối kiến trúc hiện đại Tây Âu. Nhiều học sinh đã sống xa xứ, khi có dịp trở về trường cũ, ai nấy đều có chung nhận định: “Nét hiện đại xen lẫn cổ kính của ngôi trường hơn một thế kỷ qua vẫn không thay đổi. Chỉ có khu luyện tập thể thao và một số phòng học được xây dựng theo kiểu mới”. Cô Đỗ Thị Bích Duyên, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù đã sửa sang lại nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Một số phòng đã được lắp máy lạnh nhưng các cửa sổ đều phải chèn kính, không thay cửa mới.
Trong một lần về thăm trường cũ, cựu học sinh lớp Philo (ban Triết) niên khóa 1957-1958, lúc ấy còn tên trường là Collège Chasseloup-Laubat tâm sự: “Tuy có thay đổi nhưng vẫn còn phảng phất không khí của ngày xưa”. Nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển đã từng học ở ngôi trường danh giá Collège Chasseloup-Laubat. Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire (cao đẳng tiểu học), ông làm chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi trong 20 năm (từ 1923 đến 1943), trong đó có Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Nhà cách mạng ở đầu thế kỷ 20 của Việt Nam Nguyễn An Ninh trước theo học ở Trường Taberd, Collège Mỹ Tho sau đó học tại Trường Collège Chasseloup-Laubat. Nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng tú tài.
Trường Collège Chasseloup-Laubat còn là nơi đào tạo một người từng tham gia đánh phát xít Đức ở châu Âu trong đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918). Đó là ông Cao Triều Phát (1889-1956). Thuở nhỏ ông Phát học tiểu học tại quê nhà Bạc Liêu, sau lên Sài Gòn theo học tại trường này. Nhà trí thức yêu nước ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20 và đồng thời là một kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Đó là ông Lưu Văn Lang (1880-1969) cũng từng học ở ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn. Ông Lang thi đậu tú tài 2 của Pháp với điểm số xuất sắc và nhận học bổng học tại Trường École Centrale de Paris (trường bá nghệ trung ương Pháp lúc bấy giờ). Năm 1904, ông tốt nghiệp với tấm bằng ưu, xếp hạng thứ 8/250 sinh viên và trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.
Trần Tuy An (tổng hợp)

 

Năm 1926, lần bãi khóa để tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, học sinh người Việt đã viết lên bảng 4 chữ cái A; B; L; F (viết tắt câu “A bas les Français”) nghĩa là “đả đảo thực dân Pháp”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)