Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những ngôi trường trên giấy: Bài 2: 30 năm đau đáu một ngôi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 30 năm, mái tôn mục nát nên các lớp học thường xuyên bị dột do trời mưa

Một cơn mưa nhẹ cũng làm ngập toàn bộ khuôn viên nhà trường. Không chỉ vậy, mưa còn xối từng đợt nước xuống bất cứ phòng học nào. Nước từ cống và ngoài đường lớn ào ạt tuôn vào trường, kèm theo mùi hôi, thối… Đó là thực trạng tại Trường THCS Phan Công Hớn, huyện Hóc Môn – nơi hơn 30 năm nay thầy trò phải gồng mình dạy và học.
Trường… nắng bụi mưa lầy lội
Tôi đến Trường THCS Phan Công Hớn đúng lúc trời trút cơn mưa khá nặng hạt. Tôi dắt vội xe vào mái hiên và đi hỏi phòng của Ban giám hiệu thì nước đã ngập ướt hết giày và vớ. Thầy Nguyễn Văn Rộn – Phó hiệu trưởng nhà trường đưa cho tôi ly nước ấm, chưa kịp uống thì “nghe” có mùi thum thủm! Như nhận ra điều bất thường, thầy an ủi: “Dơ phòng không sao, còn “mùi thơm” đó thầy và trò trường tôi khi trời mưa, nước ở ngoài tràn vào đều không tránh khỏi”. Ngồi chưa nóng ghế thì tôi và thầy Rộn lại phải di chuyển sang vị trí khác… do phòng bị dột. Thấy việc ngồi ở phòng không ổn vì mưa dột tứ bề, tôi đề nghị thầy cho được tham quan trường. Ba dãy nhà cấp bốn được sử dụng làm phòng học và một số phòng chức năng đã quá tuổi về “hưu” từ hàng chục năm nay nhưng đến giờ vẫn phải tiếp tục sử dụng. “Rất nhiều phòng học đã xuống cấp trầm trọng, mưa thì dột còn trời nắng thầy và trò như ngồi học trong “lò nung” bánh mì. Dẫu vậy thầy trò chúng tôi vẫn gồng mình dạy và học” – thầy Rộn giãi bày.
Điều khiến tôi băn khoăn là tại sao một ngôi trường có nhiều thành tích trong việc dạy và học, cũng là trường THCS có số HS đông nhất huyện 2.500 em mà cơ sở vật chất tồi tàn đến vậy. Buồn hơn nữa là 30 năm qua, tất cả các phòng học ở đây đều không có cửa sổ. Mưa thì nước từ mái tôn dột xuống, nước từ ngoài tạt qua cửa sổ vào lớp học. Còn nắng thì khói bụi từ ngoài đường do đủ loại phương tiện lưu thông thải ra cứ thế lan tỏa vào tất cả các ngõ ngách của lớp học. Trong trường đã vậy, ngoài cổng trường thì gần 10 năm nay, một công ty xây dựng cầu đường lấn chiếm làm bãi chứa hàng chục ống cống chất ngổn ngang đã vô tình tạo thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các con nghiện lui tới hút chích, thải ống kim tiêm vương vãi khắp nơi. Trước thực tế này, nhà trường đã có văn bản gửi UBND xã Bà Điểm giúp liên hệ với công ty để thu hồi và chuyển số ống cống này đi nhưng đến nay vẫn không có hồi âm!?
Trường Tiểu học Tây Bắc Lân có dự án xây dựng cũng gần 10 năm nay, trải qua hai đời hiệu trưởng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Với 1.840 học sinh, nhà trường phải chia nhỏ ra 5 cơ sở để dạy và học. Vì vậy việc thiếu sân chơi cho HS là điều hiển nhiên. Cách đây mấy tháng, UBND xã Bà Điểm thông báo cho biết cuối tháng 10-2009 sẽ khởi công xây dựng nhưng tới bây giờ gần hết tháng 11 mà vẫn không thấy rục rịch. Nhà trường có hỏi thì xã nói còn đang vướng ở khâu giải tỏa, đền bù. Thầy Trương Văn Hậu, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do số học sinh mỗi năm một tăng cao, nhà trường đành phải mở thêm 4 điểm dạy khác mới đủ chỗ cho các em học. Ngay ở cơ sở chính (số 7 Nguyễn Thị Sóc), trước đây trường còn có một khoảng sân nhỏ cho các em sinh hoạt ngoài trời. Vừa qua, do mở rộng đường vào tới cửa lớp, thầy và trò không còn sân chơi, mọi sinh hoạt được tổ chức ngay dưới tầng trệt. Đường chưa hoàn chỉnh, bụi và tiếng ồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc dạy và học. Biết là vậy, nhưng chúng tôi chỉ còn biết chờ và đợi? Chất lượng giảng dạy chắc chắn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, thầy và trò của trường chỉ biết động viên nhau gồng gánh chứ biết kêu ai bây giờ?”.
Dự án xây trường bị đá qua đá lại
Trước thực trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, trường lớp xuống cấp một cách trầm trọng, Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên theo thầy Rộn: “Sau khi một số kế hoạch xây dựng mới được thông qua, nhà trường rất mừng và mong ngóng hàng ngày. Năm 2007, trường được huyện giao làm chủ đầu tư: Lên phương án xây dựng, thuê thiết kế, giám sát… Với tổng diện tích 4.500m2, thiết kế một trệt ba lầu gồm 15 phòng học, với kinh phí xây dựng là 18 tỷ đồng. Khi đang đợi cấp trên duyệt dự án này, trường nhận được văn bản chỉ đạo: do nhu cầu bức thiết về giao thông, huyện sẽ mở rộng đường Nguyễn Ảnh Thủ và Phan Văn Hớn, vì trường nằm ngay ngã tư có hai trục đường này đi qua, mỗi bên lấy vào 15m. Khi đó diện tích còn lại 3.600m2, không đủ điều kiện xây trường đạt chuẩn…”. Còn theo thầy Thuấn – cán bộ phụ trách cơ sở vật chất Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thì: “Đây là một ngôi trường rất khó khăn trong việc dạy và học. Lãnh đạo huyện đã chủ động lên kế hoạch xây mới nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù giải tỏa. Nhiều hộ dân không chấp nhận phương án di dời và hỗ trợ của huyện. Vì vậy, theo phương án mới của huyện sẽ giải tỏa và dành 2 hec-ta đất tại rừng Ông Thanh để xây Trường THCS Phan Công Hớn”. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Chí Vũ (Tổ công tác giúp việc hội đồng đền bù UBND xã Bà Điểm) cho biết: “Đất tại rừng Ông Thanh mà xã nắm được tới nay là chỉ có dự án xây dựng Trường TH Tây Bắc Lân chứ không có Trường THCS Phan Công Hớn. Tại đây phải giải tỏa 18 hộ dân, đến nay đã có 13 hộ chấp nhận phương án đền bù, giải tỏa của huyện với diện tích trên 15.000m2”. Như vậy, dự án xây dựng Trường Phan Công Hớn chẳng khác nào như một quả bóng được đá qua đá lại giữa các dự án này với dự án kia. Cuối cùng Trường THCS Phan Công Hớn sau 30 năm giờ vẫn tiếp tục nằm trên giấy!
Ông Phan Văn Kèo – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết: “Trên địa bàn huyện Hóc Môn có tất cả 65 trường. Riêng trường học tạm bợ chắp vá, cơ sở vật chất thiếu thốn và cần được đầu tư xây dựng mới chiếm khoảng 30%. Hiện tại có 2 ngôi trường gặp rất nhiều khó khăn và đang rất cần được xây mới trong năm 2010: Trường TH Tây Bắc Lân, THCS Phan Công Hớn”.
 
Lê Quang Huy

Bình luận (0)