Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những ngôi trường trên giấy: Bài 3: Học nhờ, ở đậu nhưng không được kêu

Tạp Chí Giáo Dục

Trường TH Lê Văn Tám phải đóng cửa vì sắp sập, còn học sinh phải đi học nhờ nơi khác

Chúng tôi xuống tận các trường mới thấy cảnh thầy trò dạy và học trong môi trường: Trường không ra trường, lớp không ra lớp; nhiều lớp phải đi học nhờ, ở đậu trong phòng ốc chật chội… Vậy mà, một “vị” lãnh đạo của phòng GD-ĐT quận 7 lại khẳng định “chắc như đinh đóng cột”: Trên địa bàn của chúng tôi không có ngôi trường nào ở trong tình trạng trường lớp xập xệ hay trường tạm và dự án treo! Và chỉ đạo các trường không được cung cấp thông tin…
Lấy đất trường cho công ty xây nhà!?
Thầy Cao Xuân Hiểu, Hiệu trưởng Trường TH Lê Quý Đôn (quận 7) tiếp chúng tôi trong căn phòng chật chội vì ban giám hiệu và phòng tài vụ nhà trường đều làm việc chung trong một căn phòng nhỏ. Khi biết mục đích của chúng tôi đến tìm hiểu những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp… thầy rất e ngại và đề nghị chúng tôi phải có giấy giới thiệu của phòng GD-ĐT quận. Tuy nhiên, sau khi nói ra mục đích của mình và nội dung bài viết, thầy đồng ý trả lời những gì mình biết. Trường được xây dựng năm 1994, quy mô 15 phòng học với trên 500 HS, nhưng đến nay số HS tăng lên 756 em, vì vậy nhà trường phải trưng dụng hai phòng học rộng nhất ngăn ra thành bốn phòng. Đây cũng là trường TH duy nhất của quận 7 không đủ phòng học hai buổi/ngày. Phường Tân Hưng là một trong hai phường có số dân nhập cư cao nhất quận, con em người lao động rất nhiều mà cũng chỉ có một trường tiểu học, vì vậy năm nào trường cũng bị quá tải. Trường đã được xây dựng trên 15 năm nên cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, sân chơi thì nhấp nhô, phòng học thấm nước, nền nhà thì bong tróc… Không chỉ vậy, trong quy hoạch mới của quận, trường bị giải tỏa gần 60m2 – nơi làm việc của các phòng chức năng để trả đất cho công ty Him Lam mở rộng đường đi vào khu chung cư cao cấp của họ. Thầy Hiểu cho biết: “Từ khi có chủ trương đó, nhà trường đã đề xuất và lên phương án xây dựng nhưng đến nay vẫn không có hồi âm, thời gian tới trường bị giải tỏa, phòng học đã thiếu nay các phòng chức năng của trường cũng bị “giải tỏa”… nhà trường chỉ còn cách làm việc ở hành lang!”. Tình cảnh của thầy trò trường TH Lê Quý Đôn giờ đây chẳng khác nào “nhà dột nát gặp phải đám mưa dai”!

Trường TH Lê Văn Tám (Q.7) phải đóng cửa vì sợ sập

Cũng ở quận 7, Trường mẫu giáo Tuổi Thơ B, không bị quá tải về HS nhưng cơ sở vật chất thì vô cùng tồi tàn. Đây là đất do người dân hiến nên diện tích toàn trường chỉ rộng… 187 m2 với 85 cháu theo học và được chia làm hai ca, sáng 45 cháu chiều là số còn lại. Đây có thể được xem là trường mẫu giáo duy nhất trên địa bàn thành phố dạy theo kiểu chia ca như các bậc học khác! Theo chỉ tiêu của Phòng GD-ĐT quận 7 thì Trường mẫu giáo Tuổi Thơ B phải nhận hàng năm khoảng 100 cháu. Do trường quá nhỏ nên chỉ nhận chưa được phân nửa chỉ tiêu và chấp nhận dạy 2 ca/ngày. Được biết, Trường mẫu giáo Tuổi Thơ B cũng đã có kế hoạch di dời sang Trường TH Lê Quí Đôn, sau khi trường này được xây mới ở nơi khác. Trong khi đó qua tìm hiểu của chúng tôi thì Trường TH Lê Quí Đôn cũng cùng chung số phận “trường treo” và chưa biết đến bao giờ mới được xây?
Ăn nhờ ở đậu nhưng cấm nói

Phòng hành chính Trường TH Lê Quý Đôn (Q.7) phải dời ra hành lang làm việc vì không có phòng

“Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM có bài viết về những khó khăn của Trường TH Lý Thái Tổ (quận 8), gặp nhau tôi hay nói vui với thầy Nguyễn Văn Giàu (Hiệu trưởng trường Lý Thái Tổ) là trường thầy chắc chắn sắp được xây dựng. Thầy thật may mắn! Còn trường tôi thì không biết đến bao giờ?”. Đó là tâm sự của thầy Võ Thanh Giàu, Hiệu trưởng Trường TH Lê Văn Tám (quận 7). Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về những khó khăn của trường, thầy Võ Thanh Giàu trả lời một cách dứt khoát: Anh phải có giấy giới thiệu của phòng GD-ĐT, vì quy định đưa ra tất cả các trường khi tiếp phóng viên báo, đài… phải có sự cho phép của phòng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi được biết cách đây mấy tháng, khi hai cơ sở (một ở số 141 Nguyễn Thị Thập và một ở KP 4 Nguyễn Thị Thập, xuống cấp trầm trọng không thể sử dụng được trong việc dạy và học, UBND quận yêu cầu ngừng dạy, nhà trường chưa biết xoay xở ra sao? Chưa biết tính toán như thế nào thì Trường TH Lê Anh Xuân khánh thành trường mới, trường được điều chuyển về đây 2/3 HS còn một phần học nhờ Trường MN Bình Thuận. Việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn, do đoạn đường đi lại rất xa, phải đi qua ngã tư Nguyễn Văn Linh và đường Huỳnh Tấn Phát. Thầy Giàu chia sẻ: “Trường đã có kế hoạch xây mới cách đây cả chục năm, do không có đất nên dự án không thể khởi công. Trên đường Nguyễn Thị Thập có rất nhiều kho bãi để hoang là của công ty Phú Mỹ Hưng, bây giờ nếu muốn xây dựng ở đó trường phải làm thủ tục thuê đất. Không lẽ mình làm chủ mà phải đi thuê lại đất của chính mình”.
Trường TH Tân Quy, tại số 28 KP1, P.Tân Quy, Q.7 có diện tích nhỏ hẹp với 10 phòng học, trong khi nhu cầu được học của con em nhân dân trên địa bàn rất lớn mà trường không thể đáp ứng được. Khi chúng tôi đến trường, bảo vệ cho biết ban giám hiệu đi vắng, buổi chiều quay lại cũng vẫn một câu trả lời trên. Không còn cách nào khác chúng tôi gọi điện cho thầy Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, sau khi hiểu lý do thầy cho biết: Hẹn gặp chúng tôi khi có sự đồng ý của trưởng phòng GD-ĐT quận?
 
Sở GD-ĐT TP.HCM hiện nay đang tiến hành thực hiện chủ trương minh bạch, công khai về trường lớp, cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học… Thế nhưng, có một vài nơi không biết vì lý do gì mà lãnh đạo phòng GD-ĐT không cho phép nhà trường cung cấp thông tin khi chưa được phép của mình. Chính vì những quy định “khô cứng” này đã làm thầy trò ở các trường phải “gồng mình” dạy học trong những ngôi trường chật chội, thiếu thốn mà không dám than vãn cùng ai…
 
Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)