Có một giảng viên đã dành trọn số tiền lương hàng tháng của mình để giúp đỡ bệnh nhân nghèo và bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xuất phát từ cái tâm, mỗi tuần cô trực tiếp nấu ăn, phát cơm miễn phí, chăm sóc người già neo đơn… Đó là Th.S Nguyễn Ngọc Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Lê Thị Riêng.
Lương tháng và lương tâm
Ban đầu cô Thanh làm từ thiện theo kiểu tự phát, không theo bất kỳ một tổ chức nào. Lúc ấy, địa điểm cô thường lui tới làm từ thiện là ở chùa, các mái ấm… Càng làm công việc này, cô càng thấy “ghiền”. Cứ mỗi cuối tuần, cô đều đặn đến các bệnh viện tâm thần, trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật, trẻ mồ côi… Ở đó, ngoài việc trao tặng những phần quà do chính cô bỏ tiền túi ra mua, cô còn tắm rửa, phát thuốc và chăm sóc bệnh nhân. Sau này cô trở thành thành viên của Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm (quận Bình Thạnh) và trực tiếp nấu ăn cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung Bướu. Một tuần hai buổi (thứ bảy và chủ nhật), cô đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng các thành viên khác tổ chức nấu và phát thức ăn sáng cho bệnh nhân nghèo. Không như những bếp ăn từ thiện khác, bếp ăn từ thiện của Chi hội Thiện Tâm nấu ăn rất ngon, vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh. Đây cũng là qui định của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bất kỳ bữa ăn nào nấu phát miễn phí cho bệnh nhân, bệnh viện đều giữ mẫu thức ăn để kiểm nghiệm, kiểm tra về dinh dưỡng. Đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, hỏi bất kỳ một ai họ cũng biết đến một cô Thanh hiền từ, hết lòng yêu thương mọi người, nhất là với bệnh nhân. Bệnh nhân Lý Thị Loan (Vĩnh Long) cho biết: “Cô Thanh luôn quan tâm đến bệnh nhân nghèo như tôi, công việc bận rộn là vậy nhưng sau bữa ăn, cô luôn dành nhiều thời gian để thăm hỏi, động viên chúng tôi cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi cho mau lành bệnh”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh
Nhờ vào những lúc thăm hỏi bệnh nhân mà biết thêm hoàn cảnh của mỗi người. Nếu bệnh nhân thật sự khó khăn, cô Thanh sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người già neo đơn, bệnh nhân hấp hối tiền về xe và thuê bình oxi cho bệnh nhân thở. Những bệnh nhân phải ở lại bệnh viện điều trị lâu dài, cô Thanh cũng lên phương án hỗ trợ tài chính cho họ. “Những gì mình làm hoàn toàn không nghĩ đến chuyện người khác phải trả ơn. Thấy người ta được hạnh phúc thì mình đã hạnh phúc. Đã phục vụ miễn phí thì phải tận tâm, không chỉ tận tâm trong miếng ăn mà còn tận tâm từ những lời động viên, thăm hỏi” – cô Thanh chia sẻ. Mỗi tuần, cô Thanh trích từ tiền túi của mình ra mua đậu nành về nấu tại bệnh viện để phát cho bệnh nhân. Hàng tháng, số tiền mà mỗi thành viên thay nhau mua đậu nành lên đến bạc triệu.
Sống vì hạnh phúc của người khác
Cô Thanh bộc bạch: “Tuổi thơ của tôi rất thuận lợi, có điều kiện học hành, tôi may mắn hơn rất nhiều người. Tôi bị ảnh hưởng nhiều ở những người xung quanh mình. Ông bà ngoại sống nhân từ, hay làm việc thiện. Mẹ tôi công tác trong ngành y cũng hỗ trợ tôi nhiều trong công việc từ thiện. Những năm giảng dạy tại Trường THKTNV Nguyễn Hữu Cảnh, tôi học được nhiều ở đồng nghiệp và thầy Lâm Văn Quản (Hiệu trưởng – nay là Hiệu trưởng Trường CĐ Phú Lâm) về lòng thương người”.
Hàng năm, cô còn tổ chức nhiều chuyến từ thiện về các vùng sâu, vùng xa để tặng quà, tập vở, bút viết, quần áo, đồ chơi cho trẻ em nghèo. Cô thường xuyên đến các khu phố tìm hiểu hoàn cảnh của người già neo đơn rồi đi mua sổ bảo hiểm tặng họ. Lúc rảnh thì đến các chợ đầu mối vận động các tiểu thương đóng góp rau, củ, quả để chia lại các bếp ăn từ thiện. Việc làm của cô Thanh âm thầm và lặng lẽ đến nỗi để có được bài viết này tôi năn nỉ muốn “gãy” cả lưỡi và “cầu viện” nhiều người tác động cô mới cho tôi được phỏng vấn. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, mặc cảm trước đám đông không đến bếp ăn để nhận cơm thì chính cô trực tiếp mang cơm lên tận phòng. Theo cô Thanh, việc làm của mình có thể làm cho bệnh nhân tự tin, tạo đời sống tinh thần để họ thấy rằng cuộc đời này rất đáng để sống và không bi quan về bệnh tật của mình.
Từ cuối năm 2007, cô chuyển công tác về làm Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lê Thị Riêng (quận 3). Cũng kể từ đó, địa phương nơi cô Thanh công tác đã có thêm một “người dưng” thường xuyên làm việc thiện. Đều đặn mỗi tuần, cô nấu 40 suất cháo cho người nghèo ở phường 10, quận 3 và tổ chức phát gạo, quà cho người nghèo.
“Vẫn còn một vài bệnh nhân không tôn trọng những người làm việc thiện như chúng tôi. Họ thường xô đẩy, chen lấn khi nhận suất ăn, thậm chí hất đổ thức ăn. Chúng tôi rất buồn vì để có được những suất ăn như vậy, chúng tôi phải rất khổ sở, tự bỏ tiền túi, thức khuya dậy sớm đến bệnh viện” – cô Thanh bày tỏ. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, nhiều bệnh nhân quen thuộc hàng ngày vẫn đều đặn đến lấy cơm, vắng họ một ngày cũng nhớ. “Không thấy họ đến lấy cơm cũng mừng vì biết họ đã khỏi bệnh, nhưng cũng có bệnh nhân không trở lại lấy cơm vì bệnh tình quá nặng, không qua khỏi. Rồi những bệnh nhân cứ vài tháng trở lại vì bệnh cũ tái phát…” – cô Thanh tiếp.
Mỗi lần đi công tác hay làm từ thiện, cô cũng tìm hiểu hoàn cảnh của người dân ở đó rồi vận động quyên góp xây cầu tặng địa phương. Đối với bệnh nhi không may nhiễm HIV, mắc các bệnh hiểm nghèo cô đều dành cho chúng một tình yêu như chính con của mình. Nhiều người bảo, cô Thanh thương người hơn thương chính bản thân mình, thật không ngoa chút nào. Lãnh tháng lương nào cũng không đủ để cô làm từ thiện. Được biết, hiện nay cô Thanh đang giúp đỡ một cụ già bán vé số ở Phú Xuân mỗi tháng 500 ngàn đồng. Cụ bà là một trong những mảnh đời mà cô Thanh “nhặt” được từ nhiều năm nay khi đi làm từ thiện. “Ông xã tôi rất ủng hộ những gì tôi đang làm. Chúng tôi ra điều kiện với nhau, tiền chồng làm ra là để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, còn tiền vợ là để làm từ thiện” – cô Thanh nói.
Niềm mong mỏi lớn nhất của cô hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm kết cườm để tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn cũng như thành thị. Cô Thanh tâm sự: “Xung quanh mình còn nhiều người cần giúp đỡ, mai kia mình không thể nào giúp đỡ được bằng vật chất thì ít ra họ cũng có được cái nghề. Tôi ước gì mình có nhiều thời gian và tiền bạc để chia sẻ với bệnh nhân phỏng và bệnh nhân đang chạy thận. Bệnh phỏng đau đớn lắm, cái chết cũng đến rất đột ngột”.
Tuy An
Bình luận (0)